Khu xử lý chất thải rắn Khe Giang (xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí).
Những chuyển biến tích cực
Những năm qua, các hoạt động đầu tư, quản lý chất thải rắn được các ngành, các cấp, tổ chức doanh nghiệp trong tỉnh quan tâm triển khai. Trên cơ sở các văn bản, chỉ đạo của Trung ương, tỉnh ban hành nhiều văn bản về cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình về quản lý chất thải trên địa bàn. Hệ thống văn bản pháp quy ngày một hoàn thiện, tạo căn cứ pháp lý quan trọng để quản lý chất thải thống nhất theo định hướng mới; là bước tiến quan trọng để thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải; góp phần ngăn chặn các công nghệ xử lý chất thải lạc hậu, công nghệ chôn lấp và nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường. Đơn cử, năm 2009, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4252/QĐ-UBND "Về việc phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2010, định hướng đến năm 2020". Tiếp đến, để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện, năm 2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4012/QĐ-UBND "Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050".
Theo đó, tỉnh thực hiện xã hội hóa đối với hầu hết các dự án đầu tư, xây dựng các bãi chôn lấp, khu xử lý chất thải tập trung định hướng theo quy hoạch. Đến nay, tỉnh đã kêu gọi một số nhà đầu tư nghiên cứu lập quy hoạch và thực hiện đầu tư các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn, như: Khu xử lý chất thải rắn Khe Giang (xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí); Nhà máy xử lý rác thải tại thôn Trung Lương (xã Tràng Lương, TX Đông Điều); Trung tâm Xử lý chất thải rắn tại các xã Vũ Oai, xã Hòa Bình (TP Hạ Long); Khu xử lý chất thải rắn Km26 - xã Quảng Nghĩa (TP Móng Cái); Khu liên hợp xử lý chất thải rắn tại xã Đông Hải (huyện Tiên Yên).
Với việc điều chỉnh quy mô, vị trí và số lượng các cơ sở xử lý chất thải rắn tại Quyết định số 4012/QĐ-UBND, các bãi chôn lấp và khu xử lý tập trung chất thải rắn hiện nay đã tính đến yếu tố liên kết vùng; các khu xử lý cấp tỉnh hình thành đã xử lý cho liên đô thị, liên huyện. Việc tổ chức triển khai quy hoạch đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, các khu xử lý và bãi chôn lấp chất thải rắn trên địa bàn tỉnh cơ bản thực hiện theo quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt; các khu xử lý, bãi chôn lấp chất thải rắn mới đều được đầu tư xây dựng đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định, đảm bảo môi trường.
Đối với các bãi chôn lấp chất thải rắn đã đầy, không còn khả năng tiếp nhận và xử lý hoặc các bãi chôn lấp chất thải rắn không đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường, đã được UBND tỉnh chỉ đạo đóng cửa và thực hiện công tác cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định.
Đến nay, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt toàn tỉnh trung bình đạt 90,9%, tương ứng khoảng 1.133,9 tấn/ngày (tỷ lệ thu gom tại khu vực đô thị đạt 96,2%, khu vực nông thôn trung bình đạt 70,7%), đáp ứng mục tiêu theo Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, 70% rác thải (khoảng 787 tấn/ngày) được xử lý bằng phương pháp chôn lấp; 26% rác thải (khoảng 295 tấn/ngày) được xử lý bằng công nghệ đốt; còn lại được xử lý bằng phương pháp tái chế, thu hồi, chế biến phân compost.
Song song với đó, việc thu gom, xử lý chất thải nguy hại, phế liệu được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm thực hiện. Hiện 91% tổng số lượng chất thải nguy hại phát sinh đã được các chủ nguồn thải hợp đồng với các đơn vị được cơ quan có thẩm quyền cấp phép xử lý theo quy định; 9% còn lại do mới phát sinh, được lưu giữ tại kho chất thải nguy hại của các đơn vị.
Việc thu gom, vận chuyển xử lý chất thải công nghiệp thông thường phát sinh từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh được các chủ doanh nghiệp thực hiện theo các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường được duyệt. Riêng đối với các khu kinh tế, khu công nghiệp trong tỉnh, khối lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh gần 28.000 tấn/năm (tỷ lệ thu gom đạt 100%)...
Về thu gom, xử lý nước thải, các khu công nghiệp tập trung có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn. Đối với nước thải sinh hoạt, hiện mới có TP Hạ Long được đầu tư hệ thống thoát nước, xử lý nước thải đô thị tập trung thông qua dự án vay vốn của Ngân hàng Thế giới (WB), xử lý khoảng 40% lượng nước thải phát sinh của thành phố. Bên cạnh đó, TP Móng Cái hiện đang triển khai dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải từ nguồn vốn vay ADB. Trong thời gian qua, các địa phương cũng kết hợp công tác chỉnh trang đô thị với việc cải tạo, nâng cấp mở rộng mạng lưới thoát nước trên địa bàn...
Nhà máy xử lý nước thải tại Khu Công nghiệp Đông Mai (TX Quảng Yên) được đầu tư đáp ứng yêu cầu xử lý nước thải. Ảnh: Nguyễn Huế
Hướng tới phát triển đô thị bền vững
Với quan điểm quản lý chất thải rắn là một trong những ưu tiên của công tác bảo vệ môi trường, góp phần kiểm soát ô nhiễm, hướng tới phát triển đô thị bền vững; theo đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2030, 100% các loại chất thải rắn phát sinh được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý triệt để bằng những công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, hạn chế khối lượng chất thải rắn phải chôn lấp đến mức thấp nhất.
Để sớm khắc phục các hạn chế liên quan đến công tác quản lý và xử lý chất thải rắn, từng bước đưa hoạt động này ngày càng nề nếp, tạo sự chuyển biến căn bản, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, gắn với bảo vệ môi trường, hướng tới xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, cuối năm 2020 tỉnh phê duyệt Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn giai đoạn 2019-2022.
Đề án đề ra mục tiêu đến năm 2023, tất cả đô thị loại I, II, III có công trình tái chế chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với việc phân loại tại hộ gia đình (các đô thị còn lại là 85%); 100% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị được thu gom và xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường (khu vực nông thôn là 75%, trong đó tận dụng tối đa lượng chất thải hữu cơ để tái sử dụng, tái chế); phấn đấu tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp đạt dưới 30% so với lượng chất thải được thu gom; 100% các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị đã đóng cửa được cải tạo, xử lý, tái sử dụng đất (khu vực nông thôn đạt 90%); đầu tư xây dựng mới cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải đảm bảo tỷ lệ chôn lấp sau xử lý không quá 20%. Để đạt mục tiêu trên, Đề án xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ, đặt ra lộ trình thực hiện cụ thể, phân công trách nhiệm cho các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan.
Tiếp đến, ngày 29/1/2020, tỉnh ban hành Kế hoạch số 25/KH-UBND "Về thực hiện Chỉ thị số 41/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn" trên địa bàn, nhằm thực hiện đồng bộ các giải pháp về quản lý chất thải, từng bước đưa công tác này hoạt động ổn định, nền nếp, tạo sự chuyển biến căn bản trong lĩnh vực này. Kế hoạch cũng đặt ra nhiệm vụ phấn đấu hết năm 2025 giảm tỷ lệ rác thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp xuống dưới 30%; đối với khu vực nông thôn tận dụng tối đa lượng chất thải hữu cơ để tái sử dụng, tái chế...Kế hoạch yêu cầu các sở, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và nhân dân tiếp tục thực hiện nghiêm các nhiệm vụ đã được phân công tại Quyết định 1613/2017/QĐ-UBND; Quyết định 4012/QĐ-UBND.
Tỉnh cũng yêu cầu các địa phương căn cứ chỉ tiêu về môi trường đô thị trong Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh và hiện trạng thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, nước thải sinh hoạt trên địa bàn để khẩn trương, rà soát, nghiên cứu triển khai các giải pháp về quy hoạch, đề án, dự án...; bố trí đủ kinh phí hằng năm để triển khai các hạng mục dự án, phấn đấu hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra. Tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan đôn đốc, hướng dẫn các địa phương lập quy hoạch, triển khai các chương trình, dự án theo quy định; thu hút các nhà đầu tư nghiên cứu triển khai các dự án thoát nước và vệ sinh môi trường, ưu tiên trước hết cho các địa phương ven Vịnh Hạ Long; tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế để tiếp cận các nguồn vốn vay ODA...