Mở đầu cuộc họp, Thủ tướng nêu rõ, diễn biến dịch bệnh tại TPHCM và một số tỉnh phía Nam rất phức tạp. Thường trực Chính phủ đề nghị tổ chức họp Chính phủ để có những biện pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, tích cực hơn, sát tình hình thực tế hơn và khả thi hơn để phòng chống dịch có hiệu quả. Chúng ta phải huy động sức mạnh tổng lực của hệ thống chính trị, của nhân dân vào chống dịch.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm nếu áp dụng Chỉ thị 16 và có thể ở mức cao hơn về một số điểm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Không để bệnh nhân thiếu máy thở, trang thiết bị chống dịch
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, thời gian tới, đặc biệt là trong 5 đến 7 ngày nữa, tình hình dịch bệnh tại TPHCM và các tỉnh phía Nam diễn biến phức tạp, số bệnh nhân nặng có thể gia tăng.
Về hậu cần cho phòng chống dịch, Bộ trưởng cho biết, Bộ thành lập kho dã chiến trang thiết bị, vật tư tiêu hao tại TPHCM và sẽ điều phối 2.000 máy thở cho kho dự trữ này. Ngày 17-18/7/2021, Bộ Y tế đã chuyển về 299 máy thở các loại. Chúng ta không để bệnh nhân thiếu máy thở, không để thiếu trang thiết bị, dụng cụ phòng hộ đối với nhân viên y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định.
Bộ đã điều động, hỗ trợ cho TPHCM và các tỉnh trong khu vực hơn 6.400 người và hơn 9.000 người đang sẵn sàng chi viện thêm. Hôm nay, sẽ tiếp tục đưa người đến hỗ trợ cho TPHCM và các tỉnh phía Nam.
Bộ trưởng cho biết, có 993 cơ sở y tế đủ đáp ứng yêu cầu điều trị cho 66.000 ca nhiễm (cần đến thở oxy). Hiện năng lực sản xuất của các nhà máy oxy của cả nước rất lớn, tổng công suất đạt hơn 851.000 m3 khí mỗi ngày (tương đương 1.300 tấn/ngày) và có thể tăng thêm từ 50 đến 100% công suất. Hôm qua, Bộ Y tế đã họp với 17 nhà máy sản xuất oxy trên toàn quốc, yêu cầu các đơn vị tăng công suất sản xuất, tăng dự trữ oxy và khả năng phân phối.
Bộ Y tế đã báo cáo và xin ý kiến Chính phủ ban hành Nghị quyết về mua sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị phòng chống dịch COVID-19.
Tại cuộc họp, các bộ đều cho biết, đã thành lập “tổ công tác đặc biệt” tại TPHCM như chỉ đạo của Thủ tướng.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Quân đội hỗ trợ thu hoạch nông sản, vận chuyển hàng hóa
Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang nêu rõ, Bộ đã sử dụng lực lượng dân quân và bộ đội đóng quân trên địa bàn để hỗ trợ địa phương vận chuyển rau màu cho nhân dân, đến tận xã, tận xóm giúp dân thu hoạch nông sản. Huy động gần 3.000 lái xe để bảo đảm vận chuyển cho các địa phương. Ở các đảo xa, các vùng mà điều kiện giao thông khó khăn thì huy động trực thăng để vận chuyển, bao gồm vaccine và các trang thiết bị cần thiết cho phòng chống dịch. Bộ Quốc phòng đã phối hợp với Bộ Y tế thành lập các bệnh viện điều trị bệnh nhân nặng.
Theo Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kế hoạch cụ thể để huy động các nguồn hàng, nhất là rau, củ, quả, hàng tươi sống để sẵn sàng cung ứng cho TPHCM và các địa phương có nhu cầu. Đã phối hợp với lực lượng quân đội và dân quân trong việc hỗ trợ khâu thu hoạch rau củ quả vì hiện nay có sự thiếu hụt nhân lực làm công việc này ở một số địa phương phía Nam.
Bộ cũng thống nhất cao với Bộ Y tế về việc không kiểm tra giấy chứng nhận xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa (lái xe, người phục vụ trên xe, nhân viên bốc, xếp dỡ hàng hóa đi theo xe) chỉ lưu thông trong phạm vi nội bộ tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện Chỉ thị 16.
Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ chuẩn bị sẵn sàng phương án khi tỉnh nào thực hiện Chỉ thị 16 thì mở luồng xanh của địa phương kết nối với luồng xanh quốc gia. “Đến giờ phút này, tình hình giao thông ở 19 tỉnh phía Nam và 3 tỉnh giáp ranh là ổn định”, Bộ trưởng nói. Hiện chỉ có khoảng 20% lượng xe lưu thông trên đường so với trước đây, chủ yếu là những xe vận chuyển hàng hóa, phục vụ xuất khẩu, an sinh xã hội. Bộ trưởng bày tỏ ủng hộ việc không kiểm tra giấy chứng nhận xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với lái xe chở hàng hóa.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia nhấn mạnh, phải kiên định cách làm và đẩy cao thêm một mức cách mà chúng ta đã làm từ trước đến nay trên toàn quốc, đó là biện pháp “ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch” và phải thực hiện nghiêm túc. Phải bảo đảm đủ vật tư, thiết bị cho các lực lượng chống dịch. Phải giải quyết ngay các ách tắc trong lưu thông, phân phối hàng hóa.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đề nghị TPHCM phân cấp, phân tầng quản lý ca F0, F1 giữa Thành phố, quận, huyện, phường và gia đình. Y tế quận, bệnh viện quận phải trang bị để đủ khả năng điều trị bệnh nhân COVID-19. TPHCM cần có chính sách đặc thù hỗ trợ lực lượng tuyến đầu, kiểm tra việc thực hiện gói hỗ trợ an sinh xã hội.
Các đại biểu dự cuộc họp thống nhất cần tập trung cho TPHCM và các tỉnh phía Nam, thực hiện Chỉ thị 16 theo tinh thần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đặc biệt là trong giãn cách xã hội. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Lãnh đạo, chỉ đạo cần tập trung, thống nhất, chuyên sâu hơn nữa
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, tình hình rất phức tạp, diễn biến rất nhanh, các ý kiến tại cuộc họp đều thống nhất cao với việc ban hành Nghị quyết của Chính phủ để phòng chống dịch trên phạm vi cả nước, nhất là tại TPHCM và các tỉnh, thành phố phía Nam. Việc lãnh đạo, chỉ đạo cần tập trung, thống nhất, chuyên sâu hơn nữa trên phạm vi cả nước để nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức, điều hành chống dịch.
Các ý kiến cũng thống nhất thành lập tổ công tác đặc biệt (Bộ Chỉ huy tiền phương) đặt tại TPHCM với sự tham gia của lãnh đạo các Bộ và TPHCM. Tổ công tác hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Chỉ đạo quốc gia.
Các đại biểu thống nhất cần tập trung cho TPHCM và các tỉnh phía Nam, thực hiện Chỉ thị 16 theo tinh thần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đặc biệt là trong giãn cách xã hội, giãn cách giữa người với người. Thủ tướng nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ rất quan trọng để giảm tốc độ lây nhiễm.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, cơ quan có liên quan nghiên cứu, đánh giá lại toàn diện biến chủng mới của virus, cùng với các nghiên cứu khác của thế giới, để có đối sách phù hợp hơn. Đánh giá, phân loại các ca F0, F1 theo các nguy cơ, các mức độ triệu chứng để tập trung các nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm; có hướng dẫn khung để các địa phương thực hiện thống nhất.
Tổ Thông tin đáp ứng nhanh phục vụ phòng chống dịch thuộc Ban Chỉ đạo quốc gia cần làm tốt hơn nữa việc tăng cường huy động các nguồn thông tin độc lập khác để đánh giá, nhận định, đưa ra giải pháp phù hợp.
Các ý kiến cũng thống nhất, các bộ ngành và đặc biệt là các địa phương trong chỉ đạo, điều hành phải siết chặt kỷ luật kỷ cương, nhất là sự chấp hành của người dân. Người dân vừa là trung tâm phục vụ, vừa là chủ thể tham gia; tham gia phòng chống dịch vừa là trách nhiệm, vừa là nghĩa vụ, vừa là quyền lợi của mỗi người dân.
Về nguồn nhân lực, các tỉnh, thành phố nêu cụ thể nhu cầu về bác sĩ, điều dưỡng viên, kỹ thuật viên, các địa phương khác thống kê rõ khả năng hỗ trợ, Văn phòng Chính phủ tổng hợp để Ban Chỉ đạo quốc gia điều hành thống nhất, không để thiếu, lãng phí, chồng chéo. Về trang thiết bị, các tỉnh, thành phố rà soát, nêu yêu cầu, Bộ Y tế là đầu mối mua sắm, phân phối phù hợp, đồng thời phát huy tính năng động, sáng tạo của địa phương. Việc cung ứng vật tư phòng chống dịch, lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác phục vụ nhân dân phải bảo đảm lưu thông thông suốt.
Thủ tướng lưu ý phải thực hiện thật tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, nhất là tại các địa phương phía Nam với các đặc điểm riêng về dân cư và xã hội, đặc biệt cần lưu ý khi đợt dịch lần này tấn công các đô thị lớn, nơi tập trung đông người, đầu mối giao thương, vận tải, các khu công nghiệp. Do đó, phải triển khai rất linh hoạt, thường xuyên rà soát, bổ sung các đối tượng cần hỗ trợ. Những nơi đủ điều kiện thì thực hiện “3 tại chỗ” (làm việc tại chỗ, ăn nghỉ tại chỗ, cách ly tại chỗ), hoặc tổ chức chặt chẽ “một cung đường, hai điểm đến” (đưa và đón công nhân từ nơi ở tới nơi sản xuất).
Bảo đảm tài chính cho công tác phòng chống dịch. Công tác truyền thông phải đầy đủ, chính xác, kịp thời, thông suốt, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, kêu gọi, truyền cảm hứng để người dân yên tâm, tin tưởng, đồng tình và ủng hộ, cộng tác, tích cực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.
Tổ chức phân bổ, tiêm vaccine kịp thời, khoa học, an toàn và hiệu quả, linh hoạt cho các đối tượng theo tình hình thực tiễn.
Các địa phương phải phối hợp chặt chẽ, thuận lợi hơn. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhất là chấn chỉnh tình trạng lơi lỏng, chủ quan khi thực hiện Chỉ thị 15, 16, Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia nhấn mạnh, phải kiên định cách làm và đẩy cao thêm một mức cách mà chúng ta đã làm từ trước đến nay trên toàn quốc- Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 và có thể ở mức cao hơn
Về nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, Thủ tướng giao Bộ Y tế không để bị động, lúng túng, thiếu hụt nguồn nhân lực y tế; đánh giá, dự báo tình hình chính xác để Chính phủ điều hành kịp thời, tinh thần là phải chuẩn bị ở mức cao hơn. Hướng dẫn kịp thời để xử lý các vướng mắc.
Bộ Quốc phòng tham gia bảo đảm trật tự an toàn xã hội, cung ứng hàng hóa, tham gia hỗ trợ sản xuất theo tinh thần “đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân sản xuất”. Phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ để để đẩy nhanh sản xuất vaccine trong nước.
Bộ Công an chỉ đạo lực lượng công an bảo đảm an ninh trật tự và cùng với hệ thống chính trị ở cơ sở siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện giãn cách, cách ly, triển khai trên toàn quốc một cách bài bản.
Bộ Giao thông vận tải không để xảy ra ách tắc giao thông, nhất là vận chuyển hàng hóa, hướng dẫn để các địa phương phải thực hiện thống nhất trên toàn quốc, không ban hành “giấy phép con”. Bộ Công Thương dứt khoát bảo đảm hàng hóa, nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân, tập trung nắm tình hình, xử lý ngay các vướng mắc. Bộ Tài chính hướng dẫn các quy định về tài chính rõ ràng, chặt chẽ. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong vay và trả nợ, phục vụ sản xuất, bảo đảm cân đối vĩ mô, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn các địa phương thực hiện Nghị quyết 68 về hỗ trợ người gặp khó khăn và một số nội dung khác như tạm hoãn hợp đồng lao động. Bộ Ngoại giao tập trung vào các nhiệm vụ phục vụ phòng chống dịch như đẩy mạnh ngoại giao vaccine, chuyển giao công nghệ, cung cấp giá cả trang thiết bị phòng chống dịch để các đơn vị trong nước tham khảo. Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thiện, ban hành các quy định về ứng dụng công nghệ trong phòng chống dịch, thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông, chống các thông tin xuyên tạc, sai sự thật. Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các cơ quan thực hiện các nhiệm vụ liên quan tới chuyển giao công nghệ và công nhận các sản phẩm sản xuất trong nước.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nắm tình hình, chỉ đạo tiêu thụ, cung ứng, điều phối các nông sản. Bộ Kế hoạch và Đầu hướng dẫn thêm về đấu thầu, đấu giá trong điều kiện hiện nay. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các bộ ngành giải quyết các vấn đề bảo vệ môi trường, xử lý rác thải cho người dân, nhất là tại những nơi cách ly, phong tỏa, giãn cách.
Thủ tướng yêu cầu Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm nếu áp dụng Chỉ thị 16 và có thể ở mức cao hơn về một số điểm: Kiên quyết thực hiện giãn cách, người dân hạn chế đi lại, không ra khỏi nhà nếu không cần thiết, xử lý nghiêm các vi phạm; bảo đảm phối hợp chặt chẽ và thông suốt với các bộ, ngành; huy động cả hệ thống chính trị tại cơ sở vào cuộc, huy động các nguồn lực, đẩy mạnh hợp tác công – tư trong phòng chống dịch với hướng dẫn cụ thể.
Các thành viên Chính phủ nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ và lãnh đạo, chỉ đạo Bộ, ngành mình thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.