Thành phố Phúc Yên có vị trí thuận lợi về giao thông đường bộ, đường sắt và hàng không, liên kết với các tỉnh thuộc vùng núi phía Bắc với vùng trọng điểm kinh tế Bắc Bộ. Trên con đường phát triển, tiếp thu ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong quản trị các ngành, lĩnh vực, nhất là đô thị, Phúc Yên đang hướng đến xây dựng thành phố xanh - là điểm đến thân thiện, an toàn.
Thành phố Phúc Yên phát triển nhanh và hiện đại. Ảnh: Khánh Linh
Thành phố Phúc Yên là đô thị cửa ngõ của tỉnh; là một trong những đô thị vệ tinh của vùng Thủ đô Hà Nội; là trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, thể thao và đào tạo quốc gia; trung tâm kinh tế công nghiệp - dịch vụ quan trọng của tỉnh.
Thời gian qua, Phúc Yên đã chú trọng xây dựng, phát triển đô thị bền vững gắn với tăng trưởng xanh, tập trung nguồn lực cho phát triển các khu đô thị, trung tâm thương mại, dịch vụ cấp vùng, nhanh chóng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội.
Để phát triển đô thị văn minh, nhiều năm qua, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, đầu tư cho đô thị được thành phố chú trọng quan tâm, tập trung triển khai nhiều dự án xây dựng trọng điểm của tỉnh, huy động các nguồn lực đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Thành phố đã triển khai 20 dự án chỉnh trang đô thị với tổng số vốn đầu tư khoảng 100 tỷ đồng, trong đó có 12 dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị, 8 dự án giao thông hoàn thành đưa vào sử dụng; đồng thời, quan tâm xây dựng không gian công cộng đô thị phục vụ sinh hoạt cho cộng đồng dân cư.
Hiện, Khu đô thị Hùng Vương - Tiền Châu thực hiện xây dựng đạt 70% hạ tầng kỹ thuật, mật độ xây dựng nhà ở đạt 30%; Khu đô thị TMS Land - Hùng Vương đã xây dựng 150 căn hộ liền kề và hạ tầng kỹ thuật đạt khoảng 40%; Khu đô thị Nam Phúc Yên đang hoàn thành cơ sở hạ tầng.
4 dự án khu đô thị đang được tiếp tục triển khai như Đầm Diệu (65 ha), Hùng Vương - Tiền Châu (70 ha), khu đô thị mới Tiền Châu (27 ha), khu đô thị mới 2 (35 ha).
Hệ thống cấp nước sạch được quan tâm đầu tư đồng bộ đảm bảo nhu cầu sử dụng của người dân, các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn; riêng lượng nước sạch cấp cho khu vực nội thị đạt 100%; nước sinh hoạt đạt 127 lít/người/ngày đêm. Một số dự án cấp nước khác đang được quan tâm đầu tư; nước thải được xử lý đảm bảo môi trường.
Hệ thống đường giao thông được đầu tư, nâng cấp như Tỉnh lộ 301, 308, 310, đường Nguyễn Tất Thành và nhiều dự án giao thông trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế của thành phố, các vùng lân cận đã phát huy hiệu quả cao.
Để phục vụ nhu cầu vận tải hành khách, ngoài bến xe Phúc Yên, tỉnh đã phê duyệt và triển khai xây dựng bến xe khách kiêm bãi đỗ xe thành phố tại khu vực đường Nguyễn Tất Thành, phường Nam Viêm với quy mô 1,48 ha.
Hệ thống cấp điện của thành phố đảm bảo, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân; 100% người dân được sử dụng lưới điện quốc gia; 158 tuyến đường và các khu vực công cộng được chiếu sáng đạt hơn 95% cùng đèn trang trí tại các giao lộ chính đã và đang được triển khai, góp phần tạo cảnh quan chung cho đô thị.
Hệ thống mạng truyền dẫn, thông tin di động, dịch vụ internet được cung ứng đầy đủ, với công nghệ hiện đại, đáp ứng nhu cầu cung cấp thông tin, hội thảo, hội nghị trực tuyến, học tập, giải trí, làm việc của nhân dân…
Cùng với đó, thành phố đã chỉ đạo triển khai Đề án tổng thể công tác bảo vệ môi trường gắn với Đề án phát triển thành phố giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2045. 5 năm qua, Phúc Yên đã chi hơn 103,9 tỷ đồng cho công tác vệ sinh môi trường; thu gom, xử lý hơn 138.435 tấn rác thải sinh hoạt, đạt 95%; xây dựng nếp sống văn minh với nhiều tuyến phố, đoạn đường tự quản; phát động phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” thu hút sự tham gia của đông đảo người dân, góp phần giữ gìn môi trường, nếp sống văn hóa, văn minh đô thị.
Hướng đến phát triển đô thị thông minh, bền vững, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, thành phố Phúc Yên quyết liệt chỉ đạo giải quyết những điểm nghẽn trong công tác bồi thường, GPMB; tập trung nguồn lực đầu tư có trọng điểm các công trình hạ tầng kỹ thuật làm thay đổi căn bản diện mạo, tạo cú hích và điểm nhấn thu hút nguồn lực phát triển đô thị.
Có nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư vào dịch vụ, du lịch, thúc đẩy phát triển các ngành thương mại và các khu đô thị.
Xây dựng thành phố xanh, là điểm đến thân thiện, an toàn, có môi trường cảnh quan, mặt nước hấp dẫn, hạ tầng đô thị hiện đại, lối sống thân thiện với môi trường; gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa đô thị 115 năm tuổi.
Phấn đấu đến năm 2030 cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại II, làm tiền đề để Phúc Yên trở thành quận thuộc thành phố Vĩnh Phúc, đô thị loại I trực thuộc Trung ương trong những năm tiếp theo.