Xu hướng đô thị đa cực đã rất phổ biến tại các quốc gia phát triển trên thế giới.
Khi nội đô các thành phố ngày càng trở nên đông đúc, chật chội, chất lượng sống suy giảm thì các đô thị tất cả trong một (all-in-one) ở khu vực trung tâm mở rộng trở thành lựa chọn an cư lý tưởng, đặc biệt là của người có thu nhập khá trở lên.
Đây chính là động lực hình thành các đô thị đa trung tâm hay đô thị đa cực. Sự phát triển của Hà Nội trong những năm tới cũng sẽ đi theo xu thế tất yếu này.
Đô thị đa cực: Thế giới đã đi rất xa
Theo các chuyên gia, mô hình đại đô thị đơn cực (mega city), tức là một thành phố có quy mô dân số hàng triệu người, nhưng chỉ có một trung tâm đơn nhất đã trở nên lạc hậu. Lý do vì hệ quả của mô hình này rất nặng nề, như quá tải dân số, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường…
Tại Mỹ, mô hình thành phố ngoại vi ở các vùng ngoại ô đã rất phổ biến từ cuối thế kỷ 20. Ban đầu, đây chỉ là những “đô thị phòng ngủ” dành cho giới nhà giàu trong phố.
Những nơi này hoàn toàn thiếu vắng các dịch vụ thiết yếu, người dân chỉ quay về để ngủ vào buổi tối và sáng hôm sau lại rời đi.
Tuy nhiên, theo thời gian, khi cư dân tập trung đông hơn, các đô thị này được trang bị đủ những dịch vụ giải trí, tiêu dùng của một thành phố thực thụ.
Thậm chí, so với điều kiện sống ở các đô thị lớn, thành phố ngoại vi hấp dẫn cư dân hơn bởi nhà ở tiện nghi, hạ tầng hiện đại và cảnh quan đẹp đẽ.
Ngày nay, tại Mỹ, thành phố ngoại vi phát triển rất mạnh, tỷ lệ chiếm đất vùng ngoại ô lớn hơn nhiều lần so với vùng trung tâm cũ.
Tại Pháp, thành phố Paris tuy nổi tiếng với tên gọi “kinh đô ánh sáng” nhưng quy mô không “khủng” như nhiều người tưởng tượng.
Nội đô Paris chỉ có hơn 2 triệu dân. Còn lại cư dân tập trung tại các đô thị vệ tinh xung quanh trung tâm Paris - cách nhau chỉ dưới 60 phút lái xe.
Trong lịch sử phát triển của Paris, các trung tâm mới dần hình thành quanh trung tâm cũ, tạo nên mô hình thành phố đa cực. “Giới nhà giàu Paris không ở trong nội đô mà họ chọn ở các trung tâm mới vì hạ tầng ở đây tiện nghi hơn, không gian sống thoáng đãng hơn,” một chuyên gia có trên 30 năm kinh nghiệm quốc tế về tư vấn thiết kế và quy hoạch kiến trúc cho biết.
Nhật Bản có thể xem là quốc gia đi đầu thế giới về phát triển đô thị “ăn theo” giao thông công cộng, đặc biệt là mạng lưới đường sắt. Tại các thành phố lớn như Tokyo hay Osaka, Nhật Bản đầu tư mạnh cho các công trình dân sinh như: trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện, các công trình văn hóa-thể thao… dọc các tuyến đường sắt để hút dân.
Thay vì tập trung ở trung tâm cũ vừa chật chội và giá nhà đất cắt cổ, người dân sẽ chuyển sang các đô thị ven đô, nơi được kết nối thuận tiện nhờ hệ thống đường sắt. “Tại Nhật Bản, mỗi nhà ga đường sắt sẽ có một tổ hợp bất động sản ‘ăn theo’. Dân số tăng dần từ trung tâm ra ven đô,” Tiến sỹ, Kiến trúc sư Tô Kiên, chuyên gia quy hoạch đô thị công tác nhiều năm tại Nhật Bản, Singapore và Việt Nam, chia sẻ.
Hà Nội và xu hướng phát triển đa cực trung tâm
Dù khởi động muộn hơn thế giới nhưng các thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh đều đang dịch chuyển từ mô hình đơn tâm sang đa trung tâm, đa cực.
Xu hướng này đã thực sự tăng tốc trong khoảng 5-10 năm trở lại đây với sự xuất hiện của những “thành phố trong thành phố” như Ciputra ở phía Bắc, Vinhomes Riverside, Vinhomes Ocean Park ở phía Đông, Bắc An Khánh và Vinhomes Smart City ở phía Tây…
Theo chuyên gia, quy hoạch đô thị đa trung tâm, đa cực là xu hướng tất yếu trên thế giới. Để trở thành một “cực” đúng nghĩa, mỗi trung tâm mới đều phải có hạ tầng xã hội hoàn chỉnh từ trường học, bệnh viện đến công viên, trung tâm mua sắm, vui chơi giải trí…
Sự dịch chuyển từ mô hình đô thị đơn tâm sang đa trung tâm tại Hà Nội tăng tốc mạnh trong khoảng 5-10 năm trở lại đây với sự xuất hiện của những đại đô thị tầm cỡ.
Tất cả tiện ích này đều phải nằm trong phạm vi mà cư dân có thể đi bộ hoặc phải di chuyển ít nhất. “Từng trung tâm đều phải có năng lực vận hành độc lập, là nơi cư dân có thể yên tâm an cư, lạc nghiệp,” chuyên gia quy hoạch Lê Anh Sơn phân tích.
Đồng quan điểm, Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho rằng hạ tầng có ý nghĩa quyết định đối với các đô thị vùng ven. “Phải có hệ thống hạ tầng, giao thông công cộng để người dân thấy sống ở đó cảm thấy hạnh phúc, tin tưởng, cảm thấy cuộc sống tốt đẹp hơn người ta mới ở”, Kiến trúc sư Thanh Tùng nêu quan điểm.
Hiện nay, xét về mặt hạ tầng, các tuyến vành đai 2, vành đai 3 của Hà Nội đã gần như khép kín, các tuyến hướng tâm như Đại lộ Thăng Long, Quốc lộ 32 (phía Tây), Cổ Linh (phía Đông), Võ Nguyên Giáp-Võ Chí Công (phía Bắc)… đã hoàn thiện.
Cùng với đó là hàng loạt cây cầu nghìn tỷ đang và sắp được triển khai trong Đề án quy hoạch phân khu sông Hồng như: cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Vĩnh Tuy 2, cầu Ngọc Hồi, cầu Mễ Sở…
Về kết nối, các tuyến metro đã Hà Nội quy hoạch được xem là “chìa khóa giao thông” của các đô thị ở ngoại ô. Đó là các tuyến số 1 (Ngọc Hồi-Yên Viên-Như Quỳnh), số 8 (Cổ Nhuế-Dương Xá) kết nối các đô thị khu phía Đông; tuyến số 5 (Nam Hà Nội-Láng-Hòa Lạc), số 6 (Nội Bài-Ngọc Hồi), số 7 (Mê Linh-Hà Đông) kết nối các đô thị khu phía Tây…
Về mặt tiện ích sống, các đại đô thị mới hình thành như Ciputra, Vinhomes Ocean Park hay Vinhomes Smart City… đều được phát triển theo mô hình “thành phố trong thành phố” với hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để trở thành một “cực” đúng nghĩa của trung tâm cũ.
Phát triển các đô thị all-in-one ở vùng ven, ngoại thành sẽ là xu thế tất yếu của Hà Nội trong những năm tới. Với lợi thế vượt trội về không gian và hạ tầng, các “thành phố mới” có thể san sẻ hiệu quả áp lực dân số cho vùng lõi, đồng thời “nói không” với những “căn bệnh” trầm kha của nội đô cũ như thiếu bãi đỗ xe, thiếu không gian công cộng, tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường...
“Nhờ đó, các khu vực ngoại ô sẽ đáng sống hơn và có sức hút hơn hẳn khu nội đô,” ông Lê Anh Sơn khẳng định./.