Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội ở địa chỉ 50 phố Đào Duy Từ, quận Hoàn Kiếm là một trong các không gian tổ chức các sự kiện sáng tạo của Hà Nội - Ảnh: VGP/Gia Huy
Từng bước triển khai các giải pháp, đổi mới nhằm xây dựng thành phố sáng tạo
Mạng lưới thành phố sáng tạo (TPST) của UNESCO có 246 thành phố, trong đó khu vực Đông Nam Á có khoảng 10 thành phố. Hà Nội là thành viên của mạng lưới vào tháng 10/2019, là TPST ở lĩnh vực thiết kế và đang là thành phố duy nhất của Việt Nam tham gia mạng lưới này.
Đóng góp ý kiến về giải pháp để phát triển thương hiệu TPST của Hà Nội, TS. Nguyễn Văn Hoạt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội nêu ý kiến, đến nay, sau hơn 2 năm tham gia Mạng lưới các TPST) của UNESCO, TP. Hà Nội đang từng bước triển khai các giải pháp, đổi mới nhằm xây dựng TPST.
Trong đó, tiêu biểu là Thành ủy Hà Nội xem xét, thông qua Nghị quyết về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", trong đó đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, 42 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Để phát huy, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo, Hà Nội đẩy mạnh triển khai xây dựng nhiều công trình, dự án đổi mới, sáng tạo, góp phần hình thành kết cấu hạ tầng hiện đại, phát triển các không gian sáng tạo. Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về số lượng không gian sáng tạo, tiêu biểu, như không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, phố đi bộ Trịnh Công Sơn; không gian bích họa Phùng Hưng, hợp tác xã Vụn Art (tranh ghép vải), dự án Tinh hoa làng nghề Việt Nam, không gian kiến trúc văn hóa Bảo tàng Hà Nội... Hà Nội đang tích cực khai thác, chuyển hóa các nguồn lực văn hóa thành sức mạnh, động lực phát triển Thủ đô.
Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu TPST của Hà Nội chưa được như kỳ vọng. Hầu hết sản phẩm sáng tạo của Hà Nội còn thiếu sự độc đáo, thiếu tính ứng dụng và cách thể hiện sống động bản sắc văn hóa. Bên cạnh đó, Thành phố chưa có Trung tâm sáng tạo; các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm văn hóa ở Hà Nội mới chủ yếu là các cơ sở sản xuất, kinh doanh với quy mô nhỏ, chưa có các tập đoàn lớn, các tổ hợp đa chức năng.
Cần chiến lược xây dựng thương hiệu thành phố sáng tạo
Trong 7 lĩnh vực được xác định để UNESCO xét ghi danh trong Mạng lưới TPST, gồm: Thủ công và nghệ thuật truyền thống, thiết kế, điện ảnh, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thông và âm nhạc, Hà Nội chọn Thiết kế - một khái niệm bao trùm nhiều lĩnh vực công nghiệp văn hóa.
Theo TS. Nguyễn Văn Hoạt, theo kế hoạch, chỉ còn hơn 1 năm nữa, Hà Nội sẽ phải hoàn thành cam kết với UNESCO như trong Hồ sơ khi gia nhập Mạng lưới các TPST ở lĩnh vực thiết kế… Vì vậy, để trong tiềm thức của người dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế, để Hà Nội được nhìn nhận là TPST, có vị thế cạnh tranh thì cần xây dựng thương hiệu cho Hà Nội.
Theo đó, TS. Nguyễn Văn Hoạt đóng góp, cần có chiến lược xây dựng thương hiệu. Xây dựng thương hiệu là đồng thời phát triển hai mảng thành tố cấu thành nên thương hiệu, gồm các giá trị hữu hình - nhận diện thương hiệu và các giá trị vô hình - hình ảnh thương hiệu.
Đối với một thương hiệu TPST, nhận diện thương hiệu không chỉ là một logo, mà nó được biểu hiện ở những công trình kiến trúc và văn hóa, các không gian công cộng, ở những hoạt động sáng tạo, ở những sản phẩm ta có thể dễ dàng trải nghiệm, dễ dàng hưởng thụ, dễ dàng tham gia xây dựng và phát triển. Nó cũng hiện diện trong các di sản mang tính văn hóa, thiết kế sáng tạo, bề dày lịch sử của Thành phố.
Ngoài ra, trải nghiệm sáng tạo là một phần không thể thiếu trong tiến trình phát triển thương hiệu TPST. Cùng với các không gian sáng tạo, Hà Nội cần nhiều hoạt động sáng tạo, gồm các buổi trình diễn, giao lưu, trao đổi văn hóa, triển lãm; các buổi đọc sách, chiếu phim, nghiên cứu, tọa đàm, chia sẻ ý tưởng thiết kế sáng tạo.
TS. Nguyễn Văn Hoạt nêu, số lượng hoạt động này ở Hà Nội không ít, song cũng chưa nhiều và chưa đủ lan tỏa trong đời sống của người dân, càng khó thu hút người ngoại tỉnh và khách quốc tế. Mặt khác, các không gian công cộng dành cho trình diễn và triển lãm sáng tạo, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố cũng là những trải nghiệm cần có để nhận diện sức sống văn hóa ở một TPST.
Ngoài ra, Hà Nội chọn Thiết kế là định hướng phát triển, thì những người sống và yêu Hà Nội, khách đến đây phải được trải nghiệm chất thiết kế lan tỏa, thấm đẫm và được tôn trọng trong mọi hoạt động kinh tế và văn hóa, trong mọi ngành nghề, cho dù đó là du lịch văn hóa, ẩm thực, thời trang, hay thủ công mỹ nghệ...
Xây dựng thương hiệu TPST cho Hà Nội chính là tìm cho nó giá trị lõi, kiến tạo hệ sinh thái sáng tạo xung quanh giá trị lõi đó và tạo điều kiện tốt nhất để mọi người có cơ hội trải nghiệm giá trị lõi đó.
Hà Nội sẽ phải cụ thể hóa bằng các chương trình và kế hoạch hành động dài hạn về tầm nhìn và kết nối các chính sách của Thành phố, tạo điều kiện thuận lợi nhằm nâng tầm cho lĩnh vực thiết kế sáng tạo, nâng cao nhận thức, gắn kết cộng đồng để từng bước hiện thực hóa các sáng kiến và xây dựng hình ảnh Hà Nội - Thành phố sáng tạo.
TS. Nguyễn Văn Hoạt cũng chia sẻ, việc Hà Nội lựa chọn lĩnh vực Thiết kế sáng tạo là một giải pháp tối ưu nhằm tạo ra bước đột phá, xây dựng Hà Nội trở thành một thành phố thông minh, sáng, xanh, sạch, đẹp và đáng sống. Ngoài việc thêm phần nâng cao vị thế cho danh hiệu Thành phố Vì hòa bình, danh hiệu TPST còn có vai trò là một phương tiện giúp Hà Nội phát triển thành Kinh đô sáng tạo, trao quyền cho người dân và xây dựng một nền kinh tế cân bằng, đa dạng và đổi mới là giá trị đích thực của danh hiệu này.
Ngoài ra, khi tham gia Mạng lưới các TPST của UNESCO, Hà Nội có thể mở rộng hợp tác và trao đổi với các Thành phố thiết kế khác như Seoul, Singapore, Kobe, Thượng Hải, Bandung trong khu vực và các thành phố như Helsinki, Montreal, Berlin và Turino trên toàn cầu. Danh hiệu TPST chắc chắn sẽ tạo một khuôn khổ thích hợp để Hà Nội tiếp tục gìn giữ và phát huy giá trị của các danh hiệu khác mà UNESCO đã ghi danh, vừa vì lợi ích của đất nước, vừa thực hiện các nghĩa vụ theo như cam kết của Hà Nội và Việt Nam với UNESCO.
Thành phố cũng cần phải thúc đẩy công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Hà Nội. Cần định vị Hà Nội như trung tâm công nghiệp văn hóa hàng đầu, trung tâm sáng tạo và bản sắc hài hòa, hội nhập.
TS. Nguyễn Văn Hoạt cũng nhấn mạnh, việc tham gia mạng lưới các TPST của UNESCO là bước đi đầu tiên nhưng có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho mục tiêu nâng cao vị thế và tạo dựng hình ảnh mới, hấp dẫn hơn cho Hà Nội, thể hiện chiến lược và tầm nhìn rộng hướng đến sự phát triển bền vững của một Thủ đô ngàn năm văn hiến, tràn đầy năng lượng, tinh thần chủ động thích ứng với xu thế thời đại và vai trò tích cực tham gia kết nối toàn cầu với bạn bè thế giới.