Nguồn cung bất động sản trên địa bàn Thủ đô còn vẫn khan hiếm
Thời gian qua, mặc dù TP. Hà Nội đã rất nỗ lực trong công tác phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, công tác này vẫn gặp nhiều khó khăn vướng mắc.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, hiện nay nguồn cung bất động sản trên địa bàn Thủ đô còn tương đối khan hiếm, nguồn cung không đáp ứng đủ cho nguồn cầu, do sản phẩm bất động sản nhà ở mới được chào bán chủ yếu là các dự án đã được phê duyệt từ giai đoạn trước.
Trong giai đoạn 2015-2023, tốc độ tăng trưởng của hoạt động kinh doanh bất động sản trên địa bàn Hà Nội bình quân đạt khoảng 3,16%/năm. Lượng giao dịch trên thị trường chủ yếu vẫn từ các dự án nhà ở căn hộ trung và cao cấp. Ảnh: VGP/Thùy Chi
Đặc biệt, Quy hoạch bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn của người dân. Các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc nhà ở xã hội tại các khu nhà ở xã hội tập trung rất thấp so với quy mô các dự án do bị khống chế về dân số.
Mặt khác, việc triển khai các dự án nhà ở công nhân còn chậm do cơ chế, chính sách ưu đãi chưa thực sự hấp dẫn, chưa thu hút doanh nghiệp và người dân tham gia đầu tư; trình tự, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu mất nhiều thời gian…
Trong giai đoạn 2015-2023, tốc độ tăng trưởng của hoạt động kinh doanh bất động sản trên địa bàn Hà Nội bình quân đạt khoảng 3,16%/năm. Lượng giao dịch trên thị trường chủ yếu vẫn từ các dự án nhà ở căn hộ trung và cao cấp, tập trung tại khu vực gần trung tâm, giao thông thuận tiện, đa dạng về tiện ích, thiết kế căn hộ linh hoạt, có tiến độ thanh toán hợp lý, chủ đầu tư có uy tín và có tiềm năng tăng giá trong tương lai.
Cụ thể, ở giai đoạn trên có khoảng 466 dự án đã hoàn thành với khoảng 29,3 triệu m2 sàn; 598 dự án đang triển khai, tương đương khoảng 106,6 triệu m2 sàn. Trong số đó có 30 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành với khoảng 1,66 triệu m2 sàn; 58 dự án đang triển khai với khoảng 4 triệu m2 sàn, 60.480 căn hộ và có 83 ô đất có tổng quy mô sử dụng đất khoảng 43,58ha tại 48 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành quỹ đất 20%, 25% để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, giai đoạn từ 2021 - 2023, trên địa bàn thành phố Hà Nội chỉ có 5 dự án nhà ở xã hội hoàn thành, 2 dự án hoàn thành một phần với khoảng 0,41 triệu m2 sàn, tương đương 5.200 căn hộ (bao gồm 1 dự án xây dựng nhà ở công nhân hoàn thành với 0,13 triệu m2 sàn, 1.170 căn hộ). Có 54 dự án đang triển khai với khoảng 3,1 triệu m2 sàn, tương đương 46.700 căn hộ.
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, quá trình triển khai thực hiện công tác xây dựng nhà ở xã hội có một số khó khăn, vướng mắc như: Việc lựa chọn chủ đầu tư dự án theo quy định của pháp luật về đấu thầu mất nhiều thời gian; quy định về thủ tục mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội chưa rõ ràng…Vì thế, UBND Thành phố đã kiến nghị và được Bộ Xây dựng tiếp thu trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở và các Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ Xây dựng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, đất đai, nhằm đẩy mạnh công tác đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Đồng thời, đề xuất các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Đối với việc xác định đúng đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, công tác xét duyệt thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư dự án. Hiện chủ đầu tư đã cam kết thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. UBND thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Quyết định số 25/2019/QĐ-UBND về quản lý bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn.
Trong đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, UBND cấp quận, huyện, thị xã - nơi có dự án thực hiện kiểm tra, nhằm loại trừ việc người được mua, thuê nhà ở xã hội được hỗ trợ nhiều lần, không đúng đối tượng, không đủ điều kiện được hưởng chính sách thuê, mua nhà ở xã hội. Cùng với đó, thực hiện đăng tải công khai thông tin các dự án, danh sách các đối tượng được mua, thuê nhà ở xã hội.
Đối với công nhân các khu công nghiệp sẽ được vay vốn ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Thời gian vay và trả tiền sẽ thực hiện theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội. Như vậy, có thể bảo đảm đúng đối tượng. Còn thời gian trả tiền vay, tiền lãi cũng sẽ thực hiện theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Đẩy mạnh công tác đầu tư xây dựng nhà ở xã hội
Trước những vấn đề còn tồn tại trong quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, thành phố Hà Nội đề nghị các bộ, ngành trong quá trình xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản…, có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện chuyển tiếp đối với trường hợp các dự án đã được thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư phục vụ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trên cơ sở Quy hoạch phân khu đô thị tỉ lệ 1/5.000.
Thành phố Hà Nội cũng đã kiến nghị ban hành quy định riêng rút ngắn trình tự, thủ tục, thời gian lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu dự án xây dựng nhà ở xã hội. Đồng thời, ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi nhà ở xã hội đối với chủ đầu tư, người dân và đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội cho thuê đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Để đáp ứng chỉ tiêu được giao tại Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" của Chính phủ và triển khai đầu tư nhà ở xã hội sau năm 2030, UBND thành phố Hà Nội đã tập trung chỉ đạo lập, phê duyệt chủ trương đầu tư 4 dự án khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) với khoảng 1 triệu m2 sàn, làm cơ sở để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, Hà Nội đã rà soát, bổ sung khoảng 15 khu đất mới có quy mô lớn để đầu tư xây dựng các dự án khu nhà ở xã hội tập trung, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội (khoảng 2.000 căn hộ); trong đó, tập trung bố trí 2-3 khu đất xây dựng nhà ở công nhân tại khu vực gần các khu công nghiệp.
Để tháo gỡ vướng mắc trong công tác phát triển nhà ở xã hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, đề nghị thành phố Hà Nội khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành được giao trong các Luật. Cùng với đó, tập trung thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, Luật Thủ đô (sửa đổi); hoàn thiện 2 nhiệm vụ quy hoạch của Thủ đô nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý.
Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Quân, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho rằng, cần thí điểm một số nội dung trong Luật liên quan đến sử dụng quỹ đất, chuyển mục đích sử dụng đất và xử lý các vi phạm trong xây dựng nhà ở xã hội…
Giám đốc Công ty Đầu tư xây dựng số 2 - Hacinco thuộc Tổng Công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội Nguyễn Văn Thanh, đề nghị rút gọn các quy trình thủ tục đầu tư để đẩy nhanh tiến độ dự án nhà ở xã hội, giúp giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, không để lãng phí quỹ đất sạch, đồng thời bình ổn thị trường nhà ở trên địa bàn…
Từ ngày 1/8, Luật Nhà ở (sửa đổi) số 27/2023/QH15 chính thức có hiệu lực, sẽ giúp công nhân lao động nghèo dễ dàng hơn trong việc tiếp cận nhà ở xã hội. Theo đó, luật mới bổ sung thêm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội và một số chính sách giúp người dân dễ dàng hơn trong việc tiếp cận nhà ở xã hội.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho biết, luật mới có hiệu lực sẽ có nhiều điểm mới khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, điều này sẽ khiến cho mặt bằng giá căn hộ sẽ xuống mức phù hợp hơn với người dân có nhu cầu ở thực. Khi Luật Nhà ở đi vào cuộc sống sẽ tháo gỡ được cơ bản những vướng mắc trong đấu thầu, đấu giá… Cùng với đó, đối tượng mua nhà cũng được mở rộng cả. Ngoài ra, việc nới lỏng thu nhập, không giới hạn nơi cư trú đã gỡ được nút thắt cho doanh nghiệp và người mua nhà.
Tuy nhiên, theo ông Điệp, đối với Luật Kinh doanh Bất động sản, liên quan đến nhiều đối tượng, vì vậy cần phải điều chỉnh phù hợp với thực tế, người mua và chủ đầu tư nếu trong quá trình triển khai thấy chưa phù hợp.
Cũng theo ông Điệp, hiện nay giá bán chung cư vẫn đang cao do nguồn cung chưa được cải thiện. Vì vậy, sự phát triển của nhà ở xã hột với giá rẻ sẽ giúp giá bán trung bình của căn hộ chung cư đi xuống.
Ngoài ra, trong Luật Nhà ở 2023 đã bãi bỏ, Điều 78 quy định về điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội chỉ yêu cầu một số điều kiện về nhà ở và thu nhập. Đây là điểm mở rất quan trọng vì nhà ở xã hội phần lớn dành cho công nhân lao động và từ địa phương khác đến, nên rất khó tiếp cận. Cùng đó, thu nhập tính tổng thu nhập từ tiền công, tiền lương nếu dưới 15 triệu đồng/tháng là đủ điều kiện mua nhà ở xã hội.
Hiện TP. Hà Nội đang tập trung phát triển các dự án nhà ở xã hội, trong đó sẽ tập trung xây dựng 5 khu nhà ở xã hội tập trung với diện tích đất tích tụ lên đến vài trăm hécta. Với việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và những điều khoản riêng về nhà ở xã hội trong Luật sẽ là một bước tiến rất lớn về chính sách nhằm tạo ra những cơ chế vượt trội, tạo sức hút trong quá trình thu hút đầu tư phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới.