Ngày 20/5/2025, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị thẩm định nhiệm vụ Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu An Giang, tỉnh An Giang đến năm 2045.
Tham dự hội nghị có đại diện các bộ, ngành Trung ương; các hội, hiệp hội nghề nghiệp chuyên ngành; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng; lãnh đạo UBND tỉnh An Giang. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn - Chủ tịch Hội đồng chủ trì hội nghị.
Trình bày tóm tắt Báo cáo thuyết minh nhiệm vụ, đại diện đơn vị tư vấn cho biết, phạm vi nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu An Giang, tỉnh An Giang đến năm 2045 rộng khoảng 30.734ha, theo Quyết định số 456/QĐ-TTg, ngày 22/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, do ranh giới đơn vị hành chính một số xã, phường hiện nay có sự thay đổi nên ranh giới Khu kinh tế cửa khẩu đã phê duyệt và ranh giới khu kinh tế cửa khẩu theo quy hoạch tỉnh có điều chỉnh để đảm bảo đồng bộ giữa các quy hoạch.

Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn chủ trì hội nghị
Mục tiêu lập quy hoạch nhằm phát triển đồng bộ Khu kinh tế cửa khẩu An Giang trở thành vùng động lực phát triển của tỉnh và khu vực; trung tâm kinh tế năng động, đầu mối giao lưu giao thương quốc tế quan trọng để mở rộng hợp tác với Campuchia và vùng Nam Á, đáp ứng các yêu cầu mới trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và vùng; xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu An Giang gắn liền với chiến lược phát triển chung của các vùng lân cận: thị xã Tịnh Biên, thành phố Châu Đốc, thị xã Tân Châu, huyện An Phú... đáp ứng các yêu cầu về dân cư, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và cảnh quan môi trường, ưu tiên phát triển các loại hình thương mại dịch vụ, du lịch, công nghiệp; đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đảm bảo phát triển bền vững, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá địa phương.
Đồng thời khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất và hệ thống hạ tầng cơ sở hiện có, tận dụng các lợi thế sẵn có về giao thông, cảnh quan và quỹ đất xây dựng; làm cơ sở pháp lý để quản lý đầu tư xây dựng, triển khai các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và các dự án đầu tư trong Khu kinh tế theo quy định; góp phần xây dựng đường biên giới Việt Nam - Campuchia ổn định, hòa bình, hữu nghị và phát triển kinh tế biên mậu.
Khu kinh tế cửa khẩu An Giang được quy hoạch với tính chất là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm: công nghiệp - thương mại - dịch vụ - du lịch - đô thị và nông, lâm, ngư nghiệp gắn với các khu vực cửa khẩu; động lực phát triển kinh tế, đô thị biên giới cho khu vực Tây Bắc tỉnh An Giang; đầu mối giao thông quan trọng, trung tâm giao lưu phát triển kinh tế giữa các nước tiểu vùng sông Mekong, nhất là với Campuchia; là khu vực phát triển đô thị xanh, thông minh và nông thôn, bền vững, có bản sắc; có vị trí quan trọng về quốc phòng an ninh, gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế xã hội và củng cố quốc phòng an ninh.
Nhiệm vụ yêu cầu các nội dung chính cần nghiên cứu trong quá trình lập đồ án bao gồm: tổng quan các đặc điểm tự nhiên, đặc điểm cảnh quan sinh thái của khu vực trong mối liên kết với các vùng lân cận; đánh giá điều kiện tự nhiên và các ảnh hưởng tới khu vực xây dựng và phát triển đô thị cũng như các khu chức năng trong Khu kinh tế; tổng quan thực trạng phát triển kinh tế xã hội, phân tích các yếu tố hiện trạng dân số, lao động, việc làm trong khu vực nghiên cứu quy hoạch; đánh giá các hoạt động sản xuất và lao động trong các ngành nghề: thương mại - dịch vụ - du lịch; nông - lâm nghiệp - thủy sản; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp...; thống kê sử dụng đất khu vực lập quy hoạch, phân tích, đánh giá tỷ lệ các loại đất, sự phân bổ các loại đất, nhất là quỹ đất xây dựng các khu chức năng phi nông nghiệp; lựa chọn quỹ đất có thể chuyển đổi khi phát triển đô thị và các khu chức năng.
Bên cạnh đó, chú trọng rà soát, cập nhật, khớp nối, đánh giá các đồ án quy hoạch, các dự án, chương trình có liên quan; nghiên cứu và phân tích mối quan hệ liên vùng, đánh giá vai trò, vị thế, tiềm năng và các động lực phát triển; các yêu cầu về dự báo phát triển và lựa chọn chỉ tiêu kinh tế xã hội; xây dựng mục tiêu, tầm nhìn; xác định các chiến lược phát triển; đề xuất các yêu cầu về định hướng phát triển không gian và quy hoạch sử dụng đất; các yêu cầu về định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật; yêu cầu các giải pháp bảo vệ môi trường; yêu cầu đối với đề xuất các dự án ưu tiên đầu tư và nguồn lực thực hiện; yêu cầu đối với dự thảo quy định quản lý phát triển Khu kinh tế cửa khẩu An Giang theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung.
Tại hội nghị, các chuyên gia thành viên Hội đồng đánh giá cao sự cần thiết điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu An Giang; đồng thời đóng góp nhiều ý kiến giúp đơn vị tư vấn nâng cao hơn nữa chất lượng Báo cáo thuyết minh nhiệm vụ trên các lĩnh vực: thương mại; xây dựng, quy hoạch, văn hóa, nông nghiệp, môi trường, tài chính, an ninh quốc phòng… Trong đó chú trọng rà soát, cập nhật văn bản pháp lý liên quan; đánh giá ảnh hưởng của việc thay đổi ranh giới hành chính các xã tới định hướng phát triển khu kinh tế; rà soát kế thừa các ưu điểm của quy hoạch trước; đánh giá các chương trình, chính sách của phía bạn (Campuchia) có ảnh hưởng đến định hướng phát triển Khu kinh tế.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn tổng hợp các ý kiến đóng góp của các chuyên gia thành viên Hội đồng, đồng thời bổ sung một số nội dung và đề nghị đơn vị tư vấn phối hợp chặt chẽ với các sở ngành của tỉnh An Giang tiếp thu đầy đủ.
Đồng thời, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn yêu cầu: “Đơn vị tư vấn cần quan tâm nhiều hơn đến các nội dung phát triển đô thị trong Khu kinh tế; tập trung đánh giá hiện trạng phát triển Khu kinh tế, nhận diện rõ những hạn chế, bất cập để đề xuất các nội dung cần điều chỉnh, bổ sung; chú trọng rà soát các chương trình, dự án đang, sẽ triển khai đảm bảo phù hợp định hướng phát triển Khu kinh tế trong thời gian tới; rà soát cơ sở các dự báo về sử dụng đất, quy mô dân số; đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường; sớm hoàn thiện hồ sơ nhiệm vụ để UBND tỉnh An Giang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.