Thanh khoản trên thị trường bất động sản đang có xu hướng giảm rõ rệt, đặc biệt so với giai đoạn sốt đất nửa cuối 2021 và đầu 2022. Cùng với đó là sự thiếu vắng nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở giá bình dân. Nguy cơ lạm phát một lần nữa thúc giục nhu cầu sở hữu và cất giữ tài sản, trong đó bất động sản là một trong những lựa chọn hàng đầu.
Quang cảnh buổi lễ (Ảnh: HNV)
Ngày 15/7, tại Hà Nội, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) đã tổ chức buổi lễ Công bố Báo cáo Thị trường Bất động sản Quý II.2022: Dòng tiền khó; đồng thời ra mắt Ban Công nghệ - Truyền thông & Nghiên cứu thị trường cùng Ban Tư vấn & Xúc tiến đầu tư, chính thức triển khai chương trình hành động nửa cuối năm 2022.
Nền kinh tế Việt Nam đã bước qua nửa năm 2022 với dấu hiệu phục hồi rõ nét sau đợt tàn phá bất ngờ bởi dịch bệnh COVID-19 nửa cuối năm 2021. GDP quý II.2022 tăng trưởng 7,72% so với cùng kỳ, là mức tăng trưởng quý II cao nhất trong vòng một thập kỷ vừa qua. Kim ngạch xuất khẩu, giải ngân vốn FDI, thu ngân sách, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động… đều có kết quả khả quan.
Tuy nhiên, những rủi ro từ nguy cơ lạm phát trên quy mô toàn cầu sau những tác động của dịch bệnh COVID-19, chiến tranh Nga - Ukraine gây đứt gãy chuỗi cung ứng,... vẫn đang hiện hữu.
Bất động sản là một trong những lựa chọn hàng đầu cho nhu cầu cất giữ tài sản (Ảnh: HNV)
Thông tin khái quát về Báo cáo quý II của VARS, ông Nguyễn Mạnh Quỳnh, Chánh văn phòng VARS cho biết, trong một cuộc khảo sát gần đây của VARS với các hội viên là những nhà môi giới bất động sản đang hoạt động, có tới 83% số người được hỏi cho rằng nên đầu tư bất động sản như một công cụ đối phó với lạm phát. Trong tình hình vĩ mô diễn biến phức tạp và khó dự đoán, hầu hết các nhà môi giới được hỏi (90%) cho rằng giá căn hộ sẽ tăng trong nửa cuối năm nay. Tuy nhiên, chỉ 53% tin rằng giao dịch bất động sản sẽ sôi động trong thời gian tới.
Dữ liệu của VARS cũng cho thấy thanh khoản trên thị trường bất động sản đang có xu hướng giảm rõ rệt, đặc biệt so với giai đoạn sốt đất nửa cuối năm trước và đầu năm nay. Cùng với đó là sự thiếu vắng nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở giá bình dân, là giá nhà tăng liên tục và chưa có tín hiệu dừng lại. Nguy cơ lạm phát một lần nữa thúc giục nhu cầu sở hữu và cất giữ tài sản, trong đó bất động sản là một trong những lựa chọn hàng đầu.
Báo cáo của VARS nhấn mạnh, đây là giai đoạn Dòng tiền chờ đợi những cơ hội đầu tư vững chắc, đồng thời cân nhắc kỹ càng những biến số vĩ mô, địa chính trị xung quanh. Giai đoạn dòng tiền dễ đã thực sự đi qua, cùng với đó là chính sách kiểm soát tín dụng thận trọng trong mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh, trong đó có bất động sản.
Việc mua nhà để đầu tư, đặc biệt khi sử dụng các đòn bẩy tài chính cần được cân nhắc. Dòng tiền cần chờ đợi những cơ hội thực sự an toàn trong tương lai sau khi cân nhắc kỹ càng những yếu tố vĩ mô.
“Sự phục hồi của nền kinh tế kéo theo nhu cầu bất động sản tăng cao ở tất cả các phân khúc, từ căn hộ đến văn phòng cho thuê, nhà xưởng, bất động sản bán lẻ… Đặc biệt trong tình hình nguồn cung bị thắt chặt bởi nhiều lý do, mặt bằng giá bất động sản tăng lên trong thời gian tới là điều có thể tính đến. Mua nhà để ở trong giai đoạn “bản lề” này sẽ tận dụng được tối ưu những lợi thế và tín dụng và mặt bằng giá cả” – ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS, nêu rõ.
Cùng ngày 15/7, VARS đã chính thức ra mắt Ban Công nghệ Truyền thông và Nghiên cứu thị trường cùng Ban Tư vấn và xúc tiến đầu tư với nỗ lực kiện toàn bộ máy tổ chức, hoàn thiện hơn nữa các chức năng, nhiệm vụ của Hội nhằm phục vụ tốt nhất các nhà môi giới, các doanh nghiệp hội viên. Hơn hết là hoàn thành tốt vai trò, sứ mệnh của Hội đối với cộng đồng, xã hội và sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản Việt Nam./.