Huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, tiếp cận các tiêu chuẩn đô thị xanh, đô thị văn minh, phù hợp với cảnh quan, môi trường và bản sắc văn hóa đặc trưng của tỉnh, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình quy hoạch và xây dựng đô thi trên địa bàn tỉnh.
Thị trấn Tam Sơn ( Quản Bạ).
Là trung tâm chính trị, KT-XH của tỉnh, thành phố Hà Giang chú trọng lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết theo quy hoạch chung đô thị Hà Giang đến năm 2035; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công các dự án đầu tư trọng điểm, đặc biệt là Dự án Chương trình phát triển các đô thị loại II (đô thị xanh) – Tiểu dự án tại Hà Giang, tổng nguồn vốn đầu tư trên 51 triệu USD với mục tiêu giảm thiểu tình trạng ngập úng trong đô thị và sạt lở bờ sông thông qua cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước, kè các bờ sông thuộc khu vực nội thành, xây dựng hệ thống giao thông, phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, tạo điều kiện thúc đẩy KT – XH bền vững. Cùng với đó, UBND thành phố huy động xã hội hóa lát vỉa hè các tuyến đường, tạo mỹ quan đô thị; tăng cường quản lý trật tự đô thị, quản lý chặt chẽ việc san, đào đất; xây dựng các công viên mini, trồng nhiều cây xanh; lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng, đèn màu; đầu tư thiết bị luyện tập thể dục thể thao công cộng giúp người dân có không gian tập luyện, nâng cao sức khoẻ và đời sống tinh thần. Qua đó, từng bước xây dựng thành phố bên bờ sông Lô sáng – xanh – sạch – đẹp – văn minh – hiện đại. Chị Nguyễn Vân Anh, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Tôi là hướng dẫn viên du lịch, thường xuyên dẫn các đoàn khách lên Hà Giang tham quan, tôi thấy thành phố Hà Giang và các trung tâm thị trấn trên vùng Công viên Địa chất toàn cầu Unsesco Cao nguyên đá Đồng Văn thay đổi khá nhiều, ngày càng phát triển, sạch, đẹp, văn minh hơn và đặc biệt có nhiều dịch vụ thương mại, cơ sở lưu trú chất lượng, đáp ứng nhu cầu khách du lịch”.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 15 đô thị đã được phân loại, gồm: 1 đô thị loại III; 1 đô thị loại IV; 13 đô thị loại V. Công tác quy hoạch, phát triển đô thị luôn được các cấp ủy, chính quyền quan tâm, đầu tư xây dựng. Hệ thống đô thị ngày càng phát triển, tốc độ đô thị hóa tăng, hạ tầng kỹ thuật cải thiện, công tác chỉnh trang đô thị được quan tâm; kinh tế tăng trưởng, văn hoá, xã hội phát triển, hình thành nếp sống văn minh đô thị, an ninh, trật tự được đảm bảo, qua đó góp phần quan trọng vào sự phát triển KT - XH của tỉnh.
Tuy nhiên, công tác quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị còn một số hạn chế: Chưa đồng bộ, quy mô nhỏ, quỹ đất ít, hiệu quả sử dụng đất thấp, hệ thống dịch vụ công cộng và nhà ở, giao thông, công viên, vườn hoa, mặt nước đô thị còn bất cập, kiến trúc cảnh quan chưa hấp dẫn, không gian sinh hoạt công cộng như công viên, quảng trường, khu vui chơi giải trí, công trình điểm nhấn... chưa đáp ứng các tiêu chí đô thị, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cấp điện, nước, thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt, rác thải đô thị chưa đồng bộ... Để khắc phục hạn chế, hướng đến phát triển các đô thị xanh bền vững mang bản sắc mảnh đất địa đầu Tổ quốc, BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 23 về phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu đến năm 2025 có 24 đô thị được công nhận, năm 2030 có 29 đô thị được công nhận; đối với đô thị loại II, III, tỷ lệ dân số được cấp nước sạch, hợp vệ sinh đạt 95%, tỷ lệ nước thải được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật đạt 30%, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom đạt 80%.
Với quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu nghị quyết, kết hợp đồng bộ và hài hòa giữa cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị với phát triển các đô thị mới, đảm bảo kiến trúc đô thị hiện đại, giàu bản sắc riêng, phù hợp với giá trị sẵn có về cảnh quan tự nhiên núi rừng và các đặc trưng của từng khu vực, phù hợp với kiến trúc bản địa và phong tục, tập quán của từng địa phương gắn với định hướng, chiến lược của Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, các địa phương đang tập trung rà soát, phê duyệt, phủ kín quy hoạch xây dựng đô thị phù hợp quy hoạch chung của tỉnh; đánh giá thực trạng kết cấu hạ tầng đô thị theo quy định về phân loại đô thị để xây dựng lộ trình đầu tư xây dựng hoàn thiện; gắn quy hoạch đô thị với quy hoạch xây dựng Nông thôn mới và quy hoạch sử dụng đất; xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị; nâng cao năng lực quản lý đô thị; thu hút đầu tư, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn cho phát triển đô thị.
Các đô thị xanh với xu thế phát triển thành các đô thị du lịch sinh thái, đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc, cho phép khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững, thúc đẩy chuyển dịch mô hình kinh tế đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo việc làm, nâng cao đời sống của nhân dân và năng lực chống chịu, ứng phó với biến đổi khí hậu.