Trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Hải Phòng và Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2025 vừa qua, nhiều dự án, công trình trên địa bàn thành phố được khánh thành, khởi công trong đó có những công trình giao thông. Nhìn vào bức tranh đô thị thành phố sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 32-NQ/TW và Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển thành phố Hải Phòng, thành phố đang có một diện mạo mới của một đô thị xanh, văn minh, hiện đại với hàng loạt dự án, công trình trọng điểm về hạ tầng giao thông đang và đã triển khai tiến tới hoàn thành đưa vào sử dụng phục vụ và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân thành phố.

Hạ tầng giao thông Hải Phòng phát triển đồng bộ, hiện đại.
“Cú hích” tạo bước ngoặt thay đổi diện mạo
Nghị quyết số 45- NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu tổng quát: “Xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; động lực phát triển của vùng Bắc bộ và của cả nước; có công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững; kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không...”. Theo đó, ngoài các dự án công trình trọng điểm, hạ tầng giao thông được xác định có vai trò huyết mạch trong phát triển kinh tế thành phố.
Trong suốt quá trình tổ chức thực hiện, toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố như được tiếp thêm động lực cùng chung sức, đồng lòng lập nên những kỳ tích chưa từng có. Thành phố Cảng hôm nay có một bước bứt phá ngoạn mục về tất cả các mặt, các lĩnh vực với vị trí là đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh, thành phố phía Bắc bằng một hệ thống cảng biển văn minh, hiện đại, thân thiện môi trường cùng hệ thống hạ tầng giao thông phát triển vượt bậc. Hàng loạt quyết sách về cải tạo, chỉnh trang đô thị được đặt trong chương trình nghị sự của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố. Những năm gần đây, Hải Phòng được ví là một “đại công trường” với hơn 150 dự án phát triển hạ tầng giao thông, phát triển đô thị, công nghiệp, văn hóa - xã hội... Ý Đảng cùng với lòng dân giúp các dự án trên triển khai nhanh, phát huy hiệu quả và thúc đẩy giúp tăng trưởng kinh tế của thành phố luôn ở mức 2 con số nằm trong tốp đầu cả nước.
Trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Hải Phòng và Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2025 vừa qua, thành phố đồng loạt tổ chức động thổ, khởi công, khánh thành nhiều dự án, công trình quan trọng. Đây là những dự án, công trình trọng điểm có ý nghĩa to lớn với thành phố và được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Phát huy vai trò huyết mạch của kinh tế thành phố
Trả lời câu hỏi của phóng viên Trung tâm Báo chí và Truyền thông thành phố trên kênh phát thanh giao thông FM 102,2MHZ tại chương trình “Hạ tầng giao thông - Kỳ vọng và bứt phá” trong tháng 5 này, đồng chí Nguyễn Đức Thọ, Phó chủ tịch UBND thành phố khẳng định, giao thông thực sự là huyết mạch của nền kinh tế. Điều đó càng thể hiện rõ nét với Hải Phòng khi thành phố hội tụ đủ 5 loại hình giao thông: đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa và đường hàng không. Hải Phòng có cảng biển nước sâu Lạch Huyện - cảng cửa ngõ quốc tế duy nhất miền Bắc, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, hệ thống đường sắt kết nối hai hành lang, một vành đai kinh tế giữa Việt Nam - Trung Quốc. Cùng với đó, trong những năm qua, thành phố tập trung đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số, nhằm nâng cao năng lực vận tải, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa, giảm chi phí logistics, mở rộng không gian phát triển đô thị, công nghiệp và du lịch của thành phố, tạo sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đồng chí Phó chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, có thể khẳng định, hạ tầng giao thông đi trước đã tạo tiền đề quan trọng để Hải Phòng thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư lớn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, nâng cao đời sống nhân dân, đồng thời khẳng định vai trò là cực tăng trưởng trọng điểm của vùng Bắc bộ và cả nước. Các công trình giao thông trọng điểm cùng với hệ thống cảng biển, sân bay quốc tế... đã và đang trở thành động lực thúc đẩy Hải Phòng bứt phá, từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp, logistics, dịch vụ của cả nước và khu vực.
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng
Bên cạnh những thuận lợi mà thành phố Hải Phòng có được, kết cấu hạ tầng giao thông vẫn còn những khó khăn tồn tại cần khắc phục nhằm nâng cao hiệu quả kết nối hành lang kinh tế, phát huy vai trò là động lực tăng trưởng của vùng và của cả nước như: Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chưa phát huy đầy đủ lợi thế của cả năm loại hình giao thông, chủ yếu vẫn dựa vào đường bộ. Vận tải hành khách công cộng chưa thực sự phát triển. Hạ tầng, phương tiện đường sắt lạc hậu, chưa kết nối với các cảng. Một số công trình giao thông lớn kết nối ven biển triển khai còn chậm triển khai. Phát triển đường thủy nội địa chưa đúng với tiềm năng, không hỗ trợ nhiều cho vận chuyển hàng hóa...
Do vậy, theo Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Thọ, trong thời gian tới, Hải Phòng sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại về cả 5 loại hình giao thông. Cùng với đó, đẩy mạnh liên kết vùng trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, các địa phương ven biển Đông Bắc, hai hành lang, một vành đai kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc. Hải Phòng tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư xây dựng một số công trình trọng điểm, đồng thời triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông kết nối Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng, Khu thương mại tự do; các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch.
Đặc biệt, trong giai đoạn đến năm 2030, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tiếp tục là một trong những đột phá chiến lược quan trọng tiếp tục được Hải Phòng ưu tiên đầu tư phát triển để giữ vững mục tiêu đi trước một bước với tốc độ nhanh, bền vững. Trong điều kiện nguồn lực còn nhiều thách thức, Hải Phòng tiếp tục đề xuất Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm ưu tiên đầu tư các công trình trọng điểm có tính đột phá để tiếp tục kiến tạo động lực phát triển cho hành lang kinh tế Việt Trung, cho vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như thành phố Hải Phòng nói riêng.