Ngày 6/5/2023, Tạp chí Xây dựng phối hợp với Viện Kinh tế xây dựng tổ chức hội thảo trực tuyến “Áp dụng BIM trong công trình hạ tầng giao thông - Thách thức và giải pháp”, với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế, đại diện doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, giao thông.
Toàn cảnh hội thảo trực tuyến
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Thái Bình - Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng nhấn mạnh nhu cầu tìm hiểu BIM trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, nhằm áp dụng hiệu quả BIM trong thiết kế, thi công và quản lý xây dựng các dự án hạ tầng giao thông theo yêu cầu bắt buộc của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, trong bối cảnh nguồn lực của xã hội đang đầu tư rất lớn cho lĩnh vực hạ tầng giao thông, mới chỉ có một vài dự án thí điểm áp dụng nên chưa thể đánh giá đầy đủ hiệu quả của việc áp dụng BIM.
Tham dự hội thảo, TS. Tạ Ngọc Bình - Viện Kinh tế Xây dựng cho biết, mục tiêu của Lộ trình áp dụng BIM đối với chủ đầu tư, tư vấn và nhà thầu là tăng cường quá trình trao đổi thông tin giữa cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, chủ đầu tư, tổ chức tư vấn, nhà thầu thi công xây dựng; nâng cao chất lượng sản phẩm thiết kế; hỗ trợ xây dựng phương án tổ chức thi công, tổ chức và quản lý các nguồn lực trong quá trình xây dựng, kiểm soát chất lượng xây dựng; hỗ trợ quá trình nghiệm thu, phục vụ cho giai đoạn quản lý, vận hành công trình. Đối với cơ quan quản lý nhà nước, BIM là công cụ để hỗ trợ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước (thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, cấp phép xây dựng, quản lý xây dựng, kiểm tra công tác nghiệm thu…).
Theo các chuyên gia, ứng dụng BIM trong thiết kế và quản lý xây dựng cầu trong đô thị có thể giúp tăng cường hiệu quả trong quản lý, tối ưu hóa chi phí và thời gian thi công, đồng thời giảm thiểu sai sót trong quá trình thiết kế và xây dựng. Từ góc nhìn của tăng trưởng xanh trong giao thông vận tải, ứng dụng BIM có thể giúp giảm thiểu tác động của các công trình xây dựng đến môi trường và đô thị, giảm ùn tắc, giảm khí thải, đảm bảo an toàn cho công nhân cũng như người lưu thông trên đường. BIM cũng giúp quản lý việc sử dụng tài nguyên và tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng, giảm lượng chất thải xây dựng sinh ra trong quá trình xây dựng và vận hành công trình.
Ông Noah Arles - Giám đốc Nhóm chuyên gia Kỹ thuật AEC ASEAN, Autodesk phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, ông Noah Arles - Giám đốc Nhóm chuyên gia Kỹ thuật AEC ASEAN, Autodesk nhấn mạnh, dữ liệu được phát triển và cập nhật liên tục trong dự án áp dụng BIM sẽ giúp chủ đầu tư và các bên liên quan kiểm soát được tình trạng dự án và đưa ra những quyết định tốt nhất trong quá trình thực hiện. Minh chứng cho nhận định này là 2 dự án điển hình: Trung tâm vận tải đa phương tiện ở Los Angeles (Mỹ) và cao tốc ở Nauy được đại diện của Autodesk chia sẻ tại Hội thảo cho thấy, lợi ích của việc áp dụng BIM đã hỗ trợ quản lý chất lượng, hạn chế rủi ro, tăng tốc thời gian hoàn thành và đảm bảo ngân sách dự kiến trong việc thực hiện dự án.
Cũng tại hội thảo, ông Lê Quang Thắng - Điều phối BIM công trình hạ tầng Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp BECAMEX IDC cho biết, Becamex đã và đang áp dụng công nghệ BIM vào các khâu thiết kế, thi công, vận hành các công trình dân dụng và hạ tầng giao thông như là một thành tố quan trọng trong kế hoạch phát triển hệ sinh thái đa thành phần, tạo đột phá cho phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bình Dương. Nổi bật là việc áp dụng BIM cho các công trình thương mại dịch vụ, bệnh viện, trường học, văn phòng và dự án giao thông kết nối các Khu công nghiệp, khu đô thị, kết nối Bình Dương với các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước (dự án mở rộng quốc lộ 13, đường ĐT743, đường Mỹ Phước Tân Vạn, Mỹ Phước Bàu Bàng, cao tốc Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành...).
Trên cơ sở những kết quả đúc rút được, ông Lê Quang Thắng khẳng định BIM mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho chủ đầu tư. Ở giai đoạn thiết kế, việc tạo dựng mô hình 3D giúp chủ đầu tư có cái nhìn trực quan rõ ràng công trình hình thành trong tương lai, từ đó yêu cầu đơn vị tư vấn điều chỉnh thiết kế phù hợp một cách nhanh chóng và dễ dàng. Trong giai đoạn thi công, mô hình BIM cung cấp khối lượng của dự án một cách chính xác, từ đó giúp chủ đầu tư kiểm soát được chi phí đầu tư xây dựng của dự án. Trong giai đoạn quản lý vận hành, sử dụng mô hình BIM làm cơ sở tạo ra bản sao kỹ thuật số, từ đó tích hợp vào mô hình thông tin địa lý phục vụ công tác quản lý hạ tầng giao thông nói riêng và tổng thể thành phố thông minh Bình Dương nói chung.
Theo nhận định của các chuyên gia, sự kỳ vọng cùng với quyết tâm của nhà đầu tư trong việc áp dụng BIM một cách cụ thể, hợp lý sẽ mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của ngành Xây dựng, lĩnh vực hạ tầng giao thông.