Trên công trường xây dựng nhà máy lọc dầu Dung Quất: Ðặt lên hàng đầu chất lượng và tiến độ công trình

Thứ năm, 03/04/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Với hàng loạt hạng mục công trình kỳ vĩ như đê chắn sóng dài 1.567 m, cao 10 m so với mặt nước biển sử dụng đến hơn 1,5 triệu m3 đá cấp phối các loại, vóc dáng nhà máy lọc dầu Dung Quất đang hình thành tạo nên nét đường bệ lạ thường.

Thi công trên cảng xuất của nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Hơn 8.500 cán bộ quản lý, điều hành, kỹ sư, công nhân đã hội tụ về đây đang cùng với các chuyên gia nước ngoài, để "tăng tốc" xây lắp hoàn thiện đồng bộ những hạng mục cuối cùng của công trình để ngày 25-2-2009 nhà máy sẽ cho ra các loại sản phẩm xăng, dầu phục vụ nhu cầu của đất nước.

Phó Trưởng ban quản lý công trình Nhà máy lọc dầu Dung Quất Trần Minh Ngọc cho biết: Ðến hết tháng 3-2008 này, công trình Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã trải qua 33 tháng thi công. Tổng thể tiến độ các hợp đồng EPC số 1 + 4 và 2 + 3 do Tổ hợp nhà thầu Technip thực hiện đã đạt khoảng 90% so với 97% kế hoạch ban đầu 44 tháng.

Tổ hợp nhà thầu đã hoàn thành thiết kế, cơ bản hoàn thành công tác đặt hàng và bàn giao thiết bị đến công trường, đang tiếp tục giám sát quá trình chế tạo các thiết bị, vật tư còn lại. Nhà thầu chính và các nhà thầu phụ đã cơ bản hoàn thành xây dựng, đang triển khai lắp đặt hệ thống ống công nghệ, điện, thiết bị tự động hóa trên toàn bộ các hạng mục công trình.

Các chuyên gia, kỹ sư và công nhân nhà thầu quốc tế và trong nước đã lắp đặt chính xác và an toàn tám thiết bị siêu trường, siêu trọng và 25 thiết bị quan trọng nhất. Trong đó có thiết bị T2103, tháp tách propan - propylen tại phân xưởng thu hồi propylen, nặng 407 tấn, có đường kính tới 8,3 m, dài 81,3 m do Công ty KNMA của Malaysia chế tạo và cung cấp; lò phản ứng nặng 575 tấn... Ðây là một trong những thiết bị quan trọng nhất của nhà máy với chức năng phản ứng tạo ra sản phẩm nhiên liệu bay, xăng, dầu hỏa, dầu DO, dầu FO...

Các hệ thống bồn bể chứa dầu thô có dung tích 65 nghìn m3, bồn bể chứa xăng, dầu có đường kính tới 20  m, cao 23 m với trọng lượng đến 640 tấn, bể chứa dầu DO dung tích 30 nghìn m3, bình hình cầu có dung tích 57 nghìn m3 để chứa sản phẩm hóa dầu, bể chứa khí hóa lỏng LPG có dung tích 5.000 m3... do LILAMA chế tạo  và lắp đặt.

Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam Petro Vietnam kiêm trưởng ban quản lý dự án Trương Văn Tuyến khẳng định: Theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến ngày 25-2-2009, Nhà máy chính thức cho ra toàn bộ các sản phẩm như nhiên liệu bay, xăng, dầu hỏa, khí hóa lỏng, dầu DO, dầu FO... đạt tiêu chuẩn kỹ thuật quy định. Thời gian từ nay đến đó chỉ còn 11 tháng. Do đó, chủ đầu tư và tư vấn quản lý dự án đã cùng với tổ hợp nhà thầu lập kế hoạch chi tiết cụ thể, đặt lên hàng đầu nhiệm vụ bảo đảm chất lượng và tiến độ dự án. Quy định rõ người chịu trách nhiệm, mốc thời gian phải hoàn thành và nghiệm thu từng phần việc còn lại để nhà cung cấp thiết bị và các nhà thầu phụ bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ, theo đúng lịch trình đã đề ra.

Theo đó, Tổ hợp nhà thầu Technip khẩn trương đưa nhanh kể cả vận chuyển bằng đường hàng không mọi loại vật tư, thiết bị còn lại đến công trình đúng thời hạn; tăng cường đội ngũ chuyên gia có kinh nghiệm để trực tiếp cùng với các nhà thầu phụ Việt Nam giải quyết kịp thời các vướng mắc, nhất là khâu thiết kế để bảo đảm tiến độ xây lắp; có kế hoạch tối ưu hóa quy trình chạy thử rút ngắn thời gian 24/24 giờ để bảo đảm mục tiêu ra các loại sản phẩm đúng tiến độ, đồng thời có kế hoạch chi tiết chạy thử và tiền chạy thử cho đến khi ra sản phẩm.

Các nhà cung cấp thiết bị cử chuyên gia đến tham gia chạy thử theo đúng lịch trình đã định. Các nhà thầu Việt Nam huy động đủ cán bộ, kỹ sư, công nhân có năng lực cùng với thiết bị kỹ thuật, phương tiện tốt nhất và tăng cường đội ngũ kỹ sư giám sát chất lượng, lập hồ sơ nghiệm thu theo đúng quy trình; đồng thời tổ chức tốt nơi ăn, chốn ở, phương tiện đi lại cho cán bộ, công nhân để anh em làm việc đạt năng suất cao, bảo đảm chất lượng tốt.

Phó Tổng giám đốc LILAMA trực tiếp chỉ đạo các đơn vị thuộc LILAMA đang tham gia thi công các hạng mục công trình Nhà máy lọc dầu Dung Quất Nguyễn Ðình Hải cho biết: LILAMA chịu trách nhiệm lắp đặt 70% số thiết bị cơ khí của công trình, phần lớn công việc lại tập trung vào giai đoạn cuối, 13 công ty thành viên ở khắp cả nước đã về đây tham gia thi công dự án và đến thời điểm này đã huy động 6.500 cán bộ, công nhân có tay nghề cao, giàu kinh nghiệm trong đó có 2.000 thợ hàn bậc cao đã được cấp chứng chỉ quốc tế cùng với nhiều phương tiện thi công hiện đại để đáp ứng tiến độ của công trình trong điều kiện thời gian hết sức hạn hẹp.

Ðáng chú ý, Công ty Cổ phần LILAMA 69-1 tham gia lắp đặt hoàn chỉnh đồng bộ bốn lò hơi cao 15 m, mỗi lò nặng tới 80 tấn chịu áp lực thử 437 kg/cm2, lần đầu hàn thép hợp kim dày tới 70 mm và hệ thống ống ngầm của khu bể chứa sản phẩm với tổng khối lượng 5.800 tấn thiết bị đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao.

Công ty đã cử hơn 700 cán bộ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật bậc cao và có nhiều kinh nghiệm trong đó có 92 thợ hàn bậc cao đã được cấp chứng chỉ quốc tế do Phó Tổng giám đốc Công ty Ngô Quốc Thịnh trực tiếp quản lý, điều hành thi công.

Công ty Cổ phần Xây lắp và Thương mại COMA25 thuộc Tổng công ty Cơ khí Xây dựng COMA đã đưa hơn 50 cán bộ, kỹ sư của 455 công nhân tham gia thực hiện gói thầu EPC7 gồm nhà hành chính, nhà y tế, nhà bảo vệ số 2, nhà ăn và giặt là, trạm cứu hỏa và ga-ra ô-tô, do kỹ sư Bùi Huy Khôi, Giám đốc Xí nghiệp 7, trực tiếp điều hành.

Chủ đầu tư và tư vấn quản lý dự án cũng đã tăng cường đội ngũ giám sát 24/24 giờ, để xử lý kịp thời tại chỗ các vướng mắc nhằm bảo đảm chất lượng và tiến độ thi công; hỗ trợ các nhà thầu về nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật tham gia lắp máy và chạy thử; đồng thời chuẩn bị chu đáo nguồn dầu thô và vật tư cần dùng cho chạy thử; thanh quyết toán kịp thời về mặt tài chính cho các nhà thầu.

Ban quản lý dự án cũng đã tổ chức đào tạo đội ngũ kỹ sư, công nhân kỹ thuật vận hành và bảo dưỡng nhà máy; trong đó có hàng chục kỹ sư tham gia khóa đào tạo chuyên sâu và thực tập vận hành nhà máy lọc dầu tại  Công ty UOP Mỹ và 223 kỹ sư đào tạo thực tập vận hành tại các nhà máy trong nước.

Ðể bảo đảm nguyên liệu cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Petro Vietnam đã chỉ đạo Tổng công ty Thương mại dầu khí PETECHIM, Tổng công ty Cổ phần Vận tải dầu khí PVTrans, Tổng công ty Cổ phần dịch vụ kỹ thuật dầu khí PTSC... bảo đảm nguồn cung cấp dầu thô, hóa chất và phụ gia phù hợp cấu trình và công nghệ DQR, phù hợp kế hoạch vận hành của nhà máy theo giá thị trường, bảo đảm nguồn cung ổn định, dài hạn đem lại hiệu quả kinh tế cao và tiến hành phân phối sản phẩm sau khi nhà máy chính thức hoạt động.


Theo Báo Nhân dân
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)