Hướng dẫn thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm trật tự xây dựng

Thứ ba, 07/11/2023 16:05
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Ngày 07/11/2023, Bộ Xây dựng đã có công văn 5103/BXD-TTr gửi Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội hướng dẫn xác định đối tượng vi phạm để thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính đối với công trình xây dựng sai so với nội dung giấy phép xây dựng được cấp, đã hoàn thành đưa vào sử dụng đầu năm 2013.

1. Về việc xác định đối tượng vi phạm

Theo khoản 2 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, quy định: “2. Xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính”.

Các nghị định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng (Nghị định số 16/2022/NĐ-CP, Nghị định số 139/2017/NĐ-CP, Nghị định số 121/2013/NĐ-CP, Nghị định số 23/2009/NĐ-CP) quy định xử phạt đối với tổ chức, cá nhân có hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép được cấp. Ngoài việc xử phạt bằng tiền, còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.

Như vậy, cơ quan có thẩm quyền căn cứ hồ sơ, tài liệu, thực tế thi công xác định tổ chức, cá nhân đã thực hiện hành vi xây dựng công trình sai nội dung giấy phép được cấp để thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm theo quy định.

2. Về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả

Tại khoản 1 và khoản 2 Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (nay được sửa đổi tại khoản 33 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020) quy định:

“1. Không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong những trường hợp sau đây:

....c) Hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 6 hoặc hết thời hạn ra quyết định xử phạt quy định tại khoản 3 Điều 63 hoặc khoản 1 Điều 66 của Luật này;...

“2. Đối với trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này, người có thẩm quyền không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính nếu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thuộc loại cấm tàng trữ, cấm lưu hành hoặc tang vật, phương tiện mà pháp luật có quy định hình thức xử phạt tịch thu và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với hành vi vi phạm hành chính đó...”.

Điều 118 Luật Xây dựng 2014 (nay được sửa đổi tại khoản 44 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020) quy định: d) Tổ chức, cá nhân sở hữu hoặc đang sử dụng công trình thuộc trường hợp phải phá dỡ phải chấp hành quyết định phá dỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; trường hợp không chấp hành thì bị cưỡng chế và chịu mọi chi phí cho việc phá dỡ”.


Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 5103/BXD-TTr.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)