Việc triển khai các chương trình chuyên đề liên quan đến rất nhiều sở, ngành khác nhau, do vậy, trong quá trình triển khai còn chưa được “suôn sẻ”; khó khăn trong xác định nguồn vốn sự nghiệp,...
Đó là một số vướng mắc được các đại biểu chỉ ra tại Hội nghị quán triệt một số nội dung trọng tâm và các chương trình chuyên đề thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức ngày 17/11, tại Hà Nội.
Các đại biểu lắng nghe ý kiến phát biểu tại các điểm cầu (Ảnh: B.T)
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe các báo cáo về Kế hoạch triển khai các chương trình: Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025; chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025; tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Với chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025, ông Phương Đình Anh – Phó Chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương cho biết, sẽ phát triển sản phẩm OCOP gắn với thế mạnh, lợi thế về vùng nguyên liệu địa phương. Trong đó, tập trung hướng dẫn các địa phương phát triển sản phẩm OCOP phải gắn với xây dựng vùng nguyên liệu tại chỗ theo hướng liên kết chuỗi giá trị về sản xuất hữu cơ, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, phát huy giá trị văn hóa, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, hỗ trợ phát triển các sản phẩm mới dựa trên ứng dụng công nghệ sơ chế, chế biến quy mô nhỏ và vừa, ưu tiên sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống được nghệ nhân, cộng đồng sáng tạo và sản phẩm được chế biến, chế biến sâu từ sản phẩm đặc sản, nguyên liệu địa phương và tri thức bản địa; sản phẩm gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống.
Ông Phương Đình Anh cũng cho biết, sẽ tập trung hỗ trợ quảng bá, nâng cao chất lượng, thương hiệu cho các sản phẩm OCOP. Trong đó, hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng các mô hình Trung tâm thiết kế sáng tạo và phát triển sản phẩm OCOP cấp quốc gia, vùng và địa phương; thí điểm xây dựng 4 Trung tâm tại các tỉnh, thành phố (Hà Nội, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế và Kiên Giang) theo hình thức xã hội hóa.
Với kế hoạch triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, sẽ áp dụng một số cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các mô hình du lịch nông thôn theo hướng thân thiện với môi trường, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với bảo tồn thiên nhiên, du lịch làng nghề, du lịch không phát thải. Hỗ trợ nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng, sản phẩm du lịch gắn với các hoạt động nông nghiệp, làng nghề, ẩm thực, văn hóa,…; xây dựng các công cụ, câu chuyện sản phẩm nhằm giới thiệu, quảng bá cho các điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Đồng thời, hỗ trợ xây dựng một số mô hình chuỗi du lịch nông nghiệp, nông thôn, liên kết các điểm đến, hình thành các tour du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường; sử dụng lao động tại chỗ, huy động sự tham gia của phụ nữ, người nghèo, người dân tộc thiểu số để nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân và tạo hiệu ứng lan tỏa.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng thảo luận về các chương trình chuyên đề, đồng thời đề xuất tháo gỡ những khó khăn còn vướng mắc trong quá trình triển khai. Theo ông Phan Văn Sinh – Phó Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Đắk Nông, với 6 chương trình chuyên đề thì đối với địa phương, đã ban hành được chương trình chuyên đề về OCOP, 5 chương trình còn lại địa phương đang lấy ý kiến để trình UBND tỉnh. Đắk Nông sẽ cố gắng ban hành sớm 5 chương trình chuyên đề còn lại.
Cũng theo ông Sinh, do việc triển khai 6 chương trình trên liên quan đến rất nhiều Sở, ngành khác nhau, do vậy, trong quá trình triển khai còn chưa được “suôn sẻ”. Do vậy, cần có có quyết định về bộ máy chỉ đạo điều hành triển khai thực hiện các chương trình chuyên đề.
Ngoài ra, đó là khó khăn về vốn sự nghiệp đối với 6 chương trình chuyên đề. Theo ông Sinh, hiện nay có nhiều nội dung mang tính giữa chuyên đề và thành phần giống nhau nên khó khăn khi xác định nguồn vốn sự nghiệp.
Ông Huỳnh Thành Hữu - Phó Chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh Hậu Giang cho biết, địa phương đã ban hành được 3 chương trình chuyên đề, hiện 3 chương trình còn lại đang lấy ý kiến của các địa phương. Ông Huỳnh Thành Hữu cũng kiến nghị một số văn bản hướng dẫn của các Bộ cần đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ để tạo điều kiện cho địa phương được thuận lợi trong triển khai thực hiện các chương trình,…/.