Ngày 17/4/2024, tại Thành phố Hải Phòng, Viện Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng phối hợp với Sở Khoa học và công nghệ Hải Phòng và Công ty CP DAP-VINACHEM tổ chức hội thảo Thạch cao phospho - Vật liệu xanh tương lai, nhằm thông tin những kết quả ban đầu của nhiệm vụ nghiên cứu sử dụng các loại bã thải thạch cao phospho làm phụ gia xi măng, làm nền móng đường giao thông và làm vật liệu san lấp.
Viện trưởng Nguyễn Quang Hiệp phát biểu tại hội thảo
Tham dự hội thảo có đại diện Bộ Xây dựng, đại diện Bộ Khoa học và công nghệ, đông đảo nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học các viện nghiên cứu, trường đại học, hội, hiệp hội chuyên ngành xây dựng, lãnh đạo các cơ sở phát thải bã thải gyps và các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng Nguyễn Quang Hiệp cho biết, sự phát triển nhanh chóng của ngành nông nghiệp dẫn đến nhu cầu sử dụng phân bón tại nước ta tăng nhanh trong những năm qua. Với lợi thế về khoáng sản Apatit trong nước, một số nhà máy sản xuất phân bón DAP đã được đầu tư tại Lào Cai và Hải Phòng, giúp Việt Nam chủ động về nguồn phân bón trong nước, giảm dần lượng phân bón nhập khẩu. Tuy nhiên việc sản xuất DAP cũng tạo ra một lượng lớn bã thải gyps, chiếm diện tích đất chứa và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Viện Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng là đơn vị đi đầu tại Việt Nam trong nghiên cứu xử lý, sử dụng bã thải thạch cao phospho, hiện được Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng giao thực hiện nhiệm vụ “Hoàn thiện công nghệ xử lý bã thải thạch cao phospho của nhà máy phân bón DAP - Đình Vũ sản xuất phụ gia xi măng, vật liệu làm nền và móng đường giao thông, vật liệu san lấp công trình xây dựng”, với mục tiêu hoàn thiện công nghệ xử lý bã thải thạch cao phospho theo công nghệ trộn khô, tạo hạt, không phát sinh chất thải thứ cấp, tạo sản phẩm thạch cao phospho đáp ứng các yêu cầu làm phụ gia xi măng, làm nền, móng đường giao thông và làm vật liệu san lấp. Sản phẩm của nhiệm vụ gồm có 2 dự thảo TCVN: Thạch cao phospho làm vật liệu san lấp - Yêu cầu chung và TCVN: Thạch cao phospho làm nền, móng đường giao thông - Yêu cầu chung.
Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ Hải Phòng Trần Quang Tuấn phát biểu tại hội thảo
Tham dự hội thảo, Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ Hải Phòng Trần Quang Tuấn nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc xử lý thạch cao phospho nhằm bảo vệ môi trường, hướng đến chuyển đổi xanh, phát triển bền vững và cho biết, đây chính là cơ sở để Sở Khoa học và công nghệ Hải Phòng tham mưu UBND Thành phố lựa chọn, đặt hàng Viện Vật liệu xây dựng - viện nghiên cứu đầu ngành của Việt Nam thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu hoàn thiện công nghệ xử lý bã thải thạch cao phospho của nhà máy phân bón DAP - Đình Vũ sản xuất phụ gia xi măng, vật liệu làm nền, móng đường giao thông, vật liệu san lấp cho công trình xây dựng.
Nhiệm vụ thành công sẽ tạo ra diện mạo mới cho thành phố Hải Phòng, tạo điều kiện để Thành phố thu hút đầu tư trong nước, quốc tế, đẩy mạnh phát triển, nhất là khi Thành phố đang thực hiện Dự án Khu công nghiệp Nam Đình Vũ, dự kiến kết nối với vành đai Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Trong khi đó, ông Vũ Văn Bằng - Tổng Giám đốc Công ty CP DAP-VINACHEM cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố Hải Phòng, thời gian qua, DAP-VINACHEM đã tích cực phối hợp với các tổ chức khoa học, trong đó có Viện Vật liệu xây dựng nghiên cứu, áp dụng các giải pháp công nghệ hiện đại nhằm tăng cường sản xuất DAP, giảm lượng bã thải gyps trong bãi chứa, hướng đến nền kinh tế tuần hoàn. Hiện nay, DAP-VINACHEM đang nghiên cứu bổ sung dây chuyền rửa bước 2, nhằm tận thu tối đa các dưỡng chất để sản xuất DAP, đồng thời giúp tiết giản nhân công, tiết kiệm chi phí xử lý bã thải gyps làm vật liệu san lấp.
Tại hội thảo, TS. Lưu Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng thông tin một số kết quả ban đầu của nhiệm vụ hoàn thiện công nghệ xử lý bã thải thạch cao phospho của nhà máy phân bón DAP - Đình Vũ sản xuất phụ gia xi măng, vật liệu làm nền, móng đường giao thông, vật liệu san lấp cho công trình xây dựng, do Viện Vật liệu xây dựng phối hợp Công ty DAP-VINACHEM và Công ty CP Định Vũ Xanh triển khai thực hiện. Cụ thể, đến nay, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát, lấy mẫu và đánh giá tính chất bã thạch cao phospho của Nhà máy phân bón DAP-Đình Vũ; thực hiện các phần việc cần thiết trong phòng thí nghiệm để tổng hợp, đánh giá các số liệu, chỉ tiêu đạt được; mua sắm thiết bị tạo hạt ABE Iron work; tổ chức san lấp mặt bằng; thử tải nền…
Sắp tới, nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành các cuộc họp hoàn thiện nội dung các dự thảo TCVN - sản phẩm của nhiệm vụ, đồng thời hoàn tất các phần lắp đặt thiết bị tại vị trí mặt bằng của dây chuyền sản xuất; tổ chức chạy thử nghiệm mẫu vật liệu san lấp, vật liệu làm đường và phụ gia cho sản xuất xi măng. Theo PGS.TS Lưu Thị Hồng, kết quả đạt được từ việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ này là cơ sở quan trọng để các chuyên gia nghiên cứu, đưa ra tiêu chuẩn, chỉ dẫn kỹ thuật, từ đó thực hiện các giải pháp sử dụng nguồn phế thải thạch cao phospho làm nền, móng đường giao thông và hạ tầng đô thị trên phạm vi toàn quốc.
ThS. Trịnh Thị Châm trình bày dự thảo TCVN tại hội thảo
Cũng tại hội thảo, đại diện Viện Vật liệu xây dựng trình bày những nội dung cơ bản của dự thảo TCVN Bã thải thạch cao phospho làm vật liệu san lấp - Yêu cầu chung; dự thảo TCVN Bã thải thạch cao phospho làm nền, móng đường giao thông - Yêu cầu chung, đồng thời ghi nhận, tổng hợp ý kiến góp ý của các nhà quản lý, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp để rà soát, cập nhật, bổ sung và hoàn thiện nội dung 2 dự thảo TCVN.
Kết luận hội thảo, thay mặt lãnh đạo Viện Vật liệu xây dựng và Ban tổ chức, Viện trưởng Nguyễn Quang Hiệp cảm ơn các nhà quản lý, chuyên gia, đại biểu khách mời đã thu xếp thời gian tham dự và chia sẻ nhiều thông tin bổ ích tại hội thảo cũng như có những ý kiến đóng góp quan trọng giúp nhóm nghiên cứu tiếp thu hoàn thiện 2 dự thảo tiêu chuẩn về bã thải thạch cao phospho.
Toàn cảnh hội thảo
Viện trưởng mong muốn thời gian tới, Viện Vật liệu xây dựng tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và công nghệ, UBND Thành phố Hải Phòng, các chuyên gia và đơn vị đối tác trong việc triển khai, thực hiện các nghiên cứu liên quan đến xử lý bã thải gyps nói riêng, phế thải công nghiệp nói chung để làm vật liệu xây dựng, bảo vệ môi trường, hướng đến nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững.