Truyền thông nhằm nâng cao năng lực chống lũ cho người dân tại thôn Hội Điền, xã Hải Phong. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Được ví như "rốn lũ" của cả nước, hầu như năm nào, dải đất miền Trung cũng oằn mình gánh mưa dồn dập, bão chồng bão. Trong muôn vàn nỗi lo trước mỗi mùa mưa bão, có một nỗi thấp thỏm luôn hiện hữu với người dân Quảng Trị là lo đất lở, nhà trôi, mùa màng mất trắng.
Để góp phần giúp người dân phần nào vơi bớt nỗi lo, gánh nặng này, Báo Điện tử VietnamPlus (TTXVN) đã phối hợp cùng một số nhà tài trợ và đơn vị liên quan triển khai chương trình truyền thông nâng cao nhận thức và hỗ trợ xây nhà vượt lũ an toàn cho một số hộ dân có hoàn cảnh khó khăn tại xã Hải Phong, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
Chương trình có sự đồng hành của Công ty Samsung Việt Nam và Quỹ Sống bền vững, được triển khai trong những ngày cao điểm mưa lũ cuối tháng 10/2022.
An tâm như có cuộc đời mới
Thời gian gần đây, liên tiếp nhiều trận mưa lớn kéo dài khiến dòng nước lũ mênh mông bao phủ khắp các xóm làng tại vùng “rốn lũ” huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
Vào cuối tháng 10, khi đoàn chúng tôi đến thôn Hội Điền, xã Hải Phong, huyện Hải Lăng, con đường vào thôn vẫn bốn bề là nước. Chỉ vài ngày trước đó, đến con đường độc đạo vào thôn chìm sâu trong bốn bề nước lũ trắng xoá không thể phân biệt rõ đường đi, đồng ruộng và sông. Hai tuần giữa của tháng 10, do ảnh hưởng của mưa lớn toàn bộ thôn Hội Điền trong tình trạng ngập sâu, bị cô lập. Hơn 30 hộ dân trong thôn phải di chuyển bằng thuyền giữa các hộ dân với nhau và di chuyển ra bên ngoài.
Nước lũ lên ngập khiến ốc đẻ trứng trên các bức tường rào. (Ảnh: T.G/Vietnam+)
Chỉ vào bức tường rào bao quanh nhà cao 1,5 mét, bà Nguyễn Thị Hóa, ở thôn Hội Điền, xã Hải Phong kể, hai tuần qua toàn thôn ngập sâu, ốc bò lên các hàng tường rào đẻ trứng chi chít. Nhà bà nước ngập vào tới hơn 30 cm, có nhà thấp, ngập sâu tới hơn 1 mét.
Bà Hóa cho hay từ tháng 10 đến tháng 12 thôn Hội Điền thường xuyên phải chịu những cơn ngập do bão lũ, đời sống của người dân bị ảnh hưởng mọi mặt. Đợt lũ vừa đầu tháng 10 khiến cả thôn đều chìm ngập sâu trong nước lũ, phương tiện đi lại chính của mỗi hộ dân là thuyền nhỏ và những chiếc bè tự chế. Hầu như mỗi hộ dân ở thôn Hội Điền đều có sẵn 2 chiếc thuyền nhỏ để ngay trước nhà như là những chiếc phương tiện như xe đạp, xe máy không thể thiếu.
Ông Trần Tiến Duẩn - Tổng Biên tập Báo Điện tử VietnamPlus cho hay khi tiếp xúc với các gia đình ở xã Hải Phong, đoàn cảm nhận được đời sống khó khăn vất vả của các gia đình nơi đây. Đặc biệt, mỗi năm người dân nơi đây phải hứng chịu 6-7 trận mưa lũ, do vậy, việc tuyên truyền để động viên các gia đình có những kiến thức an toàn trong mùa bão lũ cũng như việc tham gia vào dự án xây dựng nhà an toàn chống lũ an toàn càng trở nên thiết thực. Những căn nhà an toàn tạo ra nhiều thay đổi mới, nơi người dân không phải chạy loạn mỗi khi lũ dâng, những đứa trẻ không bị trôi đi sách vở và ước mơ theo dòng nước dữ.
Ban lãnh đạo Báo Điện tử VietnamPlus trao đổi, trò chuyện với chủ hộ Phạm Thị Dợ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Báo Điện tử VietnamPlus, với sự đồng hành của Công ty Samsung Việt Nam và Dự án Nhà an toàn (thuộc Quỹ Sống bền vững) tổ chức chương trình truyền thông nâng cao năng lực chống lũ cho người dân địa phương và hỗ trợ kỹ thuật và một phần kinh phí xây 3 căn nhà cho 3 hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tại xã Hải Phong, để giúp một phần cho các hộ dân có cuộc sống an toàn, ổn định và bền vững. Đó là các gia đình như: ông Nguyễn Thanh Thuy, ở thôn Phú Kinh; Bà Phạm Thị Dợ, Thôn Văn Trị; Ông Nguyễn Xuân Nguyên, thôn Hội Điền xã Hải Phong.
Trong căn nhà 2 tầng khang trang mới được hoàn thành vào tháng 8 vừa qua, ông Nguyễn Xuân Nguyên, 57 tuổi ở thôn Hội Điền xã Hải Phong bày tỏ sự phấn khởi, an tâm như có một cuộc đời mới với ông. Phía sau nhà ông, đồng nước bạt ngàn trắng xóa, không còn là mối đe doạ đáng sợ với ông khi mỗi năm phải đối mặt 5-7 trận lũ.
Vợ chồng ông Nguyễn Xuân Nguyên bên căn nhà mới xây xong. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ông Nguyên phấn khởi: "May năm nay chúng tôi được vận động để hiểu và tham gia dự án nhà an toàn. Có nhà mới được xây từ dự án nên những hộ khó khăn như gia đình tôi cảm thấy yên tâm hơn."
Đợt lũ vừa qua ập đến cũng là thời điểm nhà ông Nguyên đã xây mới xong. Nhà được xây dựng cao và kiên cố, nước chỉ ngập vào chân sàn nhà khoảng 10cm, trong khi nếu so với nhà cũ sẽ ngập nửa nhà. Nhà mới có gác nên toàn bộ lúa của gia đình ông Nguyên vừa mới thu hoạch không bị thiệt hại, ông và vợ không phải tất tưởi mang đồ đi gửi nhà hàng xóm như những năm trước nữa…
Chị Cái Thị Thảo trong cuộc nói chuyện về việc phòng chống bão lũ bên căn nhà mới của mình. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Chị Cái Thị Thảo thôn Phú Kinh, xã Hải Phong với hoàn cảnh khó khăn, khi chồng bị ảnh hưởng thần kinh rất nặng do nghiện rượu, không có khả năng lao động, chị bán tạp hóa nuôi cả gia đình. Chị trước kia sống trong căn nhà cấp 4 tạm bợ, xuống cấp, gia đình 4 con nhỏ nên rất khó khăn, thiếu chỗ sinh hoạt. Nhà chị Thảo ở vị trí thấp lụt, trước mặt là kênh lớn, lũ thường xuyên lên nhanh nhà chị trong tình trạng ngập sâu, sóng lớn
“Trận mưa lũ tháng 10 vừa rồi chua bao giờ tôi thấy tâm mình an đến vậy, không còn cảm giác chạy lụt suốt đời. Không còn cảnh bì bõm lội nước trong nhà, chạy đồ đạc, chạy thóc lúa nhờ đi gửi nhà hàng xóm. Chúng tôi quá mừng, nhờ có được sự hỗ trợ của các đơn vị, cùng với vốn tự có qua vay mượn, chúng tôi đã xây cho mình một căn nhà có gác yên tâm để đồ đạc và thóc gạo trên đó. Cuộc đời tôi từ nay về đến gìa đã nhẹ lòng bớt được rồi,” Chị Cái Thị Thảo phấn khởi kể chuyện.
Huy động sức mạnh của cộng đồng
Ông Bùi Xuân Giang - Chủ tịch xã Hải Phong cho hay xã Hải Phong vùng trũng nhất của huyện Hải Lăng và của tỉnh Quảng Trị nên thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão lũ, thiên tai. Do địa hình thấp hơn mực nước biển nên cứ đến mùa mưa lũ thì nơi đây là vùng ngập lụt nặng nhất của tỉnh Quảng Trị.
Ông Bùi Xuân Giang - Chủ tịch xã Hải Phong trong buổi làm việc về nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống mưa lũ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Xã Hải Phong nằm cạnh con sông Ô Giang, những thời điểm nước lũ về nhanh và chảy rất xiết, mực nước ngập cao từ 1,5m đến 3m nên cuốn theo nhiều tài sản và gà, lợn của các hộ dân.
Theo ông Giang, người dân trên địa bàn xã sống chủ yếu bằng nông nghiệp nên đời sống khó khăn, cơ sở hạ tầng phục vụ an sinh xã hội của xã vẫn còn nhiều thiếu thốn. Những năm qua để giúp người dân vượt qua khó khăn trong mùa bão lũ, chính quyền đã kêu gọi nhiều nguồn đầu tư từ các chương trình để có nguồn kinh phí hỗ trợ bà con xây dựng nhà cửa để chống lũ an toàn.
Hai năm qua, địa phương được thụ hưởng từ dự án Nhà an toàn của Chương trình nhà chống lũ của Quỹ Sống bền vững và các đơn vị hỗ trợ. Qua 2 năm chính quyền xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia vào dự án và đã xây dựng xong 22 ngôi nhà thuộc dự án cho 22 hộ dân còn nhiều khó khăn về nhà ở.
Chủ tịch xã Hải Phong nhấn mạnh, bà con xây được nhà nhờ sự hỗ trợ của Dự án nhà an toàn rất phấn khởi vì đã có nhà an toàn, lụt bão xảy ra bà con yên tâm vì đã có nhà kiên cố, cao để tránh lũ. Hiện nay, vẫn còn nhiều người dân, hộ khó khăn của xã mong muốn nhận được sự quan tâm triển khai tiếp dự án để thêm nhiều hộ dân có điều kiện có căn nhà mới.
Buổi làm việc giữa đại diện Báo điện tử VietnamPlus và lãnh đạo xã Hải Phong. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Năm nào cũng bị vài trận lũ gây ngập lụt, nên người dân huyện Hải Lăng thường xuyên có cuộc sống bị đe doạ. Trong đợt mưa lũ vừa rồi tại miền Trung nói chung và ở tỉnh Quảng Trị nói riêng, hầu hết các hộ dân được xây nhà từ Dự án nhà an toàn của Quỹ Sống bền vững (Quỹ Sống) hỗ trợ đều an toàn và có thể chủ động chuẩn bị trước tình hình.
Quỹ Sống bền vững là quỹ xã hội hoạt động phi lợi nhuận, nhằm mục đích hỗ trợ xây dựng các cộng đồng và địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai và biến đổi khí hậu có cuộc sống an toàn, ổn định và bền vững.
Chương trình Nhà chống lũ với nhiều dự án khác nhau, trong đó có Dự án nhà an toàn hướng tới mục tiêu hỗ trợ bà con xây nhà an toàn. Hoạt động của chương trình mang tính chất bền vững và liên tục nên Quỹ Sống luôn tiếp nhận các đóng góp chung tay của cộng đồng hằng năm để xây nhà an toàn. Dự án huy động sức mạnh của cộng đồng và đóng góp nhiều nhất là 50% giá trị ngôi nhà, còn lại là phần của người dân phải đóng góp - việc này mang ý nghĩa nhân văn sâu xa là muốn tạo cảm giác tự tin cho người dân khi tự tay bỏ ra công sức và tiền bạc, từ đó gắn bó với cuộc sống của chính mình.
Bà Phạm Thị Dợ phấn khởi trong căn nhà mới được xây xong. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Khởi xướng từ năm 2013, hỗ trợ xây dựng nhà kiên cố cho các hộ gia đình khó khăn và tham gia phát triển những ngôi làng an toàn trước tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu.
Dự án Nhà an toàn đã được triển khai tại các tỉnh: Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Khánh Hòa, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp. Trong 9 năm triển khai hỗ trợ xây nhà an toàn cho người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai ở Việt Nam, Chương trình Nhà chống lũ đã xây dựng được 1047 ngôi nhà cho các hộ dân.
Tất cả mô hình nhà tại các tỉnh miền Trung của dự án Nhà an toàn đều có gác tránh lũ. Gác tránh lũ được xây cao hơn mức lũ lịch sử hằng năm và luôn đảm bảo kết cấu vững chắc gồm hệ cột và hệ dầm sàn bê tông cốt thép. Một ngôi nhà có gác cao hơn mức lũ sẽ là giúp cho hộ dân an toàn hơn, vững tâm hơn trước mùa mưa lũ./.