Phát triển quỹ đất, khai thác đa dạng khu vực bãi nổi giữa và bãi ven
Dưới sự chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội, cuộc thi tuyển ý tưởng quy hoạch công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng do 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Long Biên, Tây Hồ tổ chức đã giúp tìm ra những nghiên cứu nghiêm túc, tâm huyết đóng góp cho TP. Hà Nội trong việc phát triển quỹ đất, khai thác đa dạng khu vực bãi nổi giữa và bãi ven. Qua đó, góp sức vào lộ trình hiện thực hóa quy hoạch trục cảnh quan trung tâm sông Hồng.

Hà Nội xác định sông Hồng là trục cảnh quan trung tâm thành phố trong tương lai. Ảnh: VGP
Điển hình là ý tưởng phương án "Công viên Quai vạc xanh". Phương án có sự cân chắc kỹ lưỡng về sự luân chuyển trong hệ sinh thái; những biến đổi của thiên nhiên, đặc biệt là ảnh hưởng của mực nước sông Hồng. Công trình Cầu Trung Tâm, đúng với tên gọi của nó, phục vụ chính mục đích này, kết nối hai bên bờ lại với nhau, từ đô thị, đến với thiên nhiên, kết nối con người với không gian cây xanh, trên cả hai nét nghĩa.
Các không gian được kết nối với các tòa nhà, mở rộng không gian làm việc cho các hội thảo và hoạt động sáng tạo. Cây xanh được tích hợp một cách chiến lược, tạo bóng râm, giảm nhiệt và tăng cường sức hấp dẫn về mặt thị giác của các lối đi chính, góp phần vào tính bền vững của môi trường và bầu không khí mời gọi.
Đại diện Liên danh Green Lungs Hanoi chia sẻ, phương án "Công viên Quai vạc xanh" đưa ra toàn bộ khu vực bãi giữa sông Hồng có địa hình thấp chỉ sử dụng để trồng hoa màu, canh tác nông nghiệp và kiến trúc nhà sàn 2 tầng. Tầng 1 là không gian mở, sử dụng khi không có lũ, tầng 2 là không gian kín có thể sử dụng để ở hoặc cất trữ đồ đạc khi có lũ.
Ngoài ra, phương án Công viên văn hóa nghệ thuật sông Hồng do Công ty TNHH Kiến trúc Hòn Gai tham gia cũng rất độc đáo. Phương án xây dựng mô hình Công viên văn hóa nghệ thuật tập trung vào 3 yếu tố chính là: Môi trường – Con người – Nghệ thuật. Một nơi con người được tiếp xúc trực tiếp với môi trường tự nhiên và nghệ thuật sáng tạo. Đáp ứng nhu cầu về thể chất, tinh thần, không gian thiên nhiên. Thông qua công viên này, con người có thể giao tiếp, ứng xử và học hỏi từ môi trường tự nhiên và nghệ thuật sáng tạo, đó cũng là cách giáo dục về văn hóa và xã hội thông qua các không gian công cộng.
TS. KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thi tuyển cho biết, gần 30 phương án dự thi được nghiên cứu công phu đến từ các đơn vị thiết kế uy tín, liên danh trong nước và quốc tế, cho thấy sự hưởng ứng mạnh mẽ từ các kiến trúc sư, nhà quy hoạch đối với khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng.
Nhiều phương án đưa ra ý tưởng độc đáo, đáp ứng mong muốn của thành phố về việc bổ sung các không gian công cộng, khai thác tốt các yếu tố văn hóa, cảnh quan; bảo đảm các vấn đề về thoát lũ và tôn trọng phát triển sinh thái tự nhiên.
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long đánh giá, những ảnh hưởng của bão lũ trong năm 2024 đã gây nhiều thiệt hại, xáo trộn đời sống đối với người dân quận Hoàn Kiếm khi khả năng thích ứng chưa cao. Tại cuộc thi, nhiều phương án đã đưa ra được các gợi ý về nội dung này.
Ngoài ra, một số tác phẩm cũng nêu được khả năng kết nối với các không gian hiện hữu, có nhiều ý tưởng có thể nghiên cứu, phát triển thêm.
Đề cập đến tổng thể quy hoạch trục sông Hồng, KTS. Lê Hoàng Phương, Giám đốc Trung tâm Kiến trúc, quy hoạch Hà Nội (Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia) thông tin, đây là nội dung đã được thành phố, các chuyên gia đề cập đến nhiều, được nghiên cứu qua nhiều kỳ quy hoạch. Tuy nhiên, đến nay, Hà Nội cũng như cả nước mới có đủ điều kiện, nguồn lực để thực thi gồm nguồn lực về khoa học công nghệ, con người để hiểu và kiểm soát được các vấn đề thủy lợi của sông Hồng, cũng như đủ nguồn lực để phát triển đường ven sông, cầu qua sông để phát triển các khu chức năng qua sông Hồng. Qua đó, sông Hồng trở thành trục phát triển quan trọng và cụ thể hóa mục tiêu phát triển thành phố hai bên sông.
Theo KTS. Lê Hoàng Phương, trước mắt, thành phố cần từng bước cải tạo điều kiện môi trường, không gian sinh thái phục vụ người dân có thể khai thác, sử dụng ngay, trong đó có khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông.
Tiếp đó, giai đoạn 2 sẽ từng bước xây dựng hệ thống kết cấu, hạ tầng xung quanh, trong đó có hạ tầng giao thông tiếp cận cũng như các tuyến đường kết nối (cầu qua sông), để người dân đi qua sông Hồng thuận lợi hơn.
Giai đoạn 3 sẽ phát triển hệ thống công trình kiến trúc, khu đô thị xung quanh dòng sông. Với lộ trình làm từng bước một, chúng ta sẽ xây dựng trục sông Hồng thành trung tâm, điểm nhấn như theo định hướng quy hoạch cũng như mong muốn của người dân.
Hiện thực hóa sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm
Luật Thủ đô 2024 và 2 quy hoạch lớn của Thủ đô Hà Nội mới được Chính phủ phê duyệt đều nhấn mạnh đến nội dung sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm và phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của TP. Hà Nội.
Để hiện thực hóa định hướng trên, thời gian qua, bên cạnh việc tổ chức các cuộc thi tuyển ý tưởng, nhiều ý tưởng về quy hoạch khu vực bãi bồi, bãi giữa sông Hồng đã được đưa ra nhằm bổ sung các không gian công cộng, khai thác tốt các yếu tố văn hóa, cảnh quan; bảo đảm các vấn đề về thoát lũ và tôn trọng phát triển sinh thái tự nhiên.
Với diện tích khoảng 23ha, bãi giữa sông Hồng là một không gian xanh rộng lớn thuộc địa giới quản lý của các quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Ba Đình, Long Biên. Vừa qua, Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được Chính phủ phê duyệt.
Tại hai quy hoạch này, sông Hồng được xác định là một trong 5 trục không gian quan trọng trong phát triển Thủ đô, với định hướng phát triển là không gian xanh, cảnh quan trung tâm của TP, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông.
Đồng thời, Điều 17 Luật Thủ đô 2024 cũng quy định tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện Quy hoạch phân khu sông Hồng phù hợp với Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô; TP Hà Nội được xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch…
Theo các chuyên gia, định hướng trong quy hoạch và quy định trong Luật Thủ đô thực sự là điểm tựa để đưa sông Hồng trở thành điểm nhấn đặc sắc của đô thị Hà Nội trong tương lai. Sông Hồng sẽ trở thành trục không gian xanh, có sức hấp dẫn không chỉ nằm trong phạm vi hai bên sông mà còn có tính lan tỏa, tạo động lực phát triển cho cả Thủ đô Hà Nội về phía Bắc, phía Đông, phía Đông Bắc cũng như phía Nam của Thủ đô.
KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho biết, việc nghiên cứu, cải tạo bãi giữa, bãi bồi sông Hồng thành công viên văn hóa du lịch của Thủ đô là giải pháp mang tính đột phá nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất và lợi thế tiềm năng, vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng, tạo không gian mở, xanh, đáp ứng nhu cầu vui chơi và thể thao, tham quan du lịch hấp dẫn du khách, giải quyết bài toán thiếu các không gian công cộng, nhất là các không gian văn hóa, triển lãm nghệ thuật của người dân Thủ đô.
Bên cạnh đó, việc tạo dựng các công viên giải trí, văn hóa là một phần quan trọng và không thể thiếu tại các thành phố lớn, khu đô thị hay những khu dân cư đông đúc. Điều này còn hạn chế vi phạm trật tự xây dựng, cải thiện vệ sinh môi trường, tăng tỷ lệ không gian xanh cho khu vực nội đô lịch sử.
Sông Hồng vừa được lựa chọn làm biểu tượng phát triển của Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn 2045, tầm nhìn 2065. Trong tương lai, sông Hồng sẽ trở thành trục không gian cảnh quan chủ đạo của Thủ đô, trục kinh tế thương mại, du lịch văn hóa; trục trung tâm nằm giữa đô thị phía Nam và phía Bắc sông Hồng.
Hiện tại, vẫn còn rất nhiều việc phải làm để đưa các ý tưởng vào triển khai thành dự án trên thực tế. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của chính quyền TP. Hà Nội và sự đồng thuận của người dân, TP. Hà Nội sẽ xây dựng trục sông Hồng thành trung tâm, điểm nhấn như định hướng quy hoạch, cũng như mong muốn của mỗi người dân Thủ đô Hà Nội.