Từ đầu năm 2025 đến nay, các doanh nghiệp đóng tàu trên địa bàn thành phố Hải Phòng liên tục ký kết đơn hàng, tổ chức cắt tôn, đặt ky, hạ thủy sản phẩm mới. Đơn hàng dồi dào, thu nhập người lao động ổn định. Tuy nhiên, bài toán thiếu nhân lực đang khiến doanh nghiệp đóng tàu loay hoay tìm lời giải.

Công ty TNHH MTV Đóng tàu Bạch Đằng thực hiện cắt tôn đóng mới seri 3 tàu chở dầu, hóa chất trọng tải 14.000 m3.
Không lo thiếu việc làm
Ngày 21/6 vừa qua, Công ty cổ phần Đóng tàu Thái Bình Dương cùng chủ đầu tư Công ty TNHH Vận tải Việt Thuận tổ chức đặt ky tàu Việt Thuận 26/01, trọng tải 26.000 DWT. Đây là một trong số 8 tàu biển quốc tế không hạn chế được Đóng tàu Thái Bình Dương đóng mới theo đặt hàng của Công ty TNHH Vận tải Việt Thuận với tổng mức đầu tư hơn 2.600 tỷ đồng. Trước đó một ngày (20/6), tàu Việt Thuận 027-01 đã được hạ thủy. Từ đầu năm 2025 đến nay, bên cạnh việc liên tục hạ thủy, đặt ky các sản phẩm theo đơn hàng ký kết với Công ty Việt Thuận, Công ty Đóng tàu Thái Bình Dương tiến hành đóng mới hàng loạt tàu như: Trường Nguyên 135- 01, Vinacomni TĐ 056-03... Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đóng tàu Thái Bình Dương Lê Đoàn Tám thông tin, với những đơn hàng được ký, doanh nghiệp đủ việc làm cho người lao động đến năm 2030 với mức thu nhập cao. Tuy nhiên, tháng nào doanh nghiệp cũng đăng thông tin tuyển dụng nhưng vẫn chưa tuyển đủ lao động cho các bộ phận, phân xưởng sản xuất.
Những ngày cuối tháng 6, Nhà máy Đóng tàu Bạch Đằng sôi động bởi tiếng máy mài, máy cắt. Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đóng tàu Bạch Đằng Nguyễn Bá Sơn cho biết, các kỹ sư, công nhân, người lao động đang tập trung thi công seri 3 tàu dầu hóa chất 14.000 m³ vừa được cắt tôn. Đây là đơn hàng được Đóng tàu Bạch Đằng ký kết với đối tác tại triển lãm Vietship đầu tháng 3 vừa qua. Đơn hàng mới cộng với các đơn hàng ký từ trước giúp doanh nghiệp cam kết đủ việc làm cho người lao động đến hết năm 2027. Từ một nhà máy quy mô 3.000 lao động “thời kỳ hoàng kim”, nay chỉ còn khoảng 150 người. Để bảo đảm thời gian bàn giao sản phẩm cho khách hàng theo cam kết, vấn đề nhân lực khiến lãnh đạo doanh nghiệp đau đầu bởi đơn hàng nhiều mà thợ trẻ ngày càng ít.
Năm 2024, sau khi hạ thủy thành công tàu Trường Minh Dream 01 trọng tải 65.000 DWT - là tàu hàng rời lớn nhất do doanh nghiệp Việt Nam đóng mới - từ thành công đó, Công ty Đóng tàu Nam Triệu tiếp tục nhận đơn hàng mới, trong đó có hợp đồng đóng thêm 2 tàu 65.000 DWT số 3 và 4. Theo lãnh đạo Công ty Đóng tàu Nam Triệu, với các đơn hàng đang triển khai, gồm tàu dầu 9.300 m³ và tàu công trình chuyên dụng ngoài khơi, công ty đủ việc làm cho người lao động đến năm 2030, với thu nhập bình quân từ 18 đến 20 triệu đồng/người/tháng.
Đón đầu xu hướng “chuyển đổi xanh”
Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) Phạm Hoài Chung nhận định, giai đoạn 2024 - 2028, quy mô thị trường đóng tàu dự kiến tăng khoảng 22,1 tỷ USD, đạt quy mô 195 tỷ USD vào năm 2030, tốc độ tăng trưởng bình quân 4%/năm. Ngành công nghiệp tàu thủy nói chung, nhà máy đóng tàu nói riêng đứng trước nhiều vận hội mới từ sự dịch chuyển của thị trường đóng tàu thế giới. Trong đó, sản xuất sản phẩm có tiêu chuẩn kỹ thuật cao, sử dụng nhiên liệu tiết kiệm và thân thiện với môi trường trở thành xu thế tất yếu. Bởi Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) đưa ra quy định bắt buộc chuyển đổi sang năng lượng sạch theo cam kết tại COP26. Yêu cầu về công nghệ ngày càng cao, nhất là công nghệ xanh, tự động hóa, đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực được nâng tầm cao.
Trong đó, sản phẩm có tiêu chuẩn kỹ thuật cao, sử dụng nhiên liệu tiết kiệm và thân thiện với môi trường trở thành xu thế tất yếu, bởi Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) đưa ra quy định bắt buộc chuyển đổi sang năng lượng sạch theo cam kết tại COP26. Yêu cầu về công nghệ ngày càng cao, nhất là công nghệ xanh, tự động hóa, đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực cũng phải được nâng lên tầm cao mới.
Sự chuyển mình của ngành đòi hỏi các doanh nghiệp phải thích ứng nhanh chóng và linh hoạt. Với tầm nhìn này, Công ty TNHH MTV Đóng tàu Bạch Đằng chủ động điều chỉnh định hướng sản xuất. Theo Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đóng tàu Bạch Đằng Nguyễn Bá Sơn, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về năng lực kỹ thuật và phù hợp xu hướng “chuyển đổi xanh”, doanh nghiệp chuyển hướng, tập trung đóng mới dòng tàu đặc chủng có kỹ thuật cao, giá trị lớn thay vì những sản phẩm tải trọng lớn như trước. Đón đầu xu hướng này, đơn vị đóng thành công tàu chở khí hóa lỏng, tàu chở dầu, hóa chất. Đây được xem là “bàn đạp” giúp doanh nghiệp tiếp tục sản xuất các sản phẩm đòi hỏi kỹ thuật và công nghệ cao hơn.
Giúp ngành đóng tàu “vươn ra biển lớn”, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là giải pháp được tập trung thực hiện. Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Tú, Trưởng Khoa Đóng tàu, Trường đại học Hàng hải Việt Nam, khoa đã xây dựng chương trình đào tạo theo hướng tập trung vào kiến thức ứng dụng kết hợp với thực hành, thực tập tại doanh nghiệp. Sinh viên ngành đóng tàu khi tốt nghiệp sẽ đạt chuẩn đầu ra tin học văn phòng MOS ≥ 750, ngoại ngữ TOEIC 450. Chương trình đào tạo cập nhật xu hướng số hóa, tự động hóa, năng lượng tái tạo; liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, mời kỹ sư, chuyên gia trực tiếp giảng dạy thực hành; hỗ trợ học phí, học bổng cho sinh viên ngành tàu thủy.