Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam năm 2024 với chủ đề “Phát triển công trình xanh: Chuyển biến từ chính sách đến hành động” do Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức sẽ diễn ra vào đầu tháng 10/2024.
Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo ứng dụng và chuyển giao công nghệ xây dựng xanh Việt Nam
Đây là sự kiện được Bộ Xây dựng tổ chức thường niên từ năm 2020 nhằm triển khai thực hiện nhiệm vụ tại Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (Theo Quyết định 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ), các chiến lược, chương trình, kế hoạch về tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển đô thị bền vững; đồng thời tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức của các bên liên quan về lợi ích của việc phát triển công trình xanh, đô thị xanh, cũng như thể hiện nỗ lực của ngành Xây dựng trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả góp phần vào giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và hướng tới phát triển bền vững của Việt Nam.
Tiếp nối thành công qua 3 lần tổ chức sự kiện (vào các năm 2020, 2022, 2023), Tuần lễ Công trình xanh năm 2024 sẽ tập trung thảo luận các chính sách mới trong lĩnh vực phát triển công trình xanh tại Việt Nam; Chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng và phát triển công trình xanh, thông minh, ứng phó với biến đổi khí hậu, thích ứng cao với công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Thông qua đó, sẽ tập hợp ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp trong lĩnh vực phát triển công trình xanh trong nước và quốc tế để đề xuất các cơ chế, giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển công trình xanh, đô thị xanh, sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm và hiệu quả, giảm phát thải trong lĩnh vực xây dựng.
Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam năm 2024 diễn ra nhiều sự kiện, trong đó có 1 phiên toàn thể, 4 hội thảo chuyên đề và 1 triển lãm các sản phẩm, công trình xanh trong lĩnh vực xây dựng như: vật liệu xanh, sinh thái, tiết kiệm năng lượng; giới thiệu các nhà đầu tư, doanh nghiệp; giới thiệu công nghệ xây dựng, mô hình quản lý dự án xanh…
Trong khuôn khổ sự kiện còn có hoạt động vinh danh các tổ chức, cá nhân có đóng góp cho phát triển xanh; trao chứng nhận công trình xanh; trao giải cuộc thi kiến trúc xanh sinh viên; giải báo chí viết về công trình xanh. Với các sự kiện phong phú trên, dự kiến thu hút trên 1.000 đại biểu đến từ các Bộ, ngành, chính quyền đô thị, các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Nằm trong chuỗi các hoạt động bên lề sự kiện Tuần lễ Công trình xanh năm 2024, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với UBND Thành phố Hà Nội tổ chức Diễn đàn “Chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp phát triển công trình xanh tại Việt Nam” với sự tham dự của lãnh đạo Bộ Xây dựng và lãnh đạo UBND TP. Hà Nội, các tổ chức trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp tham gia tư vấn, đầu tư xây dựng, quản lý vận hành các công trình xanh.
Đặc biệt Phiên toàn thể sẽ hướng vào chủ đề: “Phát triển công trình xanh: chuyển biến từ chính sách đến hành động” với sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế, bao gồm các viện nghiên cứu, trường đại học, các hội, hiệp hội nghề nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các ngân hàng, tổ chức tín dụng, doanh nghiệp sản xuất, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, thiết kế, thi công xây dựng, quản lý vận hành các công trình, dự án xây dựng xanh… Các bên sẽ cùng nhau đưa ra dự báo, định hướng và những giải pháp về chính sách nhằm thúc đẩy phát triển công trình xanh tại Việt Nam; Các phiên hội thảo chuyên đề tập trung vào chủ để phát triển nhà ở, bất động sản, vật liệu mới theo hướng xanh, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, phát triển bền vững; quy hoạch, quản lý đô thị và hạ tầng xanh.
Trong khuôn khổ Tuần lễ Công trình xanh cũng sẽ có Giải chạy Công trình xanh Việt Nam năm 2024 lần thứ nhất với quy mô 300 vận động viên tham gia. Ngoài ra, cuộc thi viết tác phẩm báo chí về “Phát triển công trình xanh” do Báo Xây dựng tổ chức nhằm tôn vinh công trình xây dựng phù hợp với điều kiện thiên nhiên và khí hậu Việt Nam; sử dụng tài nguyên năng lượng, tài nguyên nước tiết kiệm và có hiệu quả; thúc đẩy sử dụng vật liệu xanh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường và vật liệu địa phương, vật liệu tái sinh, tái chế; giảm thiểu các tác động xấu đối với môi trường xung quanh và đảm bảo chất lượng môi trường sống tốt nhất cho người sử dụng công trình; quản lý công trình “thông minh”.