Áp dụng quy định tại Luật Đường bộ năm 2024, từ ngày 16/5, Đồng Nai đã tiếp nhận bàn giao quản lý đối với các tuyến, đoạn tuyến của 4 tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh từ Bộ Xây dựng.
Song song với việc tiếp nhận quản lý, Đồng Nai cũng đã lên kế hoạch thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng với các tuyến, đoạn tuyến quốc lộ tiếp nhận.
Đồng Nai sẽ quản lý hơn 150km của 4 tuyến quốc lộ
Từ ngày 16/5, Đồng Nai đã chính thức tiếp nhận và quản lý gần 153km của 4 tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh gồm: hơn 22km của tuyến Quốc lộ 1; hơn 75km của tuyến Quốc lộ 20; hơn 37km của tuyến Quốc lộ 51 và 18km của tuyến Quốc lộ 56. Cùng với đó, tỉnh tiếp nhận 3 nhà hạt, 1 nhà điều hành trạm thu phí… và một số công trình là những tài sản kết cấu hạ tầng liên quan đến các tuyến, đoạn tuyến quốc lộ được bàn giao.
Theo lãnh đạo Khu Quản lý đường bộ IV (đơn vị đại diện cho Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Xây dựng), việc bàn giao các tuyến, đoạn tuyến quốc lộ và tài sản kết cấu hạ tầng giao thông được thực hiện theo quy định tại Khoản 4, Điều 8, Luật Đường bộ năm 2024; Khoản 1, Điều 4, Nghị định số 165/2024/NĐ-CP và Điều 22, Nghị định số 44/2024/NĐ-CP.
Trước đó, vào ngày 16/4, Bộ Tài chính đã có quyết định về việc điều chuyển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Theo đó, thực hiện điều chuyển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ gồm: gần 153km đường và các tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (nhà hạt quản lý đường bộ, cầu đường bộ)… trên 4 tuyến quốc lộ phân cấp từ Bộ Xây dựng về UBND tỉnh quản lý theo quy định.
Cũng theo quyết định của Bộ Tài chính, tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của 4 tuyến quốc lộ được điều chuyển cơ quan quản lý từ Bộ Xây dựng về UBND tỉnh có tổng giá trị còn lại theo sổ kế toán là hơn 4,1 ngàn tỷ đồng. Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm toàn diện về thông tin, số liệu báo cáo và việc phân cấp quản lý quốc lộ cho UBND tỉnh Đồng Nai quản lý theo quy định pháp luật.

Duy tu, bảo dưỡng Quốc lộ 51 đoạn qua địa bàn Đồng Nai.
Sau khi thực hiện việc tiếp nhận tài sản, Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy định.
Kiến nghị hỗ trợ hơn 1,3 ngàn tỷ đồng sửa chữa các tuyến quốc lộ
Theo ông Não Thiên Anh Minh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, thực trạng của gần 153km thuộc 4 tuyến quốc lộ sẽ bàn giao cho tỉnh quản lý đang xuất hiện nhiều điểm hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, gây mất an toàn giao thông và ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là trên Quốc lộ 51 và Quốc lộ 1 đoạn qua nội ô thành phố Biên Hòa. “Với 2 tuyến quốc lộ này, nhiều đoạn tuyến đang trong tình trạng mặt đường xuống cấp nghiêm trọng, xuất hiện ổ gà, hằn lún, rạn nứt, ngập nước…, thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài do lưu lượng phương tiện lưu thông trên tuyến rất lớn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông”, ông Não Thiên Anh Minh đánh giá.
Ngoài ra, hệ thống biển báo, đèn tín hiệu giao thông trên các tuyến quốc lộ sẽ được bàn giao cho tỉnh Đồng Nai quản lý còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Trước thực trạng trên, Sở Xây dựng có kiến nghị gửi Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng xem xét, hỗ trợ tỉnh nguồn vốn để sửa chữa toàn diện các tuyến, đoạn tuyến quốc lộ khi thực hiện bàn giao. Theo tính toán sơ bộ, kinh phí sửa chữa toàn diện các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh là khoảng hơn 1,3 ngàn tỷ đồng.
Ngày 13/5, tại buổi làm việc với các đơn vị liên quan về việc thực hiện bàn giao các tuyến quốc lộ về cho địa phương quản lý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Hà đề nghị Khu Quản lý đường bộ IV có ý kiến với Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính hỗ trợ tỉnh trong công tác duy tu, sửa chữa trước khi thực hiện bàn giao.
Cùng với đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Hà giao Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh phương án biên chế nhân sự thực hiện công tác quản lý khi tiếp nhận bàn giao các tuyến, đoạn tuyến quốc lộ để UBND tỉnh báo cáo Bộ Nội vụ. Sở Tài chính liên hệ Bộ Tài chính để xây dựng kế hoạch vốn thực hiện công tác duy tu bảo dưỡng từ năm 2026./.