Lực lượng chức năng dọn dẹp cây xanh gẫy đổ sau cơn bão số 3 - Ảnh: VGP/Thùy Chi
Chiều 8/9, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành văn bản hỏa tốc về việc triển khai các biện pháp khắc phục, giải tỏa cây đổ, cành gãy trên địa bàn sau cơn bão số 3.
Theo đó, lãnh đạo Hà Nội giao Sở Xây dựng Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các đơn vị chức năng, UBND các phường xã, thị trấn phối hợp cùng các đơn vị quản lý cây xanh tập trung toàn bộ nhân lực, trang thiết bị để triển khai giải tỏa cây đổ, cành gãy, đảm bảo an toàn giao thông.
Trước mắt phải thực hiện trên các tuyến đường, tuyến phố chính trên địa bàn thành phố xong trước ngày 12/9/2024. Sau đó tiếp tục xử lý thu dọn cây đổ, cành gẫy, dựng lại cây, trồng thay thế, dọn vệ sinh, thu hồi gỗ, củi theo quy định.
Đặc biệt, ông Trần Sỹ Thanh lưu ý, đối với các cây xanh cần bảo tồn, các cây quý hiếm, có giá trị bị nghiêng đổ, cần kiểm tra, đánh giá để chống dựng, trồng lại ngay đảm bảo cây tiếp tục sinh trưởng, phát triển hoặc di chuyển về vườn ươm chăm sóc, trồng lại vào các vị trí phù hợp. Hoàn thành trước ngày 15/9/2024.
Đối với các cây xanh đô thị có đường kính nhỏ dưới 25cm bị gẫy đổ cần thực hiện cắt cành, tán, bảo đảm cân đối phù hợp để trồng lại tại chỗ và chăm sóc theo quy định. Hoàn thành trước ngày 20/9/2024.
Việc thu hồi gỗ, củi đối với những cây gãy, đổ về địa điểm tập kết xong trước ngày 20/9/2024 và thực hiện thủ tục thanh lý theo quy định.
Lãnh đạo TP. Hà Nội yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp với Sở Xây dựng Hà Nội thống nhất vị trí đào vỉa hè trồng lại và trồng thay thế, bổ sung cây xanh trên vỉa hè do các UBND quận, huyện, thị xã quản lý để bảo đảm chất lượng kỹ thuật. Thời gian thống nhất vị trí trước ngày 30/9/2024.
Trong thời gian giải tỏa cây gãy đổ, UBND TP. Hà Nội giao Sở Giao thông Vận tải, Công an thành phố phối hợp với Sở Xây dựng Hà Nội và các địa phương bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, tránh ùn tắc giao thông.
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường đôn đốc UBND các quận, huyện, thị xã, chỉ đạo các đơn vị duy trì vệ sinh môi trường, tập trung lực lượng thu dọn cành lá, cành cây, vệ sinh môi trường, bảo đảm mỹ quan đô thị.
Giao Sở Xây dựng Hà Nội chủ trì, phối hợp với các đơn vị xây dựng kế hoạch trồng lại, trồng bổ sung cây xanh đô thị bị gãy, đổ không thể khắc phục, bảo đảm chủng loại, kích thước phù hợp, bảo đảm kỹ thuật, chất lượng trồng và chăm sóc hợp lý; đồng thời, chủ động theo dõi, đôn đốc thực hiện, tổng hợp báo cáo UBND Thành phố kết quả thực hiện trước ngày 20/9/2024.
Nỗ lực khôi phục, giữ tối đa có thể những cây gẫy đổ
Đề cập đến vấn đề làm sao để giữ gìn, khôi phục lại cây xanh đã bị đổ, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, Sở đang chỉ đạo khẩn các bộ phận chuyên môn thống kê sớm, đồng thời chuẩn bị có phương án tổng thể, với các giải pháp hữu hiệu để khôi phục lại những cây đã đổ, gãy cành với hy vọng giữ được tối đa có thể.
Ông Võ Nguyên Phong cho biết thêm, đối với cây đổ, bật gốc các đơn vị sẽ cắt tỉa cành, dựng lên hoặc mang về nơi dâm ủ, dùng thuốc kích rễ cây để phục hồi. Đặc biệt, những cây quý, cây cố thụ sẽ cố gắng hết sức để bảo vệ. Khó khăn gặp phải là các lực lượng đồng thời phải cưa cắt cây, vừa vận chuyển hoặc dựng cây để kịp thời giải phóng đường giao thông.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, thực tế rằng, nhiều cây hoa đẹp nhưng lại giòn, dễ đổ gãy như cây bằng lăng, phượng, muồng. Những cây này cũng có thể mang về dâm ủ khôi phục và sẽ tận dụng tối đa để đưa vào trồng tại các công viên, vườn hoa vừa tạo cảnh quan đẹp và có bóng mát.
Ông Nguyễn Đức Mạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, đơn vị này sẽ cố gắng giữ tối đa cây xanh để trồng lại nhưng trên tinh thần các cây này phải bảo đảm đủ các tiêu chuẩn và an toàn.
Ông Lê Huy Cường, Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp Việt Nam cho biết, hiện nay, ở các đô thị do sự phát triển quá nhanh nên hệ thống cây xanh đang bị đe dọa nghiêm trọng do vấn đề đô thị hóa, công tác quy hoạch không đồng bộ.
Nhiều cây có tuổi đời rất cao, sau này do đô thị phát triển sau, đường sá, nhà cửa bắt đầu xây dựng đào bới xuống lòng đất, khi vướng rễ cây họ cắt bỏ, dẫn đến hệ rễ các cây bị xâm hại nguyên trọng, các rễ non sau này mọc ra không còn nhiều khả năng phát triển và bám đất vì vướng các công trình ngầm. Do đó, rễ cây chỉ ăn luẩn quẩn trong diện tích đó, giống như cây đang trồng ở trong một cái chậu. Chính sự xâm hại nghiêm trọng đến hệ rễ của cây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cây bị đổ khi gặp thời tiết xấu.
Theo chuyên gia, việc trồng lại cây gãy đổ không khó, nhưng để bảo đảm an toàn, đặc biệt với những cây cổ thụ, cần được cắt tỉa chăm sóc lại trước khi trồng lại. Trước khi trồng cần phải quy hoạch diện tích trồng, bảo đảm cây có không gian để phát triển hệ rễ, chọn đúng chủng loại cây trồng và có kế hoạch chăm sóc hợp lý.