Đà Nẵng: Liên kết cảng biển phát triển kinh tế chuỗi đô thị

Thứ hai, 21/07/2025 08:39
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Kết nối, liên kết các cảng biển để tận dụng lợi thế cơ sở hạ tầng của nhau tạo thành cụm cảng hoặc thương cảng lớn, tạo cơ hội phát triển chuỗi kinh tế đô thị là định hướng thành phố Đà Nẵng nhắm đến.

 

Một góc cảng Tiên Sa

Theo Quyết định số 482, ngày 19/2/2025 của UBND thành phố Đà Nẵng về phê duyệt hợp phần tích hợp nghiên cứu mô hình liên kết phát triển kinh tế trong chuỗi các đô thị Huế - Đà Nẵng - Chu Lai (Kỳ Hà) - Dung Quất (Vạn Tường) - Quy Nhơn, định hướng xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị trung tâm trong chuỗi đô thị phát triển trên, đồng thời xây dựng liên kết phát triển các ngành kinh tế, trong đó có hình thành mối liên kết giữa các cảng…

Liên kết giữa các cảng

Theo quyết định, định hướng liên kết chuỗi đô thị thông qua các ngành kinh tế chủ lực, về liên kết ngành giao thông vận tải và logistics, hình thành mối liên kết giữa các cảng để hoạt động xứng tầm với vai trò vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và chuỗi đô thị.

Theo UBND thành phố, trong vùng đã và đang có nhiều bến cảng như: Chân Mây, Tiên Sa, Kỳ Hà, Dung Quất, Quy Nhơn, điều đó rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế biển.

Việc kết nối, liên kết các cảng biển để tận dụng lợi thế cơ sở hạ tầng của nhau tạo thành cụm cảng hoặc thương cảng lớn là điều cần thiết, đem lại hiệu quả cao về nhiều mặt. Đó là tiết kiệm chi phí quản lý và vận tải, tận dụng được khả năng xếp dỡ; có thể đón nhiều tàu vào cùng một lúc, nâng cao vị thế và thương hiệu các cảng biển miền Trung trong khu vực và thế giới.

Đồng thời, hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường ven biển đã phát triển và hình thành hệ thống kết nối tốt, phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội và kết nối liên vùng, nội vùng.

Thành phố Đà Nẵng cũng đề xuất, hình thành các liên kết mềm giữa các cảng trong chuỗi cung ứng logistics, bao gồm liên kết và thống nhất các chính sách về dịch vụ; xây dựng một số trung tâm điều phối logistics nhằm điều phối, hỗ trợ và gắn kết các cảng biển với các hình thức vận tải khác, qua đó giám sát, điều phối và đưa ra khuyến nghị cần thiết trong quá trình thực hiện dịch vụ của các cảng, mà trong đó phải chú trọng việc cạnh tranh về chất lượng dịch vụ.

Liên kết tạo thành cụm cảng là để tận dụng lợi thế cơ sở hạ tầng của nhau, tận dụng được khả năng xếp dỡ hàng hóa, tiết kiệm chi phí vận tải và quản lý, mặt khác cũng nâng cao được vị thế các thương hiệu cảng biển miền Trung trong hoạt động logistics khu vực và thế giới…

Đưa chủ trương vào thực tiễn

Theo đề xuất của UBND thành phố, trong định hướng hình thành mối liên kết về giao thông và logistics cũng cần phải thiết lập chính sách ưu tiên cho các tuyến vận tải bộ, thủy kết nối Đà Nẵng và các khu công nghiệp vùng lân cận.

Phối cảnh Trung tâm dịch vụ logistics Hòa Vang đang được xây dựng

Đồng thời đẩy mạnh phát triển đội tàu vận tải biển với cơ cấu hợp lý, ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu vận tải nội địa, tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng vận tải, từng bước gia tăng, chiếm lĩnh thị phần quốc tế; phát triển đội tàu container có tải trọng lớn và hiện đại, thực hiện dịch vụ feeder cho hàng hóa địa phương và khu vực, sau đó tham gia vận tải quốc tế.

Bên cạnh đó chủ động tham gia sâu hơn và ổn định hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua liên kết với các cảng biển quốc tế và hãng tàu quốc tế, khai thác tối đa nguồn hàng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và hành lang kinh tế Đông Tây.

Đà Nẵng với vị trí địa lý dễ dàng kết nối giao thương đến các khu công nghiệp, khu kinh tế các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, Nam Lào, Bắc Campuchia… mở cửa ngõ ra Biển Đông của vùng Đông Bắc Á với các hãng tàu quốc tế lớn cập cảng làm hàng và đưa đón khách quốc tế đến khu vực thường xuyên.

Thời gian qua, các cảng biển Đà Nẵng cũng như trong khu vực đã xây dựng, hình thành một liên kết cảng, một trung tâm logistics container quốc tế, xuất, nhập khẩu trực tiếp với hệ thống kho bãi, khu vực chuyên dụng, có thể vận chuyển hàng hóa, xuất nhập khẩu sản lượng lớn…

Được biết, trong định hướng về liên kết phát triển các lĩnh vực kinh tế biển chủ lực trong vùng và chuỗi đô thị bao gồm: nuôi trồng và khai thác thủy sản, phát triển công nghiệp chế biến thủy sản, đóng và sửa chữa tàu thuyền, phát triển năng lượng tái tạo.

Hình thành trung tâm nghề cá tại Đà Nẵng, gắn với ngư trường Biển Đông và Hoàng Sa phục vụ cho hoạt động nghề cá và kinh tế biển toàn vùng gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc cũng như đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật phục vụ dịch vụ hậu cần nghề cá, đặc biệt tại Khu Công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang...

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)