Khánh Hòa: Siết chặt đảm bảo an toàn du lịch trên vịnh Nha Trang

Thứ ba, 22/07/2025 14:06
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Sự cố lật tàu du lịch trên vịnh Hạ Long vào ngày 19/7 đặt ra vấn đề về an toàn cho du khách khi tham gia các hoạt động du lịch biển. Vì vậy, tại tỉnh Khánh Hòa, lực lượng chức năng chủ động tiếp tục siết chặt quản lý hoạt động tàu thuyền du lịch trên vịnh Nha Trang - nơi có hơn 300 phương tiện đang chuyên chở khách du lịch.

Kiểm soát chặt việc xuất bến

Đang trong mùa cao điểm du lịch hè nên tại Bến tàu Du lịch Nha Trang (phường Nam Nha Trang), lượng khách đi tour các đảo luôn đông đúc, các tàu, ca nô liên tục ra vào đưa khách đi tham quan các đảo trong vịnh Nha Trang. Ông Trần Văn Phú - Trưởng phòng quản lý Bến tàu Du lịch Nha Trang cho biết: “Hiện tại, có 305 phương tiện vận chuyển khách hoạt động ở bến tàu, trong đó có 80 tàu gỗ. Ngày thường có khoảng 450 lượt tàu, ca nô xuất bến đưa 6.000 - 7000 lượt khách đi du lịch trong vịnh; cuối tuần, lượng khách lên đến 8.000 - 10.000 khách/ngày với hơn 500 lượt tàu, ca nô xuất bến. Việc kiểm soát tàu, ca nô xuất bến được lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy, bộ đội biên phòng, Cảng vụ bến thủy nội địa thực hiện rất chặt chẽ. Tất cả du khách đều phải mang áo phao trước khi tàu xuất bến. Khách lên tàu đều được nhân viên các tàu và hướng dẫn viên hỗ trợ, hướng dẫn để đảm bảo an toàn”. Sau sự cố ở vịnh Hạ Long, Ban Quản lý (BQL) vịnh Nha Trang cũng đã có thông báo tăng cường công tác ứng phó với tình hình thời tiết xấu, bất thường để tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra.

Cảnh sát giao thông đường thủy kiểm tra một ca nô trước khi xuất bến

Liên quan đến công tác đảm bảo an toàn vận tải khách du lịch đường thủy, Trung tá Nguyễn Văn Biên - Đội trưởng Đội Cảnh sát đường thủy số 1, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cho biết: Từ đầu tháng 7/2025, Đội Cảnh sát đường thủy số 1 đã tổ chức cho các chủ tàu đang hoạt động ở Bến tàu Du lịch Nha Trang ký cam kết thực hiện đúng quy định pháp luật trong việc vận chuyển hành khách, đảm bảo trật tự, an toàn đường biển. Đến nay, hầu hết các chủ phương tiện đã ký cam kết. Đội đang tiếp tục vận động các chủ phương tiện còn lại ký cam kết tuân thủ nghiêm quy định. Hiện tại, việc kiểm tra tàu xuất bến được thực hiện rất chặt chẽ. Các trường hợp thuyền trưởng vi phạm nồng độ cồn, tàu thuyền chở quá số người quy định, phương tiện hết đăng kiểm..., cảnh sát đường thủy xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Lực lượng chức năng cũng quán triệt với các chủ phương tiện và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận chuyển khách khi xuất hiện giông, lốc trên biển tuyệt đối không được đưa tàu thuyền ra khơi.

Chủ động ứng phó với thời tiết xấu

Nhằm đảm bảo an toàn cho các tour du lịch biển đảo, Cảng vụ Bến thủy nội địa (thuộc Sở Xây dựng Khánh Hòa) đã lập nhóm trên mạng xã hội zalo với sự tham gia của BQL vịnh Nha Trang, Bến tàu Du lịch Nha Trang, các chủ tàu, thuyền trưởng, doanh nghiệp hoạt động trên vịnh để tạo thuận lợi cho công tác quản lý. Hàng ngày, tùy theo thời tiết, Cảng vụ Bến thủy nội địa đều có thông báo về việc cấp phép cho các tàu đi trong vịnh, khuyến cáo về thời gian các tàu đưa khách trở lại bến. Ví dụ, ngày 21/7, từ 7 giờ đến 10 giờ cấp phép cho các tàu đi xa nhất đến khu vực Hòn Mun, Đầm Bấy, Bích Đầm; từ 10 giờ đến 14 giờ 30 cấp phép cho tàu đi xa nhất đến Hòn Tằm và khuyến cáo các tàu rời bến đưa khách trở lại bờ trước 16 giờ. Ngoài thông báo hằng ngày, khi có diễn biến thời tiết bất thường, các cơ quan chức năng cũng thông báo nhanh trên nhóm; khi gặp sự cố, các chủ phương tiện cũng có thể gửi nhanh vào nhóm để nhờ hỗ trợ…

Hành khách mặc áo phao lên tàu tham quan vịnh Nha Trang

Ông Trần Văn Phú - Trưởng phòng quản lý Bến tàu Du lịch Nha Trang cho biết, xuất phát từ nhu cầu thực tế, năm 2024, BQL vịnh Nha Trang đã xây dựng mô hình dự báo khí tượng thủy văn chi tiết vịnh Nha Trang hằng giờ và dự báo trong 3 ngày tới nhằm phục vụ hoạt động du lịch và các hoạt động khác trong vịnh ổn định, an toàn. Qua thời gian áp dụng, mô hình này đã phát huy hiệu quả, giúp cơ quan quản lý chủ động hơn trong việc cấp phép phương tiện, các doanh nghiệp lữ hành và chủ phương tiện vận tải khách cũng nắm bắt diễn biến thời tiết để lên kế hoạch hoạt động. Tuy nhiên, do kinh phí không đủ để chi trả cho hợp đồng dịch vụ cung cấp mô hình này nên BQL vịnh Nha Trang đã tạm dừng từ ngày 31/12/2024. Sắp tới đây, BQL vịnh Nha Trang tiếp tục vận động để duy trì mô hình dự báo khí tượng thủy văn chi tiết nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động du lịch, nuôi trồng thủy sản… trên vịnh Nha Trang.

Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên vịnh Nha Trang cũng đều có ý thức về việc đảm bảo an toàn cho du khách. Ông Hồ Văn Tín - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Nha Trang cho biết, trên các tàu, ca nô chở khách du lịch trên vịnh Nha Trang đều có áo phao cho khách mặc để đề phòng sự cố; các tàu cũng thiết kế hở nên khi có sự cố du khách dễ thoát ra ngoài. Ông Phạm Hà - Chủ tịch Lux Group (chủ đầu tư tàu Emperor đang hoạt động trên vịnh Nha Trang) cũng cho biết, du thuyền đảm bảo tiêu chuẩn an toàn. Ngoài áo phao, trên tàu còn có các phao cứu sinh tập thể. Tuy vậy, ông Phạm Hà cũng cho rằng không thể chủ quan, bởi trên thực tế, vịnh Nha Trang cũng từng xảy ra sự cố nghiêm trọng. Cụ thể: Chiều 27/12/2018, một ca nô chở đoàn khách Trung Quốc khi trở về gần đảo Trí Nguyên đã bị lật do gặp sóng lớn và vướng dây neo. Dù được ứng cứu kịp thời, sự cố này vẫn khiến 2 người tử vong. Để đảm bảo an toàn cho hoạt động du lịch không chỉ cơ quan quản lý mà các doanh nghiệp cũng cần nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật, chủ động nắm bắt diễn biến thời tiết. Về lâu dài, để hoạt động du lịch biển đảo phát triển bền vững, cần có dự báo thời tiết thực ở khu vực vịnh Nha Trang theo mô hình BQL vịnh Nha Trang đã làm trước đây.

Sáng 21/7, Đội Cảnh sát đường thủy số 1 đã ra quân kiểm tra đột xuất các trường hợp tàu, thuyền đón, trả khách tham quan các đảo trên vịnh Nha Trang. Tổ công tác đã kiểm tra hành chính đột xuất một số tàu chuẩn bị xuất bến; yêu cầu xuất trình giấy đăng kiểm tàu, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng, sổ danh bạ thuyền viên; danh sách hành khách... Qua kiểm tra, hầu hết các tàu vận tải khách du lịch đã thực hiện khá tốt các quy định, tuy nhiên một số tàu không trang bị bình chữa cháy, không đủ thuyền viên. Tổ công tác đã yêu cầu các tàu trở lại bến để bổ sung nhân lực, phương tiện kỹ thuật theo quy định. Tổ công tác cũng đã lập biên bản xử phạt 1 thuyền trưởng vì lỗi "không có bảng phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng chức danh trên phương tiện", với mức phạt 750.000 đồng.

Nguồn: Báo Khánh Hòa

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)