Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AECC) lần thứ 19 chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 đã được tổ chức vào ngày 10/11 theo hình thức trực tuyến. Hội nghị do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì, với sự tham dự của các Bộ trưởng Kinh tế các nước ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AECC) lần thứ 19 chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN 37. Ảnh Báo quốc tế
Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN đang tập trung thực hiện Kế hoạch tổng thể (KHTT) xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đến năm 2025 với 5 mục tiêu: Đưa ASEAN thành một nền kinh tế hội nhập cao và gắn kết; Một ASEAN cạnh tranh, đổi mới và năng động; Nâng cao kết nối và hợp tác chuyên ngành; Một ASEAN có sức bật, phát triển toàn diện, hướng tới con người và lấy con người làm trung tâm; Một ASEAN toàn cầu.
Trong bối cảnh ASEAN đã đi được nửa chặng đường trong việc xây dựng KHTT AEC 2025, Hội nghị cũng sẽ trao đổi về Báo cáo sơ bộ rà soát giữa kỳ việc thực hiện KHTT này. Báo cáo sơ bộ này là một trong 13 sáng kiến ưu tiên kinh tế trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 do Việt Nam đề xuất nhằm nghiên cứu các khuyến nghị về việc thực hiện KHTT AEC 2025 hiệu quả hơn, kịp thời đáp ứng tình hình hiện nay.
Theo Báo cáo, tính đến quý II/2020, ASEAN đã thực hiện được 84% tổng số biện pháp đề ra. Thể hiện quyết tâm tăng cường thực hiện KHTT, các Bộ trưởng đã thông qua 12 khuyến nghị nhằm giúp ASEAN đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đã đề ra trong giai đoạn còn lại (2021-2025) trước tình hình thế giới khu vực có nhiều thay đổi nhanh chóng, khó lường.
Tại Hội nghị này, các Bộ trưởng cũng sẽ cùng nhau rà soát tình hình thực hiện các ưu tiên/sáng kiến trong trụ cột kinh tế do Việt Nam đề xuất trong năm Chủ tịch ASEAN 2020. Theo đó, 7 trên 13 ưu tiên đã được hoàn thành, bao gồm: Xây dựng Chỉ số hội nhập số ASEAN; Tăng cường thực hiện Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng AEC 2025; thúc đẩy tài chính bền vững ASEAN; kết nối các Trung tâm đổi mới sáng tạo; thông qua bộ nguyên tắc hướng dẫn thực thi Khung chính sách thanh toán ASEAN cho thanh toán bán lẻ xuyên biên giới; thiết lập hệ thống thông tin thống kê đồng bộ và thống nhất về phát triển bền vững của ASEAN; xây dựng Khung an ninh lương thực chung của ASEAN và Kế hoạch hành động chiến lược về an ninh lương thực ASEAN giai đoạn 2021-2025.
Trong khi đó, 6 sáng kiến còn lại vẫn đang được Việt Nam thúc đẩy triển khai để hoàn thành theo kế hoạch đề ra.
Năm 2020 là một năm đặc biệt đối với khu vực ASEAN do tác động của dịch COVID-19 dẫn đến những khó khăn trong sản xuất, thương mại và đầu tư trong toàn khu vực. Vì vậy, tại Hội nghị, các Bộ trưởng cũng điểm lại những đề xuất, sáng kiến trong kênh kinh tế nhằm duy trì chuỗi cung ứng và phục hồi nền kinh tế do ASEAN và các nước đối tác ngoại khối như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, nhóm nước ASEAN +3 thông qua.
Đặc biệt, tại Hội nghị này, các Bộ trưởng sẽ thông qua và ký kết Biên bản ghi nhớ về xử lý các biện pháp phi thuế quan đối với hàng hoá thiết yếu để ứng phó với dịch COVID-19. Đây là một biện pháp cụ thể nhằm thực hiện Kế hoạch hành động Hà Nội về tăng cường hợp tác kinh tế ASEAN và kết nối chuỗi cung ứng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
Việc kịp thời thông qua các sáng kiến này thể hiện sự chủ động của Việt Nam và các nước ASEAN trong việc giảm thiểu tác động của dịch COVID-19, theo đúng tinh thần “Gắn kết và chủ động thích ứng” của Năm ASEAN 2020 của Việt Nam.
Dự kiến, Hội nghị sẽ thông qua Báo cáo của Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN để trình lên các Nhà Lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 dự kiến được tổ chức vào ngày 12- 15/11.
* Chiều 10/11, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã có buổi đối thoại trực tuyến dưới hình thức “Ba bên (troika) mở rộng” với Thụy Sĩ.
Dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Thương mại Thụy Sĩ Guy Parmelin, các bên đã bày tỏ quan ngại chung về ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 tới sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của các bên, đồng thời ghi nhận việc cần thiết phải có sự đoàn kết và hợp tác chặt chẽ hơn giữa các bên để chống lại đại dịch và đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Cùng với đó, các bên cam kết đẩy mạnh hợp tác nhằm duy trì và tăng cường quan hệ kinh tế giữa ASEAN và Thụy Sĩ; nỗ lực giảm nhẹ ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 tới nền kinh tế các bên; tăng cường tính bền vững, linh hoạt của nền kinh tế các bên; tiếp tục theo đuổi chính sách kinh tế mở và minh bạch...
Ngoài ra, các bên cam kết ủng hộ và theo đuổi mục tiêu thương mại tự do trên cơ sở hệ thống thương mại đa phương của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và nhất trí hợp tác nhằm đạt được những kết quả thiết thực./.