Mưa lớn bất thường gây ngập cục bộ tại TP Hạ Long, tháng 7/2020.
Diễn biến khó lường, hệ quả nghiêm trọng
Quảng Ninh nằm giáp khu vực Vịnh Bắc Bộ, nên trực tiếp hứng chịu nhiều cơn bão, áp thấp nhiệt đới và gió lốc. Địa hình đồi núi cũng là điều kiện để nước lũ các sông, suối đột ngột tăng cao khi có mưa lớn, gây sạt lở đất. Theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm Khí tượng thuỷ văn Quốc gia, trong vòng một thập kỷ qua nhiệt độ trung bình của tỉnh đã tăng khoảng 0,1 độ, trong đó nhiệt độ mùa hè tăng khoảng 0,1-0,3 độ. Nắng nóng có xu thế xuất hiện sớm và kết thúc muộn, số đợt nắng nóng nhiều hơn, xảy ra cục bộ và diễn biến phức tạp.
Không khí lạnh cũng có biểu hiện thất thường, mùa lạnh đến muộn, xuất hiện rét đậm, rét hại kéo dài mang tính lịch sử. Diễn biến mưa phức tạp hơn, xuất hiện nhiều trận mưa bất thường kèm theo mưa đá. Các cơn bão đổ vào Quảng Ninh thường kèm theo mưa lớn, có cơn bão lượng mưa từ 100-200mm, có nơi 500mm. Đây là nguyên nhân chính gây mưa lớn, tạo ra lũ gây xói mòn, sạt lở đất, ngập lụt, ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế - xã hội của tỉnh trên mọi phương diện.
Điển hình như trận lũ quét và vỡ đập Đầm Hà Động ở huyện Đầm Hà tháng 10/2014, gây cuốn trôi các đập thời vụ của các xã Quảng Lâm, Quảng An, ngập lụt nhà cửa, ruộng vườn, đầm nuôi trồng thuỷ sản vùng hạ lưu ở huyện... Đợt mưa lũ lịch sử cuối tháng 7, đầu tháng 8/2015 trên địa bàn tỉnh đã gây ngập úng nhiều nơi, khiến hơn 10.000 ngôi nhà, công trình giao thông bị hư hỏng, thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.
Nước giếng bị nhiễm mặn, người dân xã Vĩnh Trung (TP Móng Cái) chỉ có thể dùng để tắm, giặt. Ảnh: Hữu Việt
Trên địa bàn tỉnh còn nhiều khu vực nguy cơ cao bị ảnh hưởng của BĐKH, trong đó có trên 400 vị trí sạt lở, ngập lụt nguy hiểm. Tình trạng nhiễm mặn đã diễn ra ở nhiều nơi, tập trung ở các địa phương: Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Quảng Yên... với khoảng 1.800ha đất bị xâm mặn. Bên cạnh đó, lượng mưa trung bình năm có xu thế giảm tại hầu hết các khu vực. Điển hình, 6 tháng đầu năm 2020, do lượng mưa ít, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã xảy ra tình trạng mực nước tại các hồ, đập chứa thấp kỷ lục trong vòng nhiều năm trở lại đây. Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT) lượng nước tại 25 hồ thủy lợi lớn trên địa bàn tỉnh đết hết tháng 6/2020 còn hơn 133 triệu m3, giảm hơn 60 triệu m3 so với cùng kỳ năm 2019.
Tháng 7/2020, hồ Yên Lập có lượng nước trữ thấp nhất trong 38 năm qua, là 32,8 triệu m3, bằng 1/4 dung tích thiết kế. Ảnh: Thu Chung
Tác động gián tiếp của BĐKH cũng ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, làm tăng khả năng bùng phát và lan truyền các bệnh dịch như cúm A/H1N1, cúm A/H5N1, tiêu chảy... Đồng thời làm tăng khả năng xảy ra một số bệnh nhiệt đới như sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, làm tăng tốc độ sinh trưởng và phát triển nhiều loại vi khuẩn và côn trùng (ruồi, muỗi, chuột, bọ chét, ve). Những nguy cơ sức khỏe từ môi trường hiện nay lại càng trở nên cấp bách hơn khi dịch Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng con người...
Thay đổi nhận thức, chủ động ứng phó
Chủ động ứng phó với BĐKH, thời gian qua tỉnh đã nhận diện những tồn tại, bất cập, cũng như những áp lực đối với môi trường, từ đó ưu tiên nguồn lực đầu tư các dự án, đề án bảo vệ môi trường. Trong đó, chú trọng thực hiện các dự án về quản lý rác thải nhựa đô thị; trồng rừng, phục hồi, tái sinh rừng; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; cải tạo và phục hồi môi trường các khu vực ô nhiễm tồn lưu; thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt đô thị, khu dân cư... Đồng thời xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách, lồng ghép trong các cơ chế, chính sách xúc tiến đầu tư, hỗ trợ của nước ngoài cho các hoạt động ứng phó với BĐKH và nước biển dâng trên địa bàn tỉnh.
Hệ thống máy phun sương dập bụi cao áp tại khu sàng 1, Công ty CP Than Cọc Sáu - Vinacomin.
Tỉnh tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục; nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chủ động ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường trên địa bàn. Đặc biệt, đưa công tác ứng phó với BĐKH và bảo vệ tài nguyên, môi trường vào nội dung sinh hoạt của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể xã hội; chương trình giáo dục cho học sinh, sinh viên trong nhà trường... Thông qua công tác truyền thông, nhận thức của người dân, các ngành, các cấp về ứng phó với BĐKH và bảo vệ môi trường được nâng lên rõ rệt. Từ chỗ người dân có hiểu biết, có kiến thức ứng phó, thích ứng với BĐKH chỉ chiếm khoảng 1,5% dân số của tỉnh, đến nay nâng lên trên 60%.
Trên địa bàn tỉnh hiện đã xây dựng cơ sở dữ liệu đặc biệt phục vụ cho cảnh báo và phòng chống thiên tai với nhiều phương án đa dạng, linh hoạt, phù hợp thực tế, như: Phương án ứng phó với bão mạnh và siêu bão; phương án bảo vệ 5 vùng trọng điểm trên địa bàn tỉnh; xây dựng bản đồ nước biển dâng do bão với 5 kịch bản mô phỏng (4 kịch bản tương ứng với 4 cấp bão 13, 14, 15, 16 tổ hợp với triều cường; 1 kịch bản ứng với cấp bão 13 tổ hợp với triều cường trung bình); xây dựng bản đồ lũ quét, sạt lở trên địa bàn tỉnh.
Trồng rau trong nhà lưới của Công ty Đầu tư xây dựng và Phát triển thương mại 188 (TX Đông Triều).
Ông Trần Như Long, Giám đốc Sở TN&MT, cho biết: Sở đã lồng ghép các quy định liên quan đến áp dụng quy chuẩn kỹ thuật địa phương về môi trường trên địa bàn tỉnh vào quá trình thẩm định, trình phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án. Với quy chuẩn kỹ thuật môi trường được thực hiện sẽ thúc đẩy việc áp dụng tiêu chuẩn môi trường của những nước phát triển châu Âu, Nhật Bản; xúc tiến các hoạt động giáo dục môi trường và nâng cao nhận thức cộng đồng; đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là xử lý ô nhiễm môi trường; tiếp tục vận hành các trạm quan trắc môi trường tự động nhằm cung cấp thông tin để phục vụ công tác quản lý nhà nước... Qua đó góp phần bảo vệ môi trường bền vững.
Trong hoạt động sản xuất, các cơ sở sản xuất có phát sinh khí thải lớn trên địa bàn tỉnh đã thực hiện giải pháp quản lý mới, cải tiến công nghệ, áp dụng công nghệ trong việc giảm thiểu phát sinh bụi, khí thải gây ô nhiễm môi trường. TKV đã xây dựng, triển khai Đề án đảm bảo môi trường cấp bách ngành Than. Thời gian qua, các đơn vị thành viên TKV tiếp tục đầu tư lắp đặt thêm hàng trăm máy phun sương dập bụi, xe tưới đường mỏ chuyên dùng công suất lớn; đưa vào vận hành tuyến đường sắt vận chuyển xít thải ngược mỏ...
Các đơn vị sản xuất xi măng đã lắp đặt hệ thống lọc bụi tĩnh điện, lọc bụi túi, lọc bụi tay áo để xử lý bụi khí thải; định kỳ bảo dưỡng, cải tạo, nâng cấp hệ thống... nhằm giảm thiểu bụi phát sinh ra môi trường. Các đơn vị nhiệt điện lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động; hệ thống lọc bụi tĩnh điện, hệ thống xử lý lưu huỳnh từ khi bắt đầu đi vào vận hành... Tỉnh đã chấm dứt hoạt động các lò sản xuất vôi thủ công từ tháng 6/2019; các cơ sở sản xuất gạch, ngói, gốm sứ trên địa bàn đều chuyển đổi công nghệ đốt sang dùng khí hóa than, lắp đặt hệ thống xử lý bụi để giảm thiểu bụi, khí thải ra môi trường.
Người dân tham gia trồng rừng ngập mặn ở xã Đồng Rui (huyện Tiên Yên). Ảnh:Lê Nam
Quảng Ninh đã tích cực huy động các tổ chức quốc tế hỗ trợ giúp tỉnh ứng phó với BĐKH thông qua hình thức vận động vốn ODA viện trợ không hoàn lại và sử dụng hình thức vay vốn ODA, vận động các tổ chức phi chính phủ vào cuộc trong trồng rừng ngập mặn, ngăn ngừa thảm hoạ, hướng dẫn người dân sử dụng hiệu quả năng lượng, tái sử dụng, tái chế để hạn chế rác thải nhựa...
Tỉnh chủ động thực hiện nhiều nội dung lồng ghép mục tiêu ứng phó BĐKH với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; kịch bản BĐKH, nước biển dâng được cập nhật thường xuyên. Các địa phương trong tỉnh chú trọng chuyển đổi cơ cấu, giống, cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp để thích ứng với BĐKH, như: Thử nghiệm trồng một số loại cây ăn quả theo công nghệ Đài Loan (Trung Quốc); trồng rau, hoa trong nhà lưới, công nghệ thủy sinh; chuyển đổi gần 250ha đất trồng lúa sang trồng cây hằng năm...
Hệ thống đê biển trên địa bàn tỉnh được đầu tư kiên cố, đảm bảo ứng phó với mưa bão, nước biển dâng cao.
Theo ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở NN&PTNT, những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã chú trọng phát triển nông nghiệp xanh để giảm phát thải khí nhà kính, như: Áp dụng xử lý chăn nuôi bằng hầm biogas; xử lý môi trường trong chăn nuôi bằng men sinh học, xử lý phân bằng công nghệ ép, tách chất thải trong chăn nuôi... Mặt khác, để chủ động các phương án, điều kiện phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, tỉnh đã chú trọng nâng cấp, cải tạo các hồ, đập. Trong tổng số 180 hồ chứa nước thì có 27 hồ được nâng cấp cải tạo, bảo đảm an toàn; 9 hồ đang sửa chữa và nâng cao an toàn đập. Sở đã phê duyệt phương án vùng trọng điểm phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh, gồm 5 vùng: Vùng số 1 - đê Hà Nam, TX Quảng Yên; vùng số 2 - dân cư vùng nguy cơ sạt lở đất và lũ quét; vùng số 3 - dân cư và tàu thuyền hoạt động trên Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long và vùng biển Quảng Ninh; vùng số 4 - đê tả sông Kinh Thầy, TX Đông Triều; vùng số 5 - hồ chứa nước Yên Lập. Trên cơ sở này, các địa phương của tỉnh chủ động tổ chức thực hiện phương án đảm bảo an toàn, nhất là trước thiên tai do BĐKH.
UBND xã Quan Lạn (huyện Vân Đồn) cùng ngư dân thả con rùa biển nặng 56kg đánh bắt được về môi trường tự nhiên, tháng 11/2020. Ảnh: Mạnh Trường
Cán bộ, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh tham gia trồng cây bảo vệ môi trường.
Công tác bảo tồn sinh học, bảo tồn tự nhiên cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm. Hằng năm, các địa phương trong tỉnh tích cực trồng rừng thay thế trên diện tích được quy hoạch phòng hộ từ nguồn kinh phí của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng. Từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh trồng được 1.908,71ha rừng phòng hộ...
Ứng phó với BĐKH của tỉnh trong thời gian qua đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, với quá trình BĐKH nhanh, cùng với giải pháp về đầu tư phát triển hạ tầng, nâng cao năng lực dự báo, chủ động phòng ngừa thiên tai..., thì giải pháp hiệu quả và lâu dài vẫn là nâng cao ý thức, trách nhiệm, chung tay bảo vệ môi trường của cộng đồng.