Ngày 23/2, thông tin từ Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết, đã quyết định phê duyệt Đề án chuyển đổi công năng khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành khu đô thị-thương mại-dịch vụ và cải thiện môi trường. Đây là khu công nghiệp được hình thành từ năm 1963.
Khu công nghiệp Biên Hòa 1 nhìn từ sông Đồng Nai.
Theo quyết định, Đề án sẽ được tách hồ sơ đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư khu đô thị thương mại-dịch vụ Biên Hòa 1 thành 2 hồ sơ với quy mô từng dự án.
Cụ thể, dự án khu vực Trung tâm chính trị-hành chính của tỉnh Đồng Nai với quy mô diện tích khoảng 44ha. Hiện nay, tại khu vực này đang triển khai các dự án Trụ sở Công an tỉnh Đồng Nai với diện tích gần 6ha và Trụ sở Kiểm toán Nhà nước khu vực XIII diện tích 0,5ha.
Đối với dự án khu đô thị dịch vụ Biên Hòa 1 có diện tích hơn 286ha, trong đó có 2 công trình hiện hữu đề xuất giữ lại gồm: Tòa nhà Sonadezi, diện tích khoảng 1,2ha và Trung tâm kỹ thuật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3, diện tích khoảng 2,2ha. Do vậy, khu đô thị dịch vụ Biên Hòa 1 sau khi giảm diện tích 2 khu vực trên còn hơn 283ha.
Mục tiêu của đề án là xây dựng một khu đô thị-dịch vụ-thương mại mới văn minh, hiện đại và phát triển bền vững, tạo bộ mặt mỹ quan đặc trưng cho khu vực nói riêng và thành phố Biên Hòa nói chung. Cải thiện môi trường, hạn chế ô nhiễm môi trường nước của hệ thống sông Đồng Nai.
Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Biên Hòa 1 hoạt động từ hàng chục năm nay.
Về thời gian di dời các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Biên Hòa 1 được chia làm 2 giai đoạn.
Trong đó, giai đoạn 1 hoàn thành trước tháng 12/2024 (các doanh nghiệp nằm trong phần diện tích Khu 1 với khoảng 75,1ha, nằm về phía nam khu công nghiệp Biên Hòa 1, tiếp giáp cầu An Hảo, đường Trần Quốc Toản, đường Lê Văn Duyệt, xa lộ Hà Nội và khu Trung tâm hành chính-chính trị tỉnh.
Giai đoạn 2, hoàn thành trước tháng 12/2025, các doanh nghiệp nằm trong phần diện tích còn lại trong khu công nghiệp Biên Hòa 1.
Khó khăn đặt ra hiện nay là địa điểm dự kiến, số lượng doanh nghiệp di dời, phí thuê đất và phí sử dụng hạ tầng trung bình tại khu công nghiệp Biên Hòa 1 và khu công nghiệp Giang Điền có sự chênh lệch.
Ngoài ra, nhiều vướng mắc liên quan công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, chính sách hỗ trợ di dời và vấn đề liên quan người lao động đang làm việc tại khu công nghiệp Biên Hòa 1 khi thực hiện di dời.
Khu công nghiệp Biên Hòa 1 được hình thành từ năm 1963 với tên gọi khu kỹ nghệ Biên Hòa. Từ sau năm 1975, khu kỹ nghệ Biên Hòa đổi tên thành khu công nghiệp Biên Hòa 1.
Tháng 1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chấp thuận đưa khu công nghiệp Biên Hòa 1 ra khỏi quy hoạch phát triển các khu công nghiệp của nước ta.
Thời điểm hiện tại, có 76 đơn vị đang thuê đất, hạ tầng còn hoạt động tại khu công nghiệp Biên Hòa 1. Theo tính toán, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khi thực hiện đề án là hơn 7.500 tỷ đồng.