Trong những năm qua, chính quyền và nhân dân huyện Gia Lâm đã tập trung triển khai, tổ chức thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới và đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo tiền đề, nền tảng để huyện phát triển thành quận.
Mô hình trình diễn và nhân rộng sản xuất hoa lan hồ điệp tại thôn Tô Khê, xã Phú Thị, huyện Gia Lâm. Ảnh: VGP/Thiện Tâm
Huyện Gia Lâm nằm ở cửa ngõ phía Đông Bắc của Thành phố Hà Nội, nơi giao thoa của 2 nền văn hóa Thăng Long và Kinh Bắc, quê hương của 2 trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam, huyện Gia Lâm có vị trí địa lý hết sức thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội và giao lưu thương mại. Với tổng diện tích tự nhiên 116,71km2, Gia Lâm có 22 đơn vị hành chính (20 xã, 02 thị trấn); 192 thôn, tổ dân phố; dân số hơn 28 vạn người.
Theo Phó Chủ tịch huyện Gia Lâm Nguyễn Đình Hồng, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, với xuất phát điểm còn nhiều khó khăn khi huyện chỉ có 9 xã đạt từ 10 đến 13 tiêu chí, 11 xã đạt từ 7 đến 9 tiêu chí vào năm 2010, thậm chí có nhiều tiêu chí quan trọng chưa đạt như về quy hoạch, hạ tầng kinh tế - xã hội, hộ nghèo, môi trường… Nhưng đến năm 2018, huyện đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Với những kết quả đạt được, huyện đã tiếp tục triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu, đồng thời xây dựng huyện thành quận, giai đoạn 2021 - 2025.
Huyện Gia Lâm đã tập trung chú trọng đầu tư nâng cấp cải tạo hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn, điện, đường liên xã liên thôn, đường làng cơ bản được bê tông hóa 99%, hệ thống trường học các cấp, trang thiết bị dạy học đã và đang tiếp tục được ưu tiên đầu tư nâng cấp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Trạm y tế các xã, bệnh viện đa khoa huyện cũng được nâng cấp, cải tạo. Bên cạnh đó, hệ thống các thiết chế văn hóa ở các thôn, xã được tăng cường, các hoạt động văn hóa văn nghệ thể dục thể thao thường xuyên được tổ chức. Các công trình nhà văn hóa ở nhiều xã đã được xây dựng khang trang sạch đẹp, công tác vệ sinh môi trường đã được quan tâm, các xã đều có tổ thu gom rác thải nên môi trường ở các xã đã có nhiều chuyển biến sạch vệ sinh hơn.
Tình hình sản xuất nông nghiệp có nhiều tiến bộ và đã đạt được những kết quả quan trọng, cơ cấu nội bộ của ngành được chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỉ trọng chăn nuôi thủy sản tăng, giá trị tăng thêm của ngành nông nghiệp tăng, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng - vật nuôi theo hướng tích cực. Đã và đang hình thành được các vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng cây ăn quả, vùng chăn nuôi bò thịt, bò sữa, vùng chăn nuôi thủy sản,... Việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất được coi trọng đã góp phần tích cực thúc đẩy các hoạt động sản xuất ở khu vực nông thôn.
Nhờ vậy, đời sống nông dân từng bước được cải thiện, nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo còn 0%; thu nhập bình quân/đầu người đạt 68 triệu đồng/người/năm; giá trị thu nhập bình quân đạt 300 triệu đồng/ha/năm; tổng số lao động trên địa bàn huyện là 27.450 người, trong đó có 20.038 lao động được đào tạo hầu hết lao động đều có việc làm… Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng thường xuyên được quan tâm đầu tư cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường đã ảnh hưởng đến phát triển kinh tế. Nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới, đầu tư xây dựng huyện thành quận, xã thành phường tuy đã được tập trung song còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu. Về việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp chưa tạo được nhiều vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, chuyển đổi cơ cấy cây trồng - vật nuôi đôi khi còn chậm, việc thực hiện áp dụng cơ giới hóa và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật còn hạn chế, chưa tạo được nhiều nông sản, hàng hóa; giá trị thu nhập/ha canh tác còn thấp.
Những năm qua, huyện Gia Lâm đẩy mạnh tái cơ cấu trong nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn. Ảnh: VGP/Thiện Tâm
Theo ông Nguyễn Đức Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, huyện đã luôn đảm bảo công khai, dân chủ để người dân được biết, bàn bạc, thống nhất tự giác chủ động tham gia. Đồng thời phát huy vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện. Việc thực hiện quản lý quy hoạch xây dựng nông thôn mới được đảm bảo đúng quy định. Đồng thời, huyện Gia Lâm cũng hỗ trợ đầu tư phát triển trung tâm thương mại, siêu thị mini, chợ nông thôn, hỗ trợ thành lập và hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã dịch vụ chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản, vận tải. Xây dựng, tín dụng, xã hội hóa đầu tư phát triển các cơ sở y tế, giáo dục, văn hóa và du lịch để tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân khu vực nông thôn...
Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục thực hiện việc nhân cấy nghề, tạo việc làm cho người lao động để tăng thu nhập và giảm hộ nghèo bền vững, thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Phấn đấu đến hết năm 2022, huyện sẽ hoàn thiện 8 xã: Phú Thị, Đa Tốn, Văn Đức, Ninh Hiệp, Lệ Chi, Yên Thường, Dương Hà, Kim Lan đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; phấn đấu 5 xã còn lại đạt thêm 2 đến 3 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao.
Bên cạnh đó tập trung sản xuất, cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tăng giá trị sản xuất nông nghiệp/ha canh tác, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, mô hình sản xuất lúa hàng hóa. Đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ, các ngành nghề nông thôn, thành lập 3 cụm công nghiệp mới trên địa bàn huyện. Nâng cao mức thu nhập của người dân địa phương, tiếp tục giảm tỷ lệ hộ cận nghèo.