Tính đến hết tháng 7/2020, tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của thành phố Hà Nội đang cung cấp cho người dân và doanh nghiệp là 1.671 dịch vụ. Hà Nội cũng đã hoàn thành tích hợp, kết nối 249/249 dịch vụ công trực tuyến của thành phố lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Đây là số liệu được đưa ra trong báo của UBND thành phố Hà Nội tại hội nghị trực tuyến với Ban Chỉ đạo xây dựng chính phủ điện tử các Bộ, ngành và Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chiều 26/8, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử.
Cũng theo báo cáo của thành phố Hà Nội, hiện thành phố đã xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo của thành phố kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, nhân rộng Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ tại HĐND thành phố, UBND thành phố.
Triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19, thành phố Hà Nội đã triển khai Cổng thông tin thành phố - Hà Nội Smart City giúp người dân nắm bắt kịp thời, chính xác thông tin về dịch bệnh.
Thời gian qua, Hà Nội cũng đã đẩy mạnh việc triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt trên địa bàn; tập trung triển khai thanh toán đối với dịch vụ công trực tuyến, tiền điện, thanh toán trong lĩnh vực y tế, giáo dục; mở rộng triển khai biên lai điện tử tại các cơ quan thu phí đối với dịch vụ hành chính công; hóa đơn điện tử, biên lai điện tử đối với các cơ sở kinh doanh.
Tính đến ngày 19/8/2020, đã có 123.477 doanh nghiệp, tổ chức đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử, đạt tỷ lệ 87,6% số doanh nghiệp, tổ chức hoạt động kinh doanh trên địa bàn thành phố.
Nhằm hoàn thiện nền tảng cơ bản xây dựng Chính quyền điện tử thành phố Hà Nội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, tháng 4 năm nay UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 85/KH-UBND về CNTT thành phố Hà Nội năm 2020. Theo đó, Hà Nội đặt mục tiêu và yêu cầu từng bước xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; đảm bảo kết nối liên thông, tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; các đơn vị trên địa bàn phải đảm bảo đáp ứng 100% sử dụng, điều hành công việc trên phần mềm quản lý văn bản điện tử với các bộ, ngành, cơ quan trung ương thông qua Hệ thống gửi, nhận văn bản điện tử trên nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu của thành phố.
Đối với công việc giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC), UBND Hà nội yêu cầu các đơn vị phải xử lý trên môi trường mạng, điện tử (cấp Sở, quận, huyện phải đảm bảo đạt mức tối thiểu 80%, cấp xã đạt 30%).
Bên cạnh đó, các đơn vị Nhà nước trên địa bàn Hà Nội phải đảm bảo rút ngắn thời gian họp từ 30% đến 50%, họp những vấn đề cót lõi, quan trọng, ưu tiên những vấn đề thực tiễn gắn nhu cầu cấp thiết phục vụ người dân.
Đảm bảo tối thiểu 30% báo cáo định kỳ (không bao gồm nội dung mật) không sử dụng tài liệu giấy, tất cả công việc từ xử lý, trao đổi, điều hành phải được dữ liệu số chuyển qua văn phòng điện tử.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng cải cách hành chính, ngoài việc các đơn vị phải tích hợp 30% các dịch vụ công (DVC) trực tuyến mức độ 3, 4 với Cổng DVC công quốc gia, các đơn vị phải đảm bảo 100% hồ sơ giải quyết TTHC được cập nhật và sử dụng qua Hệ thống thông tin một cửa điện tử dùng chung 3 cấp của thành phố.
Đáp ứng nhu cầu giải quyết công việc và nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, các đơn vị phải đảm bảo 100% DVC được hỗ trợ giải đáp thắc mắc cho người dân, doanh nghiệp và các cơ Nhà nước phải công khai mức độ hài lòng của người dân khi tham gia sử dụng dịch vụ này.
Đối với công tác bồi dưỡng nghiệp vụ CNTT, đảm bảo 100% cán bộ công chức, viên chức thường xuyên đào tạo, tập huấn các lớp về trực tuyến CQĐT.
Thành phố yêu cầu phải bảo đảm an toàn thông tin phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về đảm bảo an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ, theo đó đảm bảo 80% hệ thống thông tin cấp độ 3, 100% DVC mức độ 4 có giải pháp xác thực điện tử tập trung, 100% cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố được triển khai hóa đơn đơn điện tử.