Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức nâng cao về quản lý BIM cho đội ngũ cán bộ ngành Xây dựng

Thứ ba, 24/06/2025 09:03
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) vừa tổ chức chương trình "Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức nâng cao về quản lý BIM, quản lý chi phí và chuyển đổi số trong dự án đầu tư xây dựng".

Chương trình nhằm trang bị cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật, quản lý và chuyên gia những kiến thức và kỹ năng cần thiết để triển khai, điều phối, kiểm soát hiệu quả các dự án đầu tư xây dựng trong thời đại số hóa.

Phát biểu khai mạc chương trình, ông Nguyễn Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng nhấn mạnh: "Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên mà chuyển đổi số không còn là lựa chọn, mà là một yêu cầu tất yếu để tồn tại và vươn lên. Trong bối cảnh đó, BIM (Mô hình thông tin công trình) đã vượt qua vai trò của một công cụ công nghệ đơn thuần để trở thành hạt nhân của chiến lược chuyển đổi số trong toàn ngành".

Viện Kinh tế xây dựng tổ chức nhiều chương trình, các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về BIM.

Theo ông Nguyễn Phạm Quang Tú, triển khai BIM thành công không chỉ là câu chuyện về phần mềm hay mô hình 3D. Đó là câu chuyện về tư duy chiến lược, về khả năng tái cấu trúc quy trình và đặc biệt là về con người - những người có đủ năng lực để dẫn dắt sự thay đổi.

Với vai trò là cơ quan tham mưu chiến lược cho Bộ Xây dựng, Viện Kinh tế Xây dựng nhận diện rõ những thách thức mà ngành đang đối mặt, đặc biệt là khoảng trống trong năng lực xây dựng và điều phối chiến lược BIM ở cấp tổ chức.

Theo TS Tạ Ngọc Bình, Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế đầu tư, Viện Kinh tế xây dựng, BIM là một hệ thống xã hội - kỹ thuật, đòi hỏi chiến lược triển khai bài bản để vượt qua các thách thức thực tiễn.

Phát biểu tại chương trình, ông khẳng định vai trò then chốt của BIM Manager - nhân vật trung tâm trong việc điều phối và thúc đẩy BIM trong tổ chức.

Theo ông Tạ Ngọc Bình, BIM Manager không chỉ cần kỹ năng kỹ thuật mà còn phải có năng lực lãnh đạo chiến lược, đóng vai trò cầu nối giữa ban lãnh đạo và đội ngũ thực hiện. "Trong công ty, BIM Manager nên ở cấp lãnh đạo, như phó tổng giám đốc, để định hướng và quản lý áp dụng BIM hiệu quả," ông Bình nhấn mạnh.

TS Tạ Ngọc Bình, Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế đầu tư, Viện Kinh tế xây dựng chia sẻ về BIM Manager - "nhạc trưởng" của chuyển đổi số.

Tại Việt Nam, theo Quyết định 348/QĐ-BXD, BIM Manager chịu trách nhiệm xây dựng chiến lược, quản lý quy trình và đảm bảo chất lượng sản phẩm thiết kế.

TS Tạ Ngọc Bình cũng chỉ ra thách thức tại Việt Nam như các vị trí BIM, từ kỹ thuật viên đến điều phối viên, thường yêu cầu thành thạo nhiều phần mềm, nhưng vai trò chiến lược của BIM Manager chưa được chú trọng.

Đặc biệt, với các dự án giao thông, việc thiếu sự tham gia của nhà thầu trong cập nhật mô hình BIM dẫn đến hạn chế về nguồn lực và hiệu quả tại công trường.

Để thành công, TS Tạ Ngọc Bình khuyến nghị tổ chức cần xây dựng kế hoạch triển khai BIM rõ ràng, phân vai trò cụ thể cho BIM Manager theo từng loại công trình, từ dân dụng đến giao thông. Vai trò này không chỉ đảm bảo chất lượng thiết kế mà còn thúc đẩy sự phối hợp giữa các bên, đưa BIM trở thành đòn bẩy cho chuyển đổi số ngành xây dựng.

Trong khuôn khổ chương trình, TS Nguyễn Việt Hùng, chuyên gia từ Đại học UC Berkeley, với hơn 20 năm nghiên cứu và thực hành BIM trong và ngoài nước, đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu về triển khai BIM. Ông cũng là người tham gia xây dựng chính sách BIM từ những ngày đầu cùng Viện Kinh tế xây dựng và đóng góp vào các tiêu chuẩn BIM tại Hoa Kỳ.

TS Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh vai trò hỗ trợ của BIM trong quản lý dự án, đồng thời chỉ ra các giải pháp vượt qua rào cản triển khai tại Việt Nam.

Tại Hoa Kỳ, BIM được tích hợp vào quản lý sản xuất tinh gọn, xuất phát từ mục tiêu cụ thể của chủ đầu tư về ngân sách, chất lượng và an toàn.

TS Nguyễn Việt Hùng, chuyên gia từ Đại học UC Berkeley chia sẻ những kinh nghiệm quý báu về triển khai BIM.

TS Nguyễn Việt Hùng khuyến nghị, đào tạo BIM theo từng nhóm đối tượng, từ lãnh đạo doanh nghiệp đến nhân sự công trường, với nội dung cụ thể và thiết thực.

Ông Nguyễn Việt Hùng đề xuất tăng cường hợp tác với các trường đại học và đầu tư nghiên cứu để cập nhật công nghệ như quét laser, phân tích dữ liệu vận hành và quản lý nguồn cung ứng. Những giải pháp này không chỉ giúp Việt Nam bắt kịp xu hướng toàn cầu mà còn mở ra cơ hội cung cấp dịch vụ xây dựng chất lượng cao trên thị trường quốc tế.

Tại buổi bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về BIM, các chuyên gia nhìn nhận rằng, việc triển khai BIM tại Việt Nam còn đối mặt với nhiều thách thức, từ thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, tư duy quản lý truyền thống, đến khó khăn trong chuẩn hóa quy trình.

Để vượt qua, các giải pháp được đề xuất bao gồm: Đầu tư vào đào tạo và nâng cao năng lực nhân sự ở mọi cấp độ; xây dựng các tiêu chuẩn và quy trình BIM phù hợp với điều kiện Việt Nam; tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp, cơ quan quản lý và các trường đại học.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)