Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Văn Lâu vừa chủ trì cuộc họp với các sở, ngành liên quan nhằm tập trung giải quyết những bất cập trong công tác tổ chức giao thông, xử lý các điểm có nguy cơ mất an toàn giao thông, ùn tắc giao thông và tìm giải pháp ứng phó tình trạng ngập nước trên địa bàn thành phố.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Văn Lâu phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp giải quyết các bất cập giao thông và tình trạng ngập nước trên địa bàn thành phố.
Tại cuộc họp, Sở Xây dựng TP Cần Thơ báo cáo kết quả khảo sát thực trạng hệ thống thoát nước tại 11 tuyến đường, khu vực gồm: Cách Mạng Tháng 8, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Cừ, Mậu Thân, Trần Việt Châu, Phạm Ngũ Lão, Hùng Vương, Quang Trung, 30 Tháng 4, Trần Hoàng Na, khu dân cư Metro và hai trạm bơm Châu Văn Liêm, Hồ Sen.
Qua khảo sát, phần lớn các tuyến cống đã được đầu tư từ lâu, hiện nay đều quá tải, xuống cấp, khả năng thoát nước kém. Hố thu nước bị bùn, rác, sình lấp đầy, nhiều cửa xả bị người dân xây dựng công trình che lấp, dòng chảy bị thu hẹp nghiêm trọng. Một số tuyến như đường Cách Mạng Tháng 8, Nguyễn Văn Cừ, Trần Việt Châu... có cao độ thấp, khiến nước mưa dễ ứ đọng gây ngập cục bộ. Nhiều cửa xả có cao độ cao hơn hệ thống cống bên trong, dẫn đến tình trạng nước luôn ứ đọng trong cống, hố ga.
Đặc biệt, tại các trạm bơm chống ngập như Châu Văn Liêm và Hồ Sen, dù thiết bị hoạt động bình thường nhưng lượng rác, túi nhựa và bùn tại hố thu nước quá nhiều đã cản trở dòng chảy, không đảm bảo đủ nước để bơm thoát ra ngoài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả vận hành chống ngập.
Theo Sở Xây dựng, có 8 nhóm nguyên nhân chính gây ngập đô thị tại Cần Thơ, gồm: hố thu nước nhỏ, không đủ diện tích; hố ga, tuyến cống không được nạo vét thường xuyên; cao độ mặt đường thấp; cửa xả và rạch bị lấn chiếm, thu hẹp; chênh lệch cao độ giữa cửa xả và cống bên trong; hệ thống cống quá tải, xuống cấp; chưa hoàn thiện kết nối cống ra sông Cần Thơ; và hoạt động của các trạm bơm chưa hiệu quả do thiếu vệ sinh, nạo vét định kỳ.
Tính đến ngày 23/7, thành phố đã tiếp nhận 38 thông tin, ý tưởng, giải pháp chống ngập từ các tổ chức, cá nhân thông qua công văn, hộp thư điện tử, Zalo… Trong đó, 22 nhóm giải pháp tập trung vào cải tạo hệ thống thoát nước, kiểm soát triều cường, xây dựng hạ tầng chống ngập và ứng dụng công nghệ thông minh.
Về tình hình giao thông, sau sáp nhập, TP Cần Thơ hiện có 9 đoạn tuyến quốc lộ và hơn 59 tuyến đường tỉnh, liên tỉnh cùng hệ thống giao thông đô thị, đường huyện, đường giao thông nông thôn rộng khắp. Lưu lượng giao thông rất lớn, nhất là tại các trục chính dẫn vào trung tâm thành phố. Hiện tượng ùn tắc giao thông ngày càng gia tăng, đặc biệt tại khu vực trung tâm quận Ninh Kiều, Cái Răng, vào các khung giờ cao điểm.
Nguyên nhân được xác định là do tỷ lệ đất giao thông thấp (chỉ khoảng 7,6%), hệ thống đường sá chưa được mở rộng tương xứng với tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân (tăng 10-12%/năm), hạ tầng giao thông công cộng chưa đáp ứng nhu cầu, tổ chức giao thông còn bất cập, ý thức người dân khi tham gia giao thông chưa cao, và chưa có các trục đường vành đai phân luồng phương tiện vận tải nặng ra khỏi trung tâm.

Quang cảnh tại cuộc họp.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Văn Lâu yêu cầu các sở, ngành liên quan khẩn trương triển khai đồng bộ các giải pháp trước mắt và lâu dài, không để tình trạng ngập úng kéo dài gây bức xúc trong nhân dân.
Chủ tịch UBND TP chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân không lấn chiếm kênh rạch, không xả rác bừa bãi; phát động phong trào khơi thông dòng chảy; kiểm tra, vận hành hệ thống cống ngăn triều và đề xuất sửa chữa nếu cần thiết. Đối với các công trình do Ban Quản lý ODA thực hiện, cần sớm bàn giao hạ tầng, hoàn chỉnh quy trình vận hành. Các tuyến đang thi công cần thu dọn vật tư, đảm bảo an toàn giao thông và khả năng thoát nước. Những hạng mục chưa cấp thiết cần được rà soát, cắt giảm để tập trung nguồn lực cho các công trình trọng điểm. Trường hợp thi công không đúng cam kết, địa phương cần theo dõi, báo cáo UBND thành phố để xử lý theo quy định.
Chủ tịch Trần Văn Lâu cũng giao nhiệm vụ cho các sở, ngành tiếp tục rà soát, tổ chức lại giao thông hợp lý, xử lý dứt điểm các điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông và ùn tắc, đặc biệt tại khu vực trung tâm, nhằm cải thiện điều kiện sống, sinh hoạt của người dân và phát triển đô thị bền vững.