Nét nổi bật trong quá trình phát triển đô thị Hải Phòng là không gian ngày càng được mở rộng theo hướng hiện đại, đồng thời giữ được bản sắc đặc trưng của thành phố cảng biển. Đây cũng là định hướng xuyên suốt trong các đồ án quy hoạch trọng điểm như: Quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 - hiện đang được thành phố khẩn trương triển khai nhằm tạo thế và lực mới để Hải Phòng bứt phá mạnh mẽ trong thời kỳ phát triển mới.

Khu đô thị mới hiện đại hình thành tại khu vực ven sông Lạch Tray
Kiến tạo không gian đô thị mới theo 3 hướng đột phá
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thành Hưng, với vai trò trung tâm công nghiệp, cảng biển lớn nhất miền Bắc và là đô thị loại đặc biệt, thành phố Hải Phòng luôn duy trì đà tăng trưởng cao, đặc biệt sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về phát triển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thành phố đang từng bước khẳng định vai trò là động lực phát triển kinh tế – xã hội của vùng Bắc bộ và cả nước. Trong thực hiện các mục tiêu phát triển, thành phố tập trung triển khai nhiều giải pháp đột phá mở rộng không gian, hiện đại hóa đô thị mang bản sắc đặc trưng riêng của thành phố cảng biển với 3 hướng: Bắc, Đông và Đông Nam.
Theo hướng Bắc về phía Bắc sông Cấm, thành phố tập trung đầu tư hạ tầng bảo đảm các điều kiện hình thành trung tâm đô thị mới với điểm nhấn là Khu đô thị Bắc sông Cấm. Đây sẽ là khu đô thị kiểu mẫu, xanh, văn minh với đầy đủ các chức năng: trung tâm hành chính - chính trị; trung tâm tài chính, dịch vụ, thương mại; trung tâm văn hóa; trung tâm công viên, cây xanh sinh thái; khu nhà ở có chất lượng sống cao và là khu vực trọng yếu về quốc phòng an ninh. Khu đô thị này cùng với Khu vui chơi giải trí, nhà ở và công viên sinh thái đảo Vũ Yên do Tập đoàn Vingroup đầu tư tạo nên một khu vực năng động và hiện đại, cực tăng trưởng phía Bắc.
Hướng Đông phát triển đô thị dịch vụ Cát Hải, công nghiệp, cảng biển và dịch vụ hàng hải quốc tế. Cảng cửa ngõ Lạch Huyện và Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải. Một khu đô thị mới hứa hẹn hình thành khi các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân quy mô lớn do Tập đoàn Vingroup, Công ty TNHH Pegatron Việt Nam đầu tư tại quận Hải An đang được khẩn trương thi công…
Vươn dài về phía Đông Nam thành phố là khu đô thị đa chức năng mới, hiện đại, kết nối với khu vực nội đô lịch sử bằng hành lang giao thông tốc độ nhanh (đường Phạm Văn Đồng, đường Lạch Tray) đang hình thành. Tại quận Dương Kinh, Đồ Sơn, hàng loạt dự án phát triển đô thị, du lịch của Tập đoàn Him Lam, Geleximco, BRG với các dự án Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng, khu đô thị và sân golf 18 lỗ, Khu đô thị mới Vinhomes Dương Kinh- Kiến Thụy đã và đang thành hình. Đây cũng là khu vực phát triển nối tiếp với chuỗi đô thị phía Nam, trong đó có Khu đô thị ven sông Lạch Tray và nhiều dự án khách sạn, giáo dục, y tế hiện đại như AEON Mall, Khách sạn CHUO, Bệnh viện Vinmec, Hoang Huy Commerce, Trường Quốc tế Singapore…, góp phần giảm áp lực cho khu vực nội đô cũ.
Phát huy lợi thế “mặt tiền biển Đông”
Cùng với mở rộng không gian đô thị, định hướng đô thị hướng sông, bám biển là nét nổi bật trong phát triển đô thị Hải Phòng được Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đề cập đến. Trong đó, phát triển đô thị với 3 hướng đột phá được lựa chọn cũng là 3 hướng chính ra biển và men theo các dòng sông. Cụ thể, lấn biển để mở rộng diện tích, tạo không gian phát triển đang được thành phố đẩy mạnh thực hiện với định hình phát triển hệ thống cảng biển tại Lạch Huyện, cảng Nam Đồ Sơn, Khu kinh tế ven biển phía Nam (Tiên Lãng)… Trong đó, khu vực phát triển phía Đông (huyện Cát Hải) phát triển đô thị, cảng biển và dịch vụ hàng hải quốc tế. Về phía Đông Nam hình thành khu trung tâm thương mại - dịch vụ, Khu kinh tế phía Nam với khu cảng - công nghiệp Đồ Sơn, phát triển các khu công nghiệp sinh thái ven biển gắn với trung tâm dịch vụ hàng hải quốc tế. Từ đây, góp phần chuyển dịch mạnh mẽ nền kinh tế thành phố từ công nghiệp - dịch vụ truyền thống sang kinh tế tri thức, kinh tế xanh, góp phần xây dựng và phát triển đô thị Hải Phòng hiện đại, xanh và thông minh.
Ngày 4/12/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1511/QĐ-TTg thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng. Trong những năm tới, Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng sẽ là trọng điểm phát triển thành trung tâm công nghiệp, logistics, cảng biển và du lịch cao cấp trên diện tích 20.000 ha, trong đó có gần 3.000 ha đất lấn biển. Đây là một bước đi chiến lược để khai thác tối đa lợi thế của vị trí cửa ngõ quốc tế và nền tảng công nghiệp sẵn có của thành phố. Cùng với đó, hoạt động lấn biển tiếp tục được đẩy mạnh tại các khu vực như: Đồ Sơn, Cát Bà. Đây không chỉ là giải pháp để mở rộng quỹ đất, mà còn giúp phát triển các khu đô thị, nghỉ dưỡng cao cấp gắn liền với bảo tồn môi trường sinh thái và di sản thiên nhiên; cùng với đó là phát triển du lịch, đô thị, dịch vụ.
Theo Sở Xây dựng, thành phố đang tiến hành điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 tại khu vực Đồ Sơn - Cát Bà theo hướng lấn biển tạo thêm không gian, quỹ đất khoảng 290 ha tại Đồ Sơn và 25 ha tại khu vực Xuân Đám - Cát Bà để thu hút đầu tư, phát triển du lịch, đô thị và dịch vụ thương mại. Trên cơ sở quỹ đất lấn biển, thành phố sẽ thu hút đầu tư các dự án tại các Khu du lịch Đồ Sơn và Cát Bà có giá trị gia tăng cao, xây dựng các công trình hiện đại, tầm cỡ quốc tế, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả tài nguyên, thu hút du khách… Và như thế, lấn biển với Hải Phòng không chỉ là mở rộng diện tích, không gian đô thị mà tận dụng nguồn lợi “mặt tiền biển Đông” để phát triển nhanh, bền vững.