Trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư cho hệ thống đường sắt tốc độ cao - một loại hình giao thông nhanh, hiện đại, hiệu quả và bền vững - việc tăng cường kết nối, chia sẻ, và hợp tác giữa các cơ sở đào tạo, nghiên cứu với các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp trong và ngoài nước là vô cùng quan trọng, ngày 20/5/2025, tại Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã diễn ra Lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa Nhà trường và Công ty TNHH Chodai & Kiso-Jiban Việt Nam và Tọa đàm khoa học “Đường sắt tốc độ cao: Cơ hội và thách thức”.
Tham dự buổi lễ có ông Hồ Thái Hùng, Tổng Giám đốc Chodai & Kiso-Jiban Việt Nam, kiêm Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo Đường sắt tốc độ cao & đường sắt đô thị (UHRI Hub) thuộc Công ty; ông AOKI Keiichi, Kỹ sư trưởng - Công ty Chodai Nhật Bản; ông Masataka Yamamoto - Tổng Giám đốc Công ty IHI Infrastructure Asia; ông Toshio Takebayashi - Chủ tịch công ty Nippon Sokei; ông Koji Takeya - Giám đốc bộ phận kỹ thuật - Công ty SE Corporation; PGS.TS Tống Trần Tùng - thành viên Tổ cố vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng; đại diện Cục Kinh tế - Quản lý đầu tư xây dựng; Ban Quản lý Kết cấu hạ tầng đường sắt và Ban Quản lý Đầu tư & Xây dựng - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Ban Quản lý đường sắt Việt Nam và lãnh đạo, chuyên gia đến từ các doanh nghiệp liên quan của Việt Nam và Nhật Bản.
Về phía Trường Đại học Xây dựng Hà Nội có GS. TS. Nguyễn Hoàng Giang - Phó Hiệu trưởng nhà trường; PGS. TS. Bùi Phú Doanh - Phó Hiệu trưởng nhà trường; ; đại diện lãnh đạo, giảng viêng các phòng, khoa đào tạo chuyên ngành và sinh viên của Trường

GS. TS. Nguyễn Hoàng Giang - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội và Tổng Giám đốc Chodai & Kiso-Jiban Việt Nam Hồ Thái Hùng trao biên bản ghi nhớ
Phát biểu tại lễ ký kết, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Giang - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội chia sẻ, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia nhằm thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ. Đặc biệt các trường đại học sẽ là trung tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển lĩnh vực khoa học công nghệ, phục vụ các lĩnh vực phát triển hạ tầng của Việt Nam. Cùng với đó, Quyết định của Chính phủ về quy hoạch 50 trường kỹ thuật trọng tâm của Việt Nam, trong đó Trường Đại học Xây dựng Hà Nội là một trong 5 trường đặc biệt được chú trọng đầu tư, phát triển về kiến trúc và xây dựng. Do đó, với đội ngũ 1.000 cán bộ giảng dạy, 20.000 sinh viên, Nhà trường đặt trọng tâm thúc đẩy phát triển liên quan đến đổi mới sáng tạo cũng như phối hợp triển khai thực tế các dự án nghiên cứu để hỗ trợ phát triển hạ tầng. Để làm được điều đó, một trong những trọng tâm là thúc đẩy hợp tác với các đối tác quốc tế có nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là Nhật Bản - nơi đã triển khai Dự án tuyến đường sắt cao tốc Shinkansen từ năm 1964.

GS. TS. Nguyễn Hoàng Giang - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội phát biểu tại buổi lễ
Đánh giá cao quá trình hợp tác lâu dài giữa Nhà trường và Công ty TNHH Chodai & Kiso-Jiban Việt Nam, Phó Hiệu trưởng Nguyễn Hoàng Giang nhấn mạnh, lễ ký kết biên bản ghi nhớ là khởi đầu cho việc triển khai nhiều chương trình hợp tác tiếp theo giữa hai bên. Đồng thời thay mặt lãnh đạo Nhà trường, Phó Hiệu trưởng Nguyễn Hoàng Giang cảm ơn Công ty đã quan tâm có Chương trình học bổng dành cho các bạn sinh viên Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.
Tại buổi lễ, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Giang - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội và Tổng Giám đốc Chodai & Kiso-Jiban Việt Nam Hồ Thái Hùng đã ký kết và trao biên bản ghi nhớ và Giấy chứng nhận Công ty Chodai & Kiso-Jiban Việt Nam là nhà tài trợ của Quỹ học bổng và Phong trào sinh viên Khoa Cầu đường. Thỏa thuận hợp tác được ký kết tạo điều kiện cho hai bên trong việc tiếp cận, chia sẻ các thông tin, các công nghệ tiên tiến, môi trường làm việc chuyên nghiệp, cung cấp nguồn lực chất lượng cao, ổn định cho doanh nghiệp. Đây là bước đi quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực hạ tầng giao thông đường sắt.

Quang cảnh tọa đàm
Ngay sau lễ ký kết đã diễn ra chương trình Toạ đàm khoa học "Đường sắt tốc độ cao: Cơ hội và Thách thức", do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Đường sắt đô thị và đường sắt tốc độ cao (UHRI Hub) thuộc Công ty TNHH Chodai & Kiso-Jiban Việt Nam phối hợp cùng Khoa Cầu đường, Trường Đại học Xây dựng đồng tổ chức, Đây là diễn đàn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm triển khai các dự án đường sắt tốc độ cao trong và ngoài nước; đồng thời phân tích các cơ hội, thách thức trong việc ứng dụng mô hình này tại Việt Nam, với trọng tâm là thúc đẩy hợp tác giữa nhà trường, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý.

Buổi tọa đàm thu hút sự tham dự của đông đảo cơ quan quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp, nhà khoa học và sinh viên quan tâm đến lĩnh vực đường sắt tốc độ cao - một trụ cột phát triển hạ tầng giao thông hiện đại và bền vững
Các diễn giả đã trình bày nhiều tham luận về tình hình triển khai các dự án đường sắt tốc độ cao tại Việt Nam và quốc tế, đồng thời phân tích các thách thức liên quan đến công tác quy hoạch, thiết kế, vốn đầu tư và chuyển giao công nghệ. Nhiều giải pháp kỹ thuật, công nghệ tiên tiến cũng được giới thiệu nhằm làm rõ tiềm năng ứng dụng cho tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Ông Koji Takeya, Giám đốc kỹ thuật Công ty SE Corporation giới thiệu một số công nghệ ổn định mái dốc và móng cọc cho nền đường sắt tốc độ cao
Tại buổi tọa đàm, nhiều vấn đề đã được các diễn giả trình bày nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu tham dự. Một số nội dung tham luận nổi bật tại buổi tọa đàm. Cụ thể, ông AOKI Keiichi - Kỹ sư trưởng Công ty TNHH Chodai Nhật Bản trình bày tham luận "Những vấn đề cơ bản của đường sắt tốc độ cao và thiết kế hạ tầng". Với hơn 47 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đường sắt, ông Aoki đã chia sẻ những sự khác biệt lớn giữa đường sắt tốc độ cao và đường sắt thông thường, giới thiệu các ví dụ quốc tế và tại Nhật Bản, đồng thời giải thích về một số quan niệm sai lầm đang được lan truyền rộng rãi cũng như cảnh báo về vấn đề tin giả liên quan đến lĩnh vực đường săt tốc độ cao.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tống Trần Tùng - Thành viên Tổ cố vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng trình bày tham luận
Phó Giáo sư, tiến sĩ Tống Trần Tùng - Thành viên Tổ cố vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh sự cần thiết phải thống nhất quản lý nhà nước về pháp quy kỹ thuật trong đầu tư xây dựng các dự án đường sắt. Ông chỉ ra những bất cập do thiếu một bộ tiêu chuẩn thống nhất, từ đó kiến nghị thống nhất áp dụng một hệ thống tiêu chuẩn đường sắt đô thị kết nối liên thông; chuyển ngữ và hiệu đính toàn bộ các tiêu chuẩn liên quan của châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc để phục vụ việc chọn lựa hệ thống tiêu chuẩn quốc gia cho Việt Nam.

PGS. TS. Phan Huy Đông, Giảng viên Khoa Cầu đường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội trình bày tham luận về các yêu cầu và một số giải pháp nền móng cho công trình đường sắt tốc độ cao trên nền đất yếu
Một số giải pháp công nghệ, kỹ thuật tiên tiến được các diễn giả giới thiệu và chia sẻ tại tọa đàm. Ông Masataka Yamamoto, Tổng Giám đốc Công ty IHI Infrastructure Asia trình bày về công tác chuyển giao công nghệ trong xây dựng cầu thép cho đường sắt tốc độ cao. Ông Koji Takeya, Trưởng phòng kỹ thuật Công ty SE Corporation giới thiệu một số công nghệ ổn định mái dốc và móng cọc cho nền đường sắt tốc độ cao. Ông Toshio Takebayashi, Chủ tịch Công ty Nippon Sokei: trình bày về tiềm năng ứng dụng công nghệ ép cọc mới cho đường sắt tốc độ cao tại Việt Nam; PGS. TS. Phan Huy Đông, Giảng viên Khoa Cầu đường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội trình bày về các yêu cầu và một số giải pháp nền móng cho công trình đường sắt tốc độ cao trên nền đất yếu. Buổi tọa đàm kết thúc với phần thảo luận bàn tròn trao đổi sôi nổi giữa các diễn giả và người tham dự trực tiếp lẫn trực tuyến.
Nhiều câu hỏi, ý kiến thảo luận đã được đặt ra thể hiện mối quan tâm sâu sắc của cộng đồng chuyên môn đến chủ đề này.

Ông Masataka Yamamoto, Tổng Giám đốc Công ty IHI Infrastructure Asia trình bày về công tác chuyển giao công nghệ trong xây dựng cầu thép cho đường sắt tốc độ cao
Ông Hồ Thái Hùng, Tổng Giám đốc Công ty CKJVN, giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Đường sắt đô thị và đường sắt tốc độ cao (UHRI Hub) chia sẻ: "Buổi toạ đàm là dấu mốc quan trọng góp phần gia tăng cơ hội trao đổi, hợp tác giữa nhà trường, doanh nghiệp và các bên liên quan trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Chúng tôi mong muốn trở thành cầu nối chia sẻ những kinh nghiệm, hiểu biết, những nghiên cứu, và giải pháp công nghệ kỹ thuật cũng như chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, vấn đề cần giải quyết … của các bên khi tham gia vào các dự án đường sắt, đường sắt tốc độ cao tại Việt Nam từ đó mở ra các cơ hội hợp tác góp phần hiện thực hóa một tương lai giao thông tốc độ, thông minh, an toàn và bền vững".