Ngày 19/7/2025, tại Hà Nội, Tạp chí Xây dựng (thuộc Bộ Xây dựng) chủ trì, phối hợp với các đối tác tổ chức hội thảo: “Áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng: Đánh giá năng lực nhà thầu, điều kiện đấu thầu và chi phí áp dụng”. Hội thảo với sự tham dự của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các doanh nghiệp... đã ghi nhận nhiều kiến nghị, đề xuất nhằm hoàn thiện chính sách về ứng dụng BIM trong hoạt động xây dựng, đấu thầu.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Nhà báo Nguyễn Thái Bình - Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của việc áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng, đồng thời cho biết, trong lộ trình chuyển đổi số ngành Xây dựng, BIM là nền tảng quan trọng giúp chuẩn hóa, số hóa toàn bộ quy trình từ thiết kế, đấu thầu, thi công tới vận hành.
Tuy nhiên, hiện nay, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, thực tiễn áp dụng BIM cũng phát sinh không ít băn khoăn, vướng mắc, cần được làm rõ, nhất là trong hồ sơ mời thầu, đánh giá năng lực nhà thầu, tính chi phí BIM...
.jpg)
Quanh cảnh hội thảo tại điểm cầu Hà Nội
“Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đặt ra, hội thảo “Áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng: Đánh giá năng lực nhà thầu, điều kiện đấu thầu và chi phí áp dụng” được tổ chức nhằm cập nhật quy định pháp luật có liên quan đến áp dụng BIM trong đấu thầu; phân tích, làm rõ những khó khăn, bất cập trong thực tiễn thực hiện, đặc biệt tại các dự án sử dụng vốn ngân sách, dự án PPP; trao đổi chuyên sâu, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn và kiến nghị, đề xuất hoàn thiện chính sách pháp luật trong việc áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng, đấu thầu” - Tổng Biên tập Nguyễn Thái Bình cho biết.
Tham dự hội thảo, TS. Tạ Ngọc Bình - Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế đầu tư và xây dựng số, Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, thời gian qua các văn bản pháp lý do Chính phủ và Bộ Xây dựng ban hành đã tạo ra hệ quy chuẩn và hướng dẫn khá đồng bộ cho áp dụng BIM trong các gói thầu. Từ đó, việc áp dụng BIM có sự gia tăng vượt bậc. Nếu năm 2023 chỉ có 12 gói thầu, thì năm 2024 tăng lên 61 gói và 6 tháng đầu năm 2025 đạt 110 gói thầu.
Bên cạnh việc phổ biến một số nội dung về lựa chọn nhà thầu trong hướng dẫn chung áp dụng BIM của Bộ Xây dựng, TS. Tạ Ngọc Bình chia sẻ tới hội thảo những thông tin tổng quan tiến trình áp dụng BIM và quy trình quản lý thông tin trong quá trình triển khai dự án.
Trình bày tham luận “Áp dụng BIM trong thi công công trình giao thông: Từ công tác thi công đến nghiệm thu, bàn giao”, TS. Nguyễn Văn Chính - Giảng viên trường Đại học Giao thông vận tải phân tích: quy định hiện hành chưa làm rõ nội dung áp dụng BIM trong quá trình thi công. Mặt khác, việc cập nhật kiến thức và hiểu rõ về BIM đối với đơn vị tư vấn đấu thầu còn hạn chế nên dẫn tới có nhiều cách hiểu khác nhau trong Hồ sơ mời thầu, cũng như Hồ sơ dự thầu.
Do đó, theo TS. Nguyễn Văn Chính, khi triển khai dự án, công tác đào tạo, cập nhật kiến thức về BIM phải được thực hiện cho tất cả các bên liên quan. Trong quá trình này, yêu cầu đặt ra đối với giảng viên là phải am hiểu BIM, đã triển khai và có kinh nghiệm triển khai BIM trên thực tế trong điều kiện Việt Nam; người học cần coi BIM là tất yếu, sẽ thay thế các phương thức truyền thống, học thật để làm thật đảm bảo an toàn và hiệu quả.
“Bên cạnh đó, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần xem xét, bổ sung một số quy định: thống nhất các biểu mẫu đấu thầu đối với gói thầu áp dụng BIM, đảm bảo tương thích, đồng bộ với các quy định hiện hành, phù hợp với năng lực, mức độ áp dụng BIM thực tế; chuẩn hóa dữ liệu BIM trong quá trình thi công, khi bàn giao cho đơn vị quản lý, vận hành công trình” - TS. Nguyễn Văn Chính đề xuất.
Là một doanh nghiệp tích cực triển khai ứng dụng BIM trong các dự án, thời gian qua, Công ty TNHH Kỹ thuật và Công nghệ V7 đã chú trọng đặc biệt vào các công cụ BIM, lập trình Dynamo, Python, ứng dụng nhiều nền tảng khác nhau như Midas, Autodesk, và cả AI, nhằm tối ưu quá trình dựng hình và cập nhật mô hình, nhằm tiết kiệm chi phí và thời gian trong quá trình cập nhật mô hình theo ý kiến điều chỉnh từ các bên liên quan.
.jpg)
Nhiều chuyên gia tham dự hội thảo tại các điểm cầu trực tuyến
Do đó, dưới góc độ của một doanh nghiệp trực tiếp triển khai ứng dụng BIM trong các dự án hạ tầng giao thông, TS. Huỳnh Xuân Tín - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Kỹ thuật và Công nghệ V7 đề xuất cần có quy định cho phép khoán gọn phần chi phí gia tăng khi áp dụng BIM, tạo điều kiện để các doanh nghiệp chủ động lựa chọn hình thức triển khai - thuê thêm nhân công, ứng dụng công nghệ lập trình, hay AI - miễn sao đảm bảo sản phẩm đầu ra đúng theo yêu cầu. Điều này sẽ giải phóng nguồn lực, thúc đẩy ứng dụng công nghệ hiệu quả, đồng thời giúp công tác hạch toán minh bạch, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
Tại hội thảo, các chuyên gia, đại biểu khách mời tích cực thảo luận trao đổi và kiến nghị, đề xuất cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét bổ sung tiêu chí BIM là điều kiện tiên quyết hoặc tiêu chí kỹ thuật có trọng số cao trong hồ sơ mời thầu đối với dự án nhóm A, sử dụng vốn đầu tư công; chuẩn hóa các khái niệm, vai trò nhân sự BIM trong pháp luật đấu thầu và xây dựng.
Đồng thời, ban hành Thông tư hướng dẫn riêng về chi phí BIM, cho phép doanh nghiệp linh hoạt lựa chọn phương pháp triển khai; tăng cường đào tạo BIM từ bậc đại học, sau đại học và đào tạo lại cho công chức, nhà thầu.
Theo các chuyên gia, việc áp dụng BIM trong đấu thầu không chỉ là yêu cầu công nghệ mà đã trở thành một phần thiết yếu trong hệ thống thể chế xây dựng hiện đại. Để làm được điều đó, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, tháo gỡ rào cản chi phí và quan trọng nhất là thay đổi tư duy triển khai từ thử nghiệm sang đồng bộ hóa và phổ cập hóa BIM.