Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Tiền Giang cho biết, đơn vị đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ giúp nhà thầu tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ Dự án thành phần 2 thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1, tạo điều kiện sớm đưa công trình vào sử dụng
Chủ đầu tư quan tâm giải ngân nhanh nguồn vốn đầu tư theo tiến độ thi công dự án; chi trả bồi thường kịp thời và giải phóng mặt bằng, bàn giao đất sạch cho nhà thầu, giải quyết nhu cầu về nguồn cát và vật liệu xây dựng phục vụ cho công trình...

Công nhân thi công trên công trường
Tổng diện tích đất phải thu hồi của dự án trên 83 ha; trong đó, tỉnh Đồng Tháp trên 28 ha và tỉnh Tiền Giang gần 55 ha. Có tổng cộng 665 hộ bị ảnh hưởng, gồm: tỉnh Đồng Tháp 188 hộ và tỉnh Tiền Giang là 477 hộ dân. Đến nay, phía tỉnh Đồng Tháp đã chi trả đền bù giải tỏa đạt 98,26%; tỉnh Tiền Giang đã hoàn thành chi trả đạt 100% số hộ dân bị ảnh hưởng. Tổng nhu cầu cát đắp nền và gia tải cho Dự án thành phần 2 khoảng 1,571 triệu m3.
UBND tỉnh Đồng Tháp và UBND tỉnh Tiền Giang đã có Bản xác nhận cho phép nhà thầu thi công khai thác 03 khu vực mỏ cát trên sông Tiền, gồm: 01 khu vực mỏ cát thuộc xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò và 02 khu vực mỏ cát thuộc xã Hòa Hưng (huyện Cái Bè) theo cơ chế đặc thù phục vụ thi công công trình.
Đến nay, 03 khu vực mỏ cát trên sông Tiền do hai địa phương quản lý cho phép khai thác theo cơ chế đặc thù kể trên đã khai thác được trên 271.000m3 cát. Nhờ vậy, khó khăn về nguồn vật liệu để đắp nền và gia tải cho dự án đã được tháo gỡ, tạo thuận lợi cho các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công dự án.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Phương, tổng kế hoạch vốn giao trong 3 năm kể từ khi triển khai dự án là 2.941 tỷ đồng; trong đó, vốn giao năm 2025 là 910 tỷ đồng. Lũy kế giải ngân của dự án đến đầu tháng 4/2025 đạt khoảng 2.099 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 71,03%.
Hiện nay, các đơn vị nhà thầu tập trung mọi nguồn lực tổ chức thi công quyết liệt, khoa học, đúng quy trình kỹ thuật, quyết tâm hoàn thành dự án đúng tiến độ, đảm bảo an toàn với chất lượng tốt nhất.
Trung tá Lê Trung Đại, Giám đốc Ban điều hành Trường Sơn 11, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, đại diện Liên danh nhà thầu Dự án thành phần 2 chia sẻ, Liên danh nhà thầu đang triển khai 41 mũi thi công, huy động 110 phương tiện, thiết bị chuyên dùng hiện đại và gần 300 công nhân, kỹ sư hối hả tổ chức thi công đồng loạt các gói thầu với tinh thần thi đua "vượt nắng, thắng mưa" thi công "3 ca, 4 kíp", không kể ngày đêm, quyết tâm rút ngắn thời gian thi công, phấn đấu đến tháng 9/2025 cơ bản hoàn thành toàn bộ các cầu trên toàn tuyến và đến tháng 7/2026 hoàn thành đưa vào khai thác Dự án thành phần 2.
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thị Thanh Phương chia sẻ, Dự án thành phần 2 thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1 đi qua địa bàn hai tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang có tổng mức đầu tư 3.856 tỷ đồng do UBND tỉnh Tiền Giang làm cơ quan chủ quản và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Tiền Giang được giao làm chủ đầu tư.
Quy mô Dự án thành phần 2 gồm tổng chiều dài toàn tuyến trên 11km, trong đó đoạn qua tỉnh Đồng Tháp 3,8km và qua tỉnh Tiền Giang 7,63km.
Điểm đầu giao với Dự án thành phần 1 tại Km16+000 thuộc xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Điểm cuối giao với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại lý trình Km98+950, cách nút giao An Thái Trung khoảng 1,8km thuộc xã An Thái Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Binh đoàn 12 (Bộ Quốc phòng) đứng đầu liên danh trúng thầu công trình. Dự án khởi công ngày 12/8/2024, theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào năm 2027. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các ngành, các cấp, các đơn vị, tỉnh Tiền Giang đang phấn đấu rút ngắn thời gian, đưa dự án về đích ngay trong năm 2026.