TP Hồ Chí Minh: Chuyển đổi số mang lại tiện ích cho người dân trong thực hiện giao dịch, thương mại và TTHC trên môi trường điện tử

Thứ ba, 18/02/2025 14:48
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

UBND TP.Hồ Chí Minh ban hành Báo cáo về kết quả triển khai chuyển đổi số và đô thị thông minh năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 của TP.Hồ Chí Minh.

Người dân không cần cung cấp bản sao CCCD khi làm hồ sơ hành chính tại bộ phận một cửa. Ảnh minh họa

Theo Báo cáo, TP.Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác chuyển đổi số, thể hiện qua sự tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ trên nhiều lĩnh vực, phát triển nền tảng số, chú trọng quản trị dữ liệu, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đảm bảo an toàn thông tin và đẩy mạnh truyền thông chính sách về hoạt động chuyển đổi số được thực hiện đồng bộ, từng bước góp phần nâng cao nhận thức của xã hội và mang lại tiện ích người dân trong thực hiện giao dịch, thương mại và thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Về kết quả triển khai chuyển đổi số và đô thị thông minh tại TP.Hồ Chí Minh năm 2024, tỷ lệ hạ tầng CNTT được rà soát, nâng cấp, đảm bảo liên thông kết nối từ Thành phố đến cấp huyện và phường xã thị trấn đạt 100%. Tỷ lệ TTHC được phê duyệt dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) toàn trình được cung cấp trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Thành phố, kết nối Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt 100%.

 Tỷ lệ các văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện trên môi trường điện tử trừ các văn bản có chứa bí mật nhà nước đạt 100%. Tổng số hồ sơ DVCTT toàn trình là 954.824/1.211.908 hồ sơ, đạt tỷ lệ 80,4%. Tổng số hồ sơ DVCTT một phần là 325.878/412.928 hồ sơ, đạt tỷ lệ 78,91%.

Tổng số TTHC được tích hợp, triển khai thanh toán trực tuyến là 878/1.011 TTHC, đạt tỷ lệ 88,4%.

Về phát triển dữ liệu, Thành phố tiếp tục công tác triển khai theo Chiến lược quản trị dữ liệu Thành phố14 , tập trung vào 3 nhóm dữ liệu: Nhóm dữ liệu về người dân: dữ liệu hành chính, hộ tịch, y tế, giáo dục, an sinh; Nhóm dữ liệu tài chính - doanh nghiệp: dữ liệu tổng hợp và thống kê thu chi ngân sách, quản lý đầu tư công, doanh nghiệp - hộ kinh doanh cá thể; Nhóm dữ liệu về đất đai - đô thị: dữ liệu đất đai, dữ liệu nền thông tin địa lý, dữ liệu ngành xây dựng, giao thông, quy hoạch - kiến trúc. Thành phố đã ban hành danh mục 45 CSDL dùng chung15, trong đó có 25 CSDL đã vận hành chính thức, 20 CSDL đang tổ chức triển khai, số hóa hoàn thiện.

Thành phố đã đưa vào chia sẻ và khai thác dữ liệu nền thông tin địa lý gồm 87 lớp dữ liệu (nền địa lý, cơ sở đo đạc, dân cư, giao thông, thủy văn, địa hình, phủ bề mặt, biên giới địa giới) và vận hành chính thức Nền tảng bản đồ số dùng chung của Thành phố làm cơ sở nền tảng cho các hệ thống thông tin địa lý (GIS) của chính quyền điện tử Thành phố.

Về việc triển khai cơ sở dữ liệu người dân Thành phố, TP.Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành số hóa 4 loại sổ hộ tịch: sổ đăng ký kết hôn, sổ đăng ký khai sinh, sổ đăng ký khai tử và sổ đăng ký nhận cha, mẹ, con, với tổng số khoảng 12 triệu hồ sơ. Tất cả dữ liệu số hóa Sổ hộ tịch của thành phố đã được đồng bộ với cơ sở dữ liệu hộ tịch của Bộ Tư pháp.

Từ ngày 15/6/2022, Thành phố thực hiện cấp bản sao trích lục kết hôn, khai sinh, khai tử, đăng ký nhận cha, mẹ, con từ Kho dữ liệu dùng chung Thành phố cho người dân mà không phụ thuộc vào nơi đã đăng ký, nơi lưu trữ sổ hộ tịch và nơi cư trú. Người dân sẽ không phải mất thời gian về nơi cư trú trước đây hoặc nơi đăng ký hộ tịch để trích lục mà có thể đến bất cứ phường xã nào tại thành phố để được trích lục.

Về Cơ sở dữ liệu dân cư, Thành phố đã phối hợp Bộ Công an hoàn thành kết nối sử dụng dịch vụ xác thực và định danh điện tử trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính.

Về dữ liệu ngành giáo dục, Thành phố đã hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu trường, lớp, học sinh, giáo viên, nhân viên và đang tiếp tục xây dựng các cơ sở dữ liệu tốt nghiệp trung học phổ thông và văn bằng, chứng chỉ.

Ngoài ra, Thành phố cũng đã thực hiện số hóa và vận hành nhiều dữ liệu liên quan đến cơ sở dữ liệu người dân như dữ liệu lao động thương binh xã hội, dữ liệu y tế, dữ liệu văn hóa, dữ liệu cán bộ công chức...

Về công việc, nhiệm vụ năm 2025, TP.Hồ Chí Minh sẽ hoàn thiện thể chế số, các quy định, chính sách chuyển đổi số; Tập trung phát triển hạ tầng số thành phố, tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu về hạ tầng tính toán, hạ tầng viễn thông, hạ tầng dữ liệu. Tiếp tục triển khai Chiến lược quản trị dữ liệu Thành phố, cung cấp dữ liệu mở cho người dân, doanh nghiệp; tăng cường đảm bảo an toàn thông tin.

Thành phố tập trung triển khai nền tảng số hóa, lưu trữ tài liệu điện tử Thành phố, Nền tảng hỗ trợ quản lý khu phố, ấp, HTTT Cấp phép xây dựng TP. Hồ Chí Minh, HTTT Quản lý đất đai TP. Hồ Chí Minh, Hệ thống quản lý an sinh xã hội TP.Hồ Chí Minh, Cơ sở dữ liệu sức khỏe của người dân, HTTT Quản lý cán bộ công chức, viên chức TP. Hồ Chí Minh, HTTT quản lý dữ liệu hồ sơ về quy hoạch,…  Tiếp tục phát triển, cải tiến Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Thành phố, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến cho Người dân. Thường xuyên rà soát, cập nhật, nâng cấp, hoàn thiện các dịch vụ, tính năng, tiện ích của Ứng dụng công dân số, đem lại nhiều lợi ích nhất cho người dân Thành phố.

Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận công nghệ số, chuyển đổi số trong quản lý, sản xuất kinh doanh. Phát triển các mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng số. Ứng dụng công nghệ số vào mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh và chất lượng cuộc sống. Đồng thời, hoàn thành và triển khai Đề án phát triển các Khu công nghệ thông tin tập trung của Thành phố

Nguồn: Hochiminhcity.gov.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)