Kể từ ngày 1/11/2020, Cục Xuất Nhập khẩu chỉ tiếp nhận hồ sơ giải quyết các thủ tục hành chính qua Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công thương.
Trang chủ Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Bộ Công Thương cho biết, 2 đơn vị trực thuộc bộ là Cục Xuất Nhập khẩu đã phối hợp cùng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số đã phối hợp và hoàn thiện phần mềm đối với việc triển khai dịch vụ công cấp độ 3 đối với 24 thủ tục hành chính.
Vì vậy, kể từ ngày 1/11 trở đi, Cục Xuất Nhập khẩu chỉ tiếp nhận hồ sơ giải quyết các thủ tục hành chính qua Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ.
Theo Bộ Công Thương, danh sách 24 thủ tục hành chính được cấp phép qua Cổng dịch vụ công trực tuyến đợt 1 năm 2020 gồm đăng ký Giấy chứng nhận hạn ngạch thuế quan xuất khẩu mật ong tự nhiên sang Nhật Bản (cấp mới và cấp lại); đăng ký xuất khẩu xăng dầu; cấp phép tiêu thụ hàng hóa quá cảnh; thủ tục cấp giấy phép sản xuất, gia công quân phục cho các lực lượng vũ trang nước ngoài, bao gồm cấp mới, sửa đổi/bổ sung, cấp lại; cấp phép nhập khẩu thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi phục vụ kinh doanh miễn thuế.
Việc cấp phép các thủ tục hành chính liên quan đến xuất nhập khẩu nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp cũng như giảm thiểu số lượng chứng từ và dữ liệu khai báo.
Cùng với đó, qua đây giúp giảm thời gian, số lượng hồ sơ mà doanh nghiệp phải nộp và thuận tiện cho việc tra cứu thông tin cũng như giúp cán bộ xử lý hồ sơ nhanh hơn, tăng hiệu năng của hệ thống, giảm bớt thời gian chờ đợi của doanh nghiệp.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu cho hay, tại Quyết định số 5045/QĐ-BCT ngày 27 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về phê duyệt Kế hoạch cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương giai đoạn 2019-2020, Cục Xuất nhập khẩu dự kiến triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến đối với 38 thủ tục hành chính của Cục.
Chính vì vậy, thời gian qua, cải cách hành chính nói chung và thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến của Cục Xuất Nhập khẩu đã đạt được những kết quả tích cực.
Điều này đã góp phần không nhỏ vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam.
Ngoài ra, kết quả này còn tạo chuyển biến về nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, các cơ quan, doanh nghiệp cũng như minh bạch hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu./.