Hệ thống giao thông địa bàn miền núi biên giới tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bởi dễ xảy ra sạt lở, lũ quét... Để đảm bảo an toàn giao thông thông suốt trước mùa mưa, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, ngành chức năng, chính quyền địa phương Điện Biên đã và đang tập trung duy tu, bảo dưỡng tập trung các tuyến đường huyết mạch trên địa bàn.
Ông Vũ Tiến Quyết, Trưởng phòng Bảo trì đường bộ, Sở Xây dựng Điện Biên cho biết: Hiện nay, đơn vị đang chỉ đạo và phối hợp với 4 nhà thầu triển khai công tác tuần kiểm, giám sát bảo dưỡng thường xuyên trên 900km đường đơn vị quản lý. Trong đó hơn 593km các tuyến quốc lộ: 4H, nhánh 4H1, nhánh 4H2; 12; 6; 279, 279B, 279C và hơn 309km tuyến đường nội tỉnh. Trước mùa mưa lũ, Sở Xây dựng Điện Biên chỉ đạo các đơn vị thi công bố trí máy móc, nhân lực nạo vét rãnh dọc, đắp các vị trí bị lở. Đồng thời kiểm tra các vị trí cầu cống, xử lý kịp thời để giảm thiểu tối đa thiệt hại trong mùa mưa lũ.

Ban Bảo trì đường bộ, Sở Xây dựng Điện Biên phối hợp với nhà thầu duy tu, bảo dưỡng giao thông.
Các đơn vị quản lý đường bộ tập trung phát quang, nạo vét rãnh, thông cống, đắp phụ lề đường, rải êm thuận mặt đường, lắp dựng hệ thống cọc tiêu, biển báo, bảo vệ tốt hành lang an toàn giao thông đường bộ và kết cấu hạ tầng giao thông. Đặc biệt, chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng, máy móc, thiết bị dự phòng cho các vị trí xung yếu. Sẵn sàng đảm bảo các tuyến đường an toàn, thông suốt, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Công ty Cổ phần Đường bộ 2 Điện Biên bảo dưỡng tuyến quốc lộ 12 trước mùa mưa bão.
Là địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng do mưa lớn kéo dài, tại các tuyến đường trọng yếu như quốc lộ 4H, đường liên xã Quảng Lâm - Na Cô Sa, Quảng Lâm - Huổi Lụ - Pá Mỳ, Nậm Pố - Nậm Vì trên địa bàn huyện Mường Nhé xuất hiện hàng loạt điểm sạt lở. Ngoài việc khắc phục các điểm sạt lở, hàng năm huyện Mường Nhé tập trung sửa chữa, nâng cấp hệ thống cầu cống, kè chắn tại những vị trí xung yếu. UBND huyện đã đề xuất tỉnh hỗ trợ nguồn vốn để kiên cố hóa một số tuyến đường thường xuyên bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Đồng thời huy động người dân tham gia khơi thông rãnh thoát nước, gia cố các đoạn đường tại khu vực dân cư.

Công nhân Công ty Cổ phần Đường bộ 2 Điện Biên khơi thông, nạo nét cống rãnh thoát nước tại km 175 + 800 thuộc quốc lộ 12 (đoạn từ TP. Điện Biên Phủ đến huyện Mường Chà).
Tại km 175 + 800 thuộc quốc lộ 12 (đoạn từ TP. Điện Biên Phủ đến huyện Mường Chà), thời gian qua Công ty Cổ phần Đường bộ 2 Điện Biên đã huy động nhân lực, thiết bị, máy móc nạo vét rãnh, khơi thông đầu cống và lòng cống, san gạt lề đường nhằm tăng khả năng tiêu thoát nước, hạn chế tình trạng ngập úng. Trên tuyến Núa Ngam – Huổi Puốc, ngay từ những ngày đầu tháng 4, nhiều công nhân của Công ty Cổ phần Đường bộ 2 Điện Biên cũng tiến hành nạo vét cỏ, đất bùn tại các rãnh thoát nước.

Công nhân Công ty Cổ phần Đường bộ 2 Điện Biên nạo vét cỏ, bùn đất trên tuyến Núa Ngam – Huổi Puốc.
Ông Bùi Giáp Thìn, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đường bộ 2 Điện Biên cho biết: Công ty là một trong 4 nhà thầu đảm nhiệm công tác bảo trì đường bộ trên địa bàn tỉnh với tổng chiều dài tuyến quản lý hơn 330km. Hiện nay, đơn vị đang tích cực triển khai kế hoạch duy tu, đồng thời luôn duy trì lực lượng, vật tư, thiết bị sẵn sàng ứng phó kịp thời khi có sự cố do thiên tai gây ra, đảm bảo giao thông không bị gián đoạn. Trước mùa mưa, Công ty tập trung xử lý hệ thống thoát nước, nhất là hệ thống rãnh dọc, cống để đảm bảo khả năng thoát nước khi mưa lũ xảy ra.

Tại nhiều tuyến giao thông xung yếu, nhân lực được huy động đảm bảo giao thông thông suốt trước mùa mưa.
Với đặc thù địa hình miền núi, hệ thống đường giao thông trên địa bàn tỉnh Điện Biên thường xuyên bị tác động trực tiếp của hiện tượng sạt lở vào mùa mưa, trong khi nguồn kinh phí cấp theo định mức còn thấp khiến công tác duy tu, bảo dưỡng đảm bảo an toàn giao thông gặp khó khăn. Thời gian tới, Ban Bảo trì đường bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra thực địa, rà soát và xây dựng kế hoạch bảo trì phù hợp cho từng tuyến đường. Lực lượng thường trực được bố trí tại các điểm xung yếu để sẵn sàng xử lý kịp thời mọi tình huống phát sinh, góp phần đảm bảo giao thông thông suốt, phục vụ tốt nhu cầu lưu thông của nhân dân, nhất là trong mùa mưa bão.