Với tổng kinh phí hơn 15.000 tỷ đồng, TP. Đà Nẵng phấn đấu đến năm 2025 sẽ đáp ứng các mục tiêu, chỉ tiêu của giai đoạn và có lộ trình đến năm 2030 theo hướng đô thị sinh thái; tạo sự an toàn về sức khỏe và môi trường cho người dân, các nhà đầu tư, du khách trong và ngoài nước khi đến với Thành phố.
Đà Nẵng họp báo giới thiệu về Đề án “Xây dựng Đà Nẵng-Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030 - Ảnh: VGP/Lưu Hương
Sáng ngày 19/4, TP. Đà Nẵng đã họp báo giới thiệu về Đề án “Xây dựng Đà Nẵng-Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030.
Sự kiện có sự kết nối trực tuyến với các tổ chức, đối tác về tài nguyên và môi trường của Thành phố trong thời gian qua như: Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, Cơ quan phát triển quốc tế Nhật Bản (JICA), Thành phố Yokohama Nhật Bản, Cơ quan hợp tác quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP)...
Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng cho biết: Năm 2008, Thành phố xây dựng dựng Đề án Thành phố môi trường là một quyết sách sáng tạo và quyết tâm cao hiện thực mong muốn trở thành thành phố xanh, sạch đẹp trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn.
Sau 12 năm, Đà Nẵng đã đạt được những kết quả vững chắc như cấp nước đô thị đạt 99%, 100% nước thải tại các khu công nghiệp được thu gom, xử lý, thực hiện quan trắc tự động, liên tục; giải quyết cơ bản được 13/15 điểm nóng về môi trường; hơn 83% nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý; tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt đạt 95%; đặc biệt, cộng đồng người dân Thành phố đã tích cực tham gia các phong trào như: Ngày Chủ nhật xanh, sạch, đẹp; khu dân cư thân thiện môi trường; phụ nữ sống xanh; 195 câu lạc bộ cựu chiến binh bảo vệ môi trường.
Với những kết quả đã đạt được, TP. Đà Nẵng đã đạt được nhiều giải thưởng, như Thành phố bền vững về môi trường (ASEAN), Thành phố carbon thấp (APEC), Thành phố phong cảnh, Thành phố xanh quốc gia và quan trọng hơn, Đà Nẵng đã xây dựng được thương hiệu "Thành phố đáng sống".
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế như tình trạng rác thải bừa bãi; các điểm nóng ô nhiễm môi trường còn kéo dài như bãi rác Khánh Sơn, Âu thuyền Thọ Quang; phát sinh nhiều sự cố cục bộ, ô nhiễm môi trường nông thôn gia tăng…
Người dân Thành phố đã tích cực tham gia các phong trào bảo vệ môi trường, thu gom rác thải nhựa - Ảnh: VGP/Lưu Hương
Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, xử lý những tồn tại, tiếp tục xây dựng hình ảnh “Thành phố môi trường”, TP. Đà Nẵng đã xây dựng và ban hành đề án “Xây dựng Đà Nẵng – Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030.
Đề án gồm 4 nhóm thành phần trọng tâm: Phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm; cải thiện môi trường, giải quyết những vấn đề trọng tâm, trọng điểm; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; và tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường với 31 tiêu chí cụ thể.
Đề án đặt ra các mục tiêu tiếp tục duy trì, giữ vững và nâng cao hơn nữa các tiêu chí môi trường đang có; phấn đấu đến năm 2025 sẽ đáp ứng các mục tiêu, chỉ tiêu của giai đoạn và có lộ trình đến năm 2030 theo hướng đô thị sinh thái; tạo sự an toàn về sức khỏe và môi trường cho người dân, các nhà đầu tư, du khách trong và ngoài nước khi đến với Thành phố.
Về giải pháp, bảo vệ môi trường được lồng ghép trong các chiến lược quay hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng CMCN 4.0; chủ động phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, giải quyết các vấn đề môi trường trọng điểm cấp bách; khắc phục ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu; huy động các nguồn lực trong cộng đồng bảo vệ môi trường…
Tổng kinh phí thực hiện đề án dự kiến hơn 15.000 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước hơn 5.400 tỷ đồng, nguồn vốn ODA 3.200 tỷ đồng và nguồn vốn xã hội hóa hơn 6.900 tỷ đồng.