Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh, TP. Thái Nguyên có nhiều lợi thế để thúc đẩy công nghiệp phát triển. Khai thác lợi thế này, những năm qua, thành phố đã triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển công nghiệp, góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm cho người lao động và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Cụm công nghiệp Sơn Cẩm 1, xã Sơn Cẩm (TP. Thái Nguyên), có quy mô hơn 70ha, đang được triển khai xây dựng.
TP. Thái Nguyên có vị trí địa lý thuận lợi, như: Nối các tỉnh miền núi phía Bắc với các tỉnh đồng bằng Bắc bộ; có Quốc lộ 3 nối Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Cạn - Cao Bằng; có Quốc lộ 1B đi Lạng Sơn, Quốc lộ 37 đi Bắc Giang, Tuyên Quang… Đây là những yếu tố hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn.
Xác định phát triển công nghiệp là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, thời gian qua, TP. Thái Nguyên đã có những giải pháp, định hướng cụ thể trong lĩnh vực này. Trong đó chú trọng công tác quy hoạch, đẩy mạnh cải cách hành chính, giải phóng mặt bằng, đào tạo nguồn nhân lực…
Trên địa bàn thành phố hiện đã có trên 2.000 doanh nghiệp lớn, nhỏ hoạt động đa dạng ở nhiều lĩnh vực, như: chế biến khoáng sản; xử lý chất thải công nghiệp; sản xuất vật liệu xây dựng; sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử; sản xuất sản phẩm thời trang may mặc…
Một trong những doanh nghiệp có quy mô trên địa bàn TP. Thái Nguyên là Công ty TNHH Glonics Việt Nam (địa chỉ tại phường Phú Xá). Đây là doanh nghiệp 100% vốn FDI từ Hàn Quốc, với sản phẩm chính là linh kiện điện thoại, bản mạch, các thiết bị về âm thanh cho điện thoại thông minh, loa tivi và loa ô tô. Hiện nay, doanh nghiệp đang giải quyết việc làm cho gần 3.200 lao động.
Hay một doanh nghiệp tiêu biểu khác là Công ty TNHH Thang máy - Cơ khí Tân Lập (phường Tân Lập) chuyên cung cấp các dịch vụ tư vấn, lắp đặt, sửa chữa, bảo trì hệ thống tháng máy. Hiện nay, doanh nghiệp đang giải quyết việc làm cho hơn 60 lao động, với mức thu nhập bình quân 10 triệu đồng/người/tháng….
Bình quân mỗi năm, doanh thu của Công ty TNHH Thang máy - Cơ khí Tân Lập đạt trên 60 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho hơn 60 lao động; đóng góp vào ngân sách Nhà nước trên 300 triệu đồng/năm.
Bên cạnh sự lớn mạnh của các doanh nghiệp, để thực hiện mục tiêu phát triển công nghiệp, TP. Thái Nguyên cũng chú trọng quy hoạch, xây dựng các cụm công nghiệp (CCN). Hiện nay, thành phố đã có 4 CCN được quy hoạch, gồm: Sơn Cẩm 1, Sơn Cẩm 2, Sơn Cẩm 3 và Cao Ngạn, với tổng diện tích 210ha. Trong đó, CCN Sơn Cẩm 1 (quy mô trên 70ha) đã thu hút được nhà đầu tư, với số vốn trên 1.300 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Mạnh Linh, Tổng Giám đốc Công ty CP TNG LAND - đại diện chủ đầu tư CCN Sơn Cẩm 1, cho biết: Điểm nhấn của Sơn Cẩm 1 là xây dựng theo mô hình CCN sinh thái, thân thiện với môi trường, ưu tiên thu hút các ngành trong chuỗi cung ứng dệt may, công nghiệp hỗ trợ, chế biến khoáng sản…. Hiện nay, CCN Sơn Cẩm 1 đã thu hút được 5 nhà đầu tư thứ cấp, giải quyết việc làm cho khoảng 2.000 lao động.
Ông Nguyễn Mạnh Linh cũng chia sẻ, mục tiêu của CCN Sơn Cẩm 1 là xây dựng theo mô hình công nghiệp phức hợp công nghiệp xanh - thương mại - dịch vụ. Quỹ đất được phân bổ theo nhiều nhu cầu khác nhau, đó là xây dựng hạ tầng và dịch vụ; cho thuê mặt bằng có hạ tầng; xây dựng cho thuê nhà xưởng. Hiện nay, TP. Thái Nguyên đã giải phóng mặt bằng và bàn giao khoảng 80% quỹ đất, chúng tôi đang triển khai các hạng mục theo kế hoạch đề ra...
Ngoài CCN Sơn Cẩm 1, trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2025, TP. Thái Nguyên quy hoạch mới 3 CCN phía Nam, với tổng diện tích 217ha, cụ thể là: CCN Tích Lương (72ha), CCN Đức Hòa (70ha) và CCN Hòa Bắc (75ha). Đến nay, 3 CCN này đã có các nhà đầu tư quan tâm đăng ký làm chủ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, gồm: Công ty CP Đầu tư và Phát triển Tân Đức; Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG; Công ty CP Đầu tư và Phát triển Quyết Thắng Group. Qua đó, góp phần nâng số CCN trên địa bàn TP. Thái Nguyên lên con số 7, với tổng diện tích trên 420ha.
Có thể khẳng định, được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành, cùng với những nỗ lực của địa phương, lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn TP. Thái Nguyên những năm qua luôn đạt mức tăng trưởng khá, với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 15,4%/năm. Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2023, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi khó khăn chung của nền kinh tế, nhưng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố dự ước vẫn đạt hơn 27.200 tỷ đồng (tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước). Công nghiệp phát triển góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân 7-10 triệu đồng/người/tháng.
Để lĩnh vực công nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và đạt kết quả cao, thời gian tới, TP. Thái Nguyên sẽ đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, tập trung tổ chức quản lý có hiệu quả và hướng dẫn thực hiện đúng các quy hoạch, chương trình, đề án, kế hoạch của tỉnh; thường xuyên rà soát, xây dựng mới các chính sách ưu đãi nhằm thu hút, khuyến khích và hướng dẫn các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp. Bên cạnh đó, thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp; tập trung huy động các nguồn lực đầu tư vào hạ tầng CCN; duy trì quỹ đất sạch tại các CCN có lợi thế phục vụ cho thu hút đầu tư…