100 chuyên gia, trí thức trẻ, nhà khoa học tiêu biểu người Việt trên khắp thế giới trở về Việt Nam trong Chương trình Kết nối Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018, tham gia hiến kế để giúp nước nhà hiện thực hóa Mục tiêu đã đề ra.
Từ trước tới nay, Chính phủ luôn quan tâm, thúc đẩy phát triển KH và CN, coi CMCN 4.0 là cơ hội lớn, nếu không nắm bắt thì Việt Nam sẽ tiếp tục bị tụt hậu. Một trong những nhân tố quan trọng nhất của CMCN 4.0 chính là phải có nguồn nhân lực tốt để nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia. Do đó, Chính phủ đã kêu gọi các chuyên gia, nhà khoa học, trí thức người Việt Nam ở trong và ngoài nước cùng đóng góp xây dựng đất nước, trực tiếp tham gia vào các dự án, chương trình KH và CN, từ đó sẽ tạo ra nền tảng thúc đẩy giá trị và tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. 100 chuyên gia, nhà khoa học trẻ tham gia chương trình lần này là những người được đào tạo bài bản tại các trường đại học danh tiếng hàng đầu thế giới và công tác trong các ngành đang là xu thế của CMCN 4.0 như: công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nền tảng, các ngành công nghiệp chế tạo ứng dụng tự động hóa… có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu, được ghi nhận bởi cơ sở đào tạo, các tổ chức quốc tế có uy tín, doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước.
Trong các cuộc gặp gỡ, trao đổi tại Chương trình Kết nối Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018, Chính phủ luôn mong muốn các nhà khoa học sẽ có những phương án hợp tác, các kiến nghị quan trọng để Việt Nam có thể khai thác đúng, kịp thời nắm bắt các cơ hội của CMCN 4.0 khi chúng ta vẫn chưa có đủ: hành lang pháp lý, nguồn nhân lực và tính đồng bộ của các công nghệ 4.0. Trong ba yếu tố nêu trên, nguồn nhân lực gần như được coi là yếu tố quyết định đối với CMCN 4.0 và Việt Nam đang có nhiều ưu điểm khi có đội ngũ nhân lực trẻ, có môi trường ứng dụng tốt, nhưng Việt Nam vẫn đang lúng túng chưa biết sử dụng nguồn lực này thế nào cho hiệu quả. Như hiện nay, muốn sử dụng nguồn lực chất xám của các nhà khoa học tài năng trong và ngoài nước, Việt Nam cần có cơ chế đãi ngộ, cũng như cung cấp cho họ một môi trường làm việc tốt. GS Nghiêm Đức Long, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu môi trường nước (Trường đại học Công nghệ Sydney, Australia) khẳng định, sẽ đồng hành và đóng góp sức lực cho đất nước trong quá trình xây dựng hệ sinh thái 4.0 mà không cần thù lao. Bởi lẽ, các nhà khoa học khi xác định trở về Việt Nam đã chuẩn bị tâm thế chấp nhận khó khăn, cho nên tiền lương không phải là tất cả, nhưng phải cho họ một môi trường làm việc tốt, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị nghiên cứu đủ để phát huy hết khả năng của bản thân.
Nhiều nhà khoa học đánh giá cao Chương trình Kết nối Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018 là một sự kiện thiết thực, giúp các nhà khoa học ở nước ngoài có thêm cơ hội tham gia và đóng góp cho đất nước. Thực tế hiện nay đang có rất nhiều tập đoàn công nghệ lớn của Việt Nam vươn tầm thế giới, đã có những chính sách thu hút người tài ở trong và ngoài nước. Vì vậy, TS Bùi Hải Hưng, chuyên gia nghiên cứu của Google Deepmind (Hoa Kỳ) cho rằng, nếu những đơn vị này liên kết với các trí thức người Việt Nam, tạo điều kiện, môi trường làm việc tương đương với điều kiện ở nước ngoài thì sẽ là nguồn cảm hứng để các nhà khoa học trẻ khác trở về nước làm việc. Nhiều nhà khoa học cũng thẳng thắn cho rằng, từ nhiều năm nay, Nhà nước luôn “trải thảm đỏ mời nhân tài về nước”, nhưng đến nay vẫn chưa ai biết “thảm đỏ” đó như thế nào, do đó cần có những hành động, chính sách cụ thể, rõ ràng hơn. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã có những hành động cụ thể, chi rất nhiều tiền để mời chuyên gia nước ngoài, chuyên gia người Việt Nam có tài năng về giúp họ phát triển. GS Vũ Hà Văn hiện được Tập đoàn Vingroup mời về làm Giám đốc khoa học Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn để nghiên cứu các lĩnh vực mũi nhọn của ngành dữ liệu lớn, đầu tư, đẩy mạnh phát triển khoa học có tính ứng dụng và một số nhiệm vụ khác. Về vấn đề này, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT cho rằng, các doanh nghiệp công nghệ lớn trong nước đang có nhiều dự án, bài toán ứng dụng xu hướng công nghệ mới nhất của thế giới. Trong khi đó, các tài năng trẻ của Việt Nam ở nước ngoài có kiến thức, kinh nghiệm chuyên sâu, có thể có những lời giải hay, sản phẩm tốt thì có thể cùng hợp tác để có thể ứng dụng vào thực tiễn hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp.
Trong CMCN 4.0 thì yếu tố nguồn nhân lực để có thể bắt kịp xu hướng, sử dụng, phát triển các nền tảng từ 4.0 cũng là một vấn đề cần quan tâm. Thế nhưng nhiều nhà khoa học cho rằng, Việt Nam chưa quan tâm đến việc đào tạo các kỹ sư công nghệ có trình độ 4.0. Do vậy, họ mong muốn Việt Nam cần có cơ chế để thúc đẩy lĩnh vực này, qua đó cung cấp cho thị trường nguồn nhân lực đủ tiếp nhận các công nghệ của CMCN 4.0. TS Vũ Duy Thức, chuyên gia trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và thuật toán, nhà sáng lập Ohmnilabs cho biết, anh muốn chia sẻ những kinh nghiệm mà mình có được, từ đó truyền cảm hứng nghiên cứu cho sinh viên, tạo sân chơi cho các nhà khoa học trẻ trong nước phát triển những hướng nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo, rô-bốt. Đây là cách mà anh có thể góp sức mình để Việt Nam tiếp cận gần hơn CMCN 4.0.
Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy khẳng định, đây là thời điểm để Việt Nam có những đột phá phát triển công nghệ, đạt được những bước tiến lớn. Tuy nhiên, cần có sự góp sức của các nhà khoa học người Việt Nam trên thế giới tham gia hợp tác với các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước. Nhưng không nên chỉ dừng lại ở mặt ý tưởng mà cần bắt tay vào “cuộc chơi” thật, cùng Nhà nước và các doanh nghiệp Việt Nam để tạo ra năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Theo Nhân dân điện tử