Theo Kế hoạch, giai đoạn 2024-2025 thành phố Hà Nội đầu tư xây mới 17 chợ, trong đó năm 2024 hoàn thành 05 chợ, năm 2025 hoàn thành 12 chợ, đồng thời, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp 21 chợ.
Người dân mua hàng tại chợ truyền thống. (Ảnh: TTXVN)
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 110/KH-UBND thực hiện chỉ tiêu về đầu tư xây dựng, cải tạo chợ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2024-2025 trong Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy.
Kế hoạch nhằm đẩy mạnh công tác đầu tư cải tạo hệ thống chợ thuộc khu vực đô thị trên địa bàn Hà Nội, thực hiện tốt Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy và Kế hoạch số 02-KH/BCĐ của Ban chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị” có hiệu quả thiết thực, phù hợp với định hướng chung phát triển hạ tầng thương mại.
Theo Kế hoạch, giai đoạn 2024-2025 thành phố đầu tư xây mới 17 chợ, trong đó năm 2024 hoàn thành 05 chợ, năm 2025 hoàn thành 12 chợ, đồng thời, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp 21 chợ.
Nội dung thực hiện bao gồm: Tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, tài chính, an ninh trật tự... đối với các chợ trên địa bàn; chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho công dân, làm tốt công tác công khai các thông tin cho nhân dân hiểu, đồng thuận ngay trước, trong và sau khi triển khai các chủ trương, chính sách đối với công tác đầu tư xây dựng cải tạo hệ thống chợ trên địa bàn.
Báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy hiện tại trên địa bàn thành phố có 29 trung tâm thương mại, 135 siêu thị; 453 chợ truyền thống.
Thành phố yêu cầu Ủy ban Nhân dân các quận, 05 huyện và thị xã rà soát lại quỹ đất để bố trí các địa điểm xây dựng chợ theo quy hoạch đã được phê duyệt, tăng cường giải tỏa các tụ điểm kinh doanh tự phát trái quy định trên địa bàn. Rà soát lại toàn bộ kế hoạch sử dụng đất của địa phương giai đoạn 2024-2025 đảm bảo các chợ xây dựng mới đều phải đưa vào kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2024-2025.
Tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận với quỹ đất sạch góp phần giảm kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng, giảm thời gian chuẩn bị đầu tư dự án; Hỗ trợ tháo gỡ khó khăn đối với các chợ còn vướng mắc về đất đai theo quy định.
Hà Nội yêu cầu đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về chợ trên địa bàn của các cấp, các ngành; giải quyết các tồn tại, các khó khăn vướng mắc hiện nay của hệ thống chợ trên địa bàn thành phố thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy.
Đầu tư cải tạo, phát triển hệ thống chợ đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định; đảm bảo thuận lợi cho người dân khi kinh doanh và mua bán tại chợ hướng tới phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu đời sống, sinh hoạt của nhân dân địa phương, không để xẩy ra tình trạng khiếu kiện, mất an ninh trật tự, đảm bảo an toàn thực phẩm, văn minh thương mại.
“Phân công nhiệm vụ rõ ràng, đảm bảo phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành của thành phố, các đơn vị quản lý kinh doanh khai thác chợ, các tiểu thương và người dân trong quá trình thực hiện công tác đầu tư, cải tạo chợ theo đúng tiến độ, kế hoạch được giao,” Kế hoạch của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội nêu rõ.