Sự cần thiết ban hành chính sách, văn bản quy phạm pháp luật
- Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023: Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá tại mục 8 Phụ lục 2 ban hành kèm theo Luật Giá quy định Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) là Cơ quan có thẩm quyền định giá tối đa đối với “Dịch vụ kiểm định phương tiện vận tải bao gồm: dịch vụ đăng kiểm phương tiện giao thông, các tổng thành, hệ thống linh, kiện, phụ tùng của phương tiện giao thông; phương tiện, thiết bị thăm dò, khai thác, vận chuyển trên biển; phương tiện, thiết bị xếp dỡ, thi công chuyên dùng; máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động trong giao thông vận tải và trang bị, thiết bị kỹ thuật chuyên dùng”;
- Nghị định số 85/2024/NĐ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá: Điểm a khoản 2 Điều 28 của Nghị định số 85/2024/NĐ-CP quy định các bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm: “a) Ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền theo lĩnh vực quản lý để quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật (tên gọi chi tiết, chủng loại cụ thể hoặc đặc điểm cơ bản của hàng hóa, dịch vụ) trên cơ sở tên gọi chung của hàng hóa, dịch vụ trong Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá (ngoại trừ sản phẩm dịch vụ công sử dụng Ngân sách Nhà nước thực hiện theo phương thức đặt hàng, hàng dự trữ quốc gia và các hàng hóa, dịch vụ đã có quy định về đặc điểm kinh tế - kỹ thuật tại pháp luật có liên quan), Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai giá được quy định tại Luật Giá và Nghị định này, phù hợp với yêu cầu công tác quản lý nhà nước về giá theo ngành, lĩnh vực;”;
- Nghị định số 33/2025/NĐ-CP ngày 25 tháng 02 năm 2025 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng: Khoản 3 Điều 2 của Nghị định số 33/2025/NĐ-CP thì Bộ Xây dựng có nhiệm vụ, quyền hạn “Ban hành thông tư và các văn bản khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ; …”;
- Các văn bản quy phạm pháp luật quy định công tác đăng kiểm phương tiện thủy nội địa: Thông tư số 48/2015/TT-BGTVT ngày 22 tháng 9 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa; Thông tư số 49/2015/TT-BGTVT ngày 22 tháng 9 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của lãnh đạo, đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ của đơn vị đăng kiểm phương tiện thủy nội địa; Thông tư số 42/2018/TT-BGTVT ngày 30 tháng 7 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số Điều của các Thông tư trong lĩnh vực đăng kiểm; Thông tư số 16/2022/TT-BGTVT ngày 30 tháng 6 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư trong lĩnh vực đăng kiểm; Thông tư số 20/2022/TT-BGTVT ngày 29 tháng 7 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về các biểu mẫu giấy chứng nhận, sổ an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cấp cho tàu biển, ụ nổi, kho chứa nổi, giàn di động, phương tiện thủy nội địa và sản phẩm công nghiệp sử dụng cho phương tiện thủy nội địa; Thông tư số 29/2022/TT-BGTVT ngày 01 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Giao thông vận tải; Thông tư số 16/2023/TT-BGTVT ngày 30 tháng 6 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa; Thông tư số 27/2023/TT-BGTVT ngày 29 tháng 9 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số Điều của các Thông tư trong lĩnh vực đăng kiểm phương tiện thủy nội địa và tàu biển; Thông tư số 02/2024/TT-BGTVT ngày 02 tháng 02 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của lãnh đạo, đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ của đơn vị đăng kiểm phương tiện thủy nội địa; Thông tư số 26/2024/TT-BGTVT ngày 02 tháng 7 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 20/2022/TT-BGTVT ngày 29 tháng 7 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về các biểu mẫu giấy chứng nhận, sổ an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cấp cho tàu biển, ụ nổi, kho chứa nổi, giàn di động, phương tiện thủy nội địa và sản phẩm công nghiệp sử dụng cho phương tiện thủy nội địa; Các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia có liên quan.
Từ cơ sở nêu trên, việc ban hành Thông tư của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ đăng kiểm phương tiện thủy nội địa là cần thiết.
Nội dung cơ bản bao gồm
Phạm vi điều chỉnh: “Thông tư này quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ đăng kiểm phương tiện thủy nội địa.”
Đối tượng áp dụng: “Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến dịch vụ đăng kiểm phương tiện thủy nội địa.”
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ đăng kiểm phương tiện thủy nội địa được quy định tại Phụ lục của dự thảo Thông tư, bao gồm gồm có 4 nhóm đặc điểm kinh tế -kỹ thuật thành phần và có 35 đặc điểm kinh tế - kỹ thuật chi tiết:
Nhóm 1 quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ thẩm định hồ sơ thiết kế và tài liệu hướng dẫn của tàu, trong đó có 17 đặc điểm kinh tế - kỹ thuật chi tiết (theo quy định tại Khoản 1, Điều 4 Thông tư 48/2015/TT-BGTVT và các sửa đổi, bổ sung);
Nhóm 2 quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm tra cho phương tiện trong đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi, trong đó có 6 đặc điểm kinh tế - kỹ thuật chi tiết (theo quy định tại Khoản 4, Điều 4 Thông tư 48/2015/TT-BGTVT và các sửa đổi, bổ sung);
Nhóm 3 quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm tra cho phương tiện trong quá trình hoạt động, trong đó có 10 đặc điểm kinh tế - kỹ thuật chi tiết (theo quy định tại Khoản 5, Điều 4 Thông tư 48/2015/TT-BGTVT và các sửa đổi, bổ sung);
Nhóm 4 quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sao và thẩm định mẫu định hình, trong đó có 2 đặc điểm kinh tế - kỹ thuật chi tiết (theo quy định tại Khoản 8, Điều 4 Thông tư 48/2015/TT-BGTVT và các sửa đổi, bổ sung);
Căn cứ theo các hạng mục kiểm tra và danh mục hồ sơ thiết kế kỹ thuật được quy định cụ thể tại các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đang áp dụng cho phương tiện thủy nội địa thì các hạng mục kiểm tra và danh mục hồ sơ thiết kế kỹ thuật được chia theo 02 nhóm chính theo chuyên ngành của đăng kiểm viên là: Đăng kiểm viên chuyên ngành máy vàu và Đăng kiểm viên chuyên ngành vỏ tàu. Đối với nhóm dịch vụ phần vỏ thì thời gian kiểm tra, thẩm định phụ thuộc vào kích thước chính của thân tàu (đơn vị tính của nhóm dịch vụ này được lấy là m2). Đối với nhóm dịch vụ phần máy thì thời gian kiểm tra, thẩm định phụ thuộc vào tổng công suất của các máy có trên phương tiện (đơn vị tính của nhóm dịch vụ này được lấy là sức ngựa). Đối với dịch vụ kiểm tra hoán cải nâng, hạ cấp, chạy vượt vùng, thay đổi công dụng và các hoán cải, sửa chữa nhỏ; dịch vụ thẩm định thiết kế tài liệu hướng dẫn, sản phẩm công nghiệp, hoán cải nhỏ, sửa đổi nhỏ (đơn vị tính là theo thời gian thực hiện).
Thông tư không quy định thủ tục hành chính.