Để khởi công xây dựng đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh vào cuối tháng 6 tới theo Nghị quyết của Chính phủ, các địa phương đang dốc sức thực hiện giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phê duyệt dự án xây lắp. Đến thời điểm này, bốn tỉnh, thành phố thực hiện dự án đều cam kết bảo đảm tiến độ giải phóng mặt bằng. Điều quan tâm nhất là cung cấp đủ vật liệu xây dựng cho việc làm cung đường chiến lược phía nam này.
Khởi công xây dựng cầu Nhơn Trạch thuộc dự án đường vành đai 3.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, để bảo đảm giải phóng 70% mặt bằng trước ngày 30/6 để khởi công tuyến đường, lãnh đạo các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An và Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên trao đổi tiến độ, kịp thời giải quyết các vướng mắc. Cách đây 10 ngày, Chủ tịch Ủy ban nhân dân bốn địa phương trên đã cùng đánh giá tiến độ giải phóng mặt bằng và cam kết bảo đảm mốc thời gian khởi công dự án.
Trong bốn địa phương vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh đi qua, giải phóng mặt bằng khó nhất là Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai, nhưng đến thời điểm này, nhìn chung vẫn bảo đảm và vượt tiến độ đề ra.
Tại Đồng Nai, hiện trên địa bàn, công việc giải phóng mặt bằng các dự án giao thông có khối lượng rất lớn. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho biết: Sau khi được giao thực hiện đường vành đai 3 qua địa bàn, các ngành chức năng đã rất cố gắng để theo kịp tiến độ.
Các khu tái định cư đã có sẵn để bố trí người dân đến xây dựng nhà cửa, chuyển tới sinh sống. Hệ thống chính trị tỉnh Đồng Nai nỗ lực thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư. Tỉnh cam kết bảo đảm tiến độ mặt bằng chung để khởi công đường vành đai 3 trước 30/6.
Tương tự, các tỉnh Long An và Bình Dương cũng dốc sức thực hiện giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án đường vành đai 3 đi qua địa bàn.
Vấn đề được Thành phố Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh còn lại rất quan tâm là việc bảo đảm đủ nguồn cát phục vụ xây dựng. Đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh có tổng chiều dài 91,64km (trong đó đoạn Tân Vạn-Nhơn Trạch dài 15,3km đã được đầu tư quy mô 6 làn xe), còn lại 76km, ước tính cần khoảng 15 triệu m3 vật liệu.
Trong khi đất đắp nền đường cho dự án cơ bản đã đáp ứng nhu cầu, thì nguồn cát xây dựng và cát đắp nền đường vẫn còn thiếu. Cụ thể, tỉnh Bình Dương và Đồng Nai bảo đảm đáp ứng đủ 70% nhu cầu, 30% khối lượng còn lại dự kiến lấy cát từ địa phương khác. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh cần hơn 7,2 triệu m3 cát đắp nền đường; gần 1,5 triệu m3 cát xây dựng; ước tính thành phố đang thiếu khoảng 30% cát xây dựng và 50% cát đắp nền đường.
Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các tỉnh hỗ trợ để bảo đảm đủ vật liệu xây dựng cung cấp cho dự án. Trong đó, có chủ trương cho phép khai thác cát xây dựng, cát đắp nền tại các mỏ cát của địa phương để phục vụ xây dựng tuyến đường nêu trên.
Đối với phần thiết kế, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã mời Hội đồng cố vấn, gồm những chuyên gia kỹ thuật, quản lý, pháp lý hàng đầu của thành phố. Quá trình góp ý, có một số ý kiến cho rằng, cần tính toán kỹ độ cao, bảo đảm quy chuẩn đường cao tốc và tính kết nối đồng bộ với giao thông đô thị trong vùng.
Trước việc các địa phương lo ngại về việc thiếu cát phục vụ xây dựng đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, tại buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh, thành phố và bộ, ngành liên quan vào ngày 13/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường tính toán phân bổ hợp lý nguồn vật liệu xây dựng cho các dự án nói chung và đường vành đai 3 nói riêng, bảo đảm đủ nguồn cát thi công.
Đối với nghiên cứu vật liệu mới là cát biển để thay thế cát thông thường cần phải sớm đánh giá kết quả, xem có bảo đảm chất lượng để làm đường cao tốc hay không. Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Xây dựng rà soát, đánh giá lại thiết kế quy chuẩn đường cao tốc; các địa phương thực hiện xây dựng đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh tham vấn ý kiến của Bộ Giao thông vận tải về chất lượng và bảo đảm kết nối tổng thể giao thông trong khu vực.
Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh đã được Chính phủ quyết nghị triển khai và giao bốn tỉnh, thành phố thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư các dự án thành phần. Tuyến đường này dài hơn 90km đi qua bốn tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần liên kết vùng giữa Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Dự án chia thành tám dự án thành phần vận hành độc lập với tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức đầu tư công; dự kiến tổ chức thi công bắt đầu từ cuối tháng 6 tới, phấn đấu hoàn thành vào cuối tháng 6/2026.