Bộ Xây dựng triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới (5/6) và Tháng hành động vì môi trường năm 2025

Thứ tư, 28/05/2025 09:40
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Bộ Xây dựng vừa ban hành văn bản số 4048/BXD-KHCNMT&VLXD chỉ đạo các cơ quan, đơn vị căn cứ điều kiện, tình hình thực tế để tổ chức các hoạt động thiết thực, hiệu quả, phù hợp với các chủ đề theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Môi trường tại văn bản số 2141/BNNMT.

 

Cụ thể: Thực hiện đổi mới toàn diện cả về nội dung và phương thức tuyên truyền theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ, bảo đảm tính đồng bộ và gắn kết chặt chẽ với việc thực thi các Nghị quyết chiến lược của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; thực thi Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành (Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, Nghị định số 45/2022/NĐ-CP, Nghị định số 05/2025/NĐ-CP, Quyết định số 1746/QĐ-TTg, Quyết định số 1316/QĐ-TTg, Chỉ thị số 33/CT-TTg…). Lấy truyền thông chính sách làm đòn bẩy thúc đẩy thực thi pháp luật, thay đổi hành vi và tạo chuyển biến rõ nét trong kiểm soát ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm do rác thải nhựa.

Cần phân loại rác thải để có giải pháp xử lý phù hợp, hiệu quả

Đa dạng hóa hình thức truyền thông, kết hợp hài hòa giữa phương thức truyền thống và hiện đại (infographic, video ngắn, mạng xã hội, nền tảng số). Xây dựng bộ sản phẩm truyền thông trọng điểm, thiết kế sáng tạo, phù hợp với từng nhóm đối tượng (người dân, doanh nghiệp, thanh niên, học sinh, sinh viên, cán bộ công chức...) bảo đảm tính trực quan, dễ hiểu, dễ áp dụng. Phát huy vai trò chủ lực của hệ thống báo chí, phát thanh - truyền hình, nền tảng số; tăng thời lượng và tần suất tuyên truyền về tác hại của chất thải nhựa, tiêu dùng xanh, mô hình kinh tế tuần hoàn, định hình lối sống xanh, hành vi tiêu dùng có trách nhiệm. Khuyến khích sự tham gia chủ động của mạng lưới chuyên gia, doanh nghiệp, tổ chức chính trị  xã hội, cộng đồng dân cư từ Trung ương đến địa phương.

Lồng ghép truyền thông với hành động thực tiễn, tạo tính lan tỏa, thu hút sự tham gia của người dân và xã hội. Tổ chức các hội thảo chuyên đề, diễn đàn, khóa đào tạo, tập huấn, chú trọng kỹ năng truyền thông chính sách, truyền thông thay đổi hành vi, truyền thông định hướng hành động, gắn với biểu dương, nhân rộng mô hình, sáng kiến hiệu quả. Thiết lập cơ chế khen thưởng, truyền thông vinh danh tập thể, cá nhân có sáng kiến tiêu biểu, đóng góp tích cực trong bảo vệ môi trường, xử lý chất thải nhựa, tiêu dùng xanh, đổi mới công nghệ… nhằm tạo động lực, lan tỏa giá trị tích cực trong xã hội. Tăng cường hợp tác quốc tế, phối hợp chặt chẽ với các đối tác như UNEP, UNDP, WB, GIZ, JICA, KOICA... để tranh thủ nguồn lực kỹ thuật, tài chính và công nghệ, hỗ trợ triển khai các sáng kiến liên vùng, liên quốc gia, nâng cao năng lực truyền thông môi trường hiện đại… Mục tiêu xuyên suốt là Nâng cao nhận thức - Thay đổi hành vi - Thúc đẩy hành động hướng tới lối sống xanh, tiêu dùng bền vững, góp phần kiểm soát ô nhiễm nhựa, bảo vệ môi trường, thực hiện các cam kết khí hậu và mục tiêu phát triển bền vững quốc gia.

Tiếp tục hoàn thiện và ban hành đồng bộ các quy định, cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường, thay thế cho sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy; hỗ trợ phân loại - thu gom - tái chế chất thải hiệu quả, đặc biệt là chất thải nhựa, hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn; chú trọng xây dựng cơ chế tài chính - thị trường - trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR).

Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ tái chế hiện đại, có hiệu suất cao, tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu rủi ro môi trường và tạo giá trị gia tăng từ chất thải. Phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ thu gom, phân loại, tái chế chất thải phù hợp với đặc điểm từng địa phương, bảo đảm kết nối chuỗi xử lý khép kín, góp phần hình thành thị trường tái chế chất thải bền vững.

Ưu tiên áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nhằm giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa, nhất là từ bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tấm lót chuồng trại và vật tư nông nghiệp khác. Thúc đẩy thực hiện phân loại rác tại nguồn, kết nối với hệ thống tái chế; tăng cường hỗ trợ kỹ thuật và thể chế cho chính quyền cơ sở trong triển khai. Hỗ trợ xây dựng các công trình bảo vệ môi trường vì lợi ích cộng đồng, đặc biệt trong xây dựng nông thôn mới, đô thị xanh, các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu tại khu vực ven biển, miền núi, vùng đồng bằng dễ bị tổn thương.

Trên cơ sở tình hình thực tiễn và chỉ đạo của Trung ương, triển khai Tháng cao điểm hành động vì môi trường năm 2025 từ cuối tháng 5 đến hết tháng 6 năm 2025, với trọng tâm là Chiến dịch toàn quốc “Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa - Lan tỏa lối sống xanh”, nhằm huy động toàn xã hội tham gia các hoạt động thiết thực, đa dạng và lan tỏa sâu rộng.

Nội dung trọng tâm: Tổ chức lễ phát động, mít tinh và diễn đàn cộng đồng/diễn đàn thanh niên về bảo vệ môi trường, lồng ghép triển lãm sản phẩm tái chế, mô hình kinh tế tuần hoàn, giải pháp công nghệ xanh; tổ chức đối thoại chính sách giữa người dân - doanh nghiệp - cơ quan quản lý về giải pháp giảm ô nhiễm nhựa. Ra quân đồng loạt thực hiện vệ sinh môi trường, thu gom và phân loại rác thải nhựa tại nguồn ở đô thị, nông thôn, khu dân cư, trường học, cơ quan, ven biển, bãi bồi, sông hồ.

Tổ chức Ngày “Không nhựa sử dụng một lần”, hướng tới thay đổi hành vi tiêu dùng; khuyến khích áp dụng mô hình “Không nhựa” tại siêu thị, chợ dân sinh, nhà hàng, cơ quan công sở, trường học. Tăng cường sử dụng sản phẩm, bao bì thân thiện môi trường, hỗ trợ và tôn vinh các doanh nghiệp - tổ chức tiên phong trong chuyển đổi bao bì xanh, dịch vụ xanh. Khuyến khích nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng chế phẩm sinh học, công nghệ xanh, hạn chế bao bì nhựa và ni lông khó phân hủy, góp phần phát triển nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn.

Phát động các mô hình cộng đồng thu hồi - tái chế - tái sử dụng nhựa dùng một lần, gắn với hệ thống bán lẻ, du lịch, trường học, cơ quan và địa phương; lựa chọn mô hình tiêu biểu để tổng kết - biểu dương - nhân rộng. Triển khai hoạt động truyền thông trực quan, đồng loạt treo pano, băng rôn, áp phích tại các trục đường chính, nơi công cộng, cơ quan, trường học, trung tâm thương mại, khu dân cư..., với thông điệp hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới 2025; khuyến khích sử dụng vật liệu tái chế, thân thiện môi trường trong thiết kế sản phẩm truyền thông.

Tất cả các hoạt động cần bảo đảm tính hệ thống - sáng tạo - hiệu quả - gắn với quy định pháp luật hiện hành và mục tiêu thay đổi hành vi bền vững, từ đó nâng cao trách nhiệm của cộng đồng, doanh nghiệp, chính quyền các cấp và từng cá nhân trong giảm thiểu ô nhiễm nhựa, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, kiến tạo lối sống xanh.

Trần Đình Hà

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)