Ngày 6-1, tại TP Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Hội thảo với chủ đề “Phát triển các mô hình đô thị và bài toán nhà ở”, với sự tham của của nhiều chuyên gia quy hoạch đô thị trong và ngoài nước, nhằm định hướng phát triển các mô hình đô thị, giải bài toán thiếu nhà ở, quá tải hạ tầng hiện nay.
Các chuyên gia quy hoạch trao đổi tại Hội thảo.
Theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ nhà giá rẻ cho người thu nhập thấp (giá từ 20 triệu đồng/m2 trở xuống) giảm từ 51% năm 2019 xuống còn 1% vào năm 2020. Đây là con số báo động cho sự lệch pha của cơ cấu nhà ở, đòi hỏi các chính sách cần thiết để ổn định thị trường nhà ở.
Bên cạnh đó, theo ông Phạm Đăng Hồ, Trưởng phòng Phát triển nhà và Thị trường bất động sản, Sở Xây Dựng TP Hồ Chí Minh, nhà ở xã hội tại thành phố cũng chiếm tỷ trọng thấp, chỉ khoảng 3% tổng diện tích sàn xây dựng. Trong giai đoạn 2016 - 2020, TP Hồ Chí Minh có 23 dự án nhà ở xã hội hoàn thành và đưa vào sử dụng cung ứng hơn 1 triệu m2 sàn nhà ở ra thị trường (tương ứng khoảng 17.900 căn hộ). Trong khi đó, nhu cầu nhà ở xã hội giai đoạn này lên tới 80.000 căn hộ.
Để giải bài toán nhà ở cho người dân, trong thời gian tới, TP Hồ Chí Minh sẽ đa dạng hóa các phương thức đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Trong đó, ưu tiên sử dụng vốn ngân sách để xây dựng nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước. Sử dụng quỹ đất 20% đất ở tại các dự án để xây dựng nhà ở xã hội. Tiếp tục Cải cách hành chính, đơn giản thủ tục trong việc cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất. Đồng thời khi xây dựng thành phố Thủ Đức, thành phố sẽ ưu tiên quỹ đất để dành cho nhà ở xã hội, nhằm bảo đảm an sinh xã hội…
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý Quy hoạch chung, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, xây dựng các khu đô thị vệ tinh là giải pháp căn cơ vừa chỉnh trang đô thị, giải quyết bài toán quá tải hạ tầng, nén dân số tại khu vực trung tâm, đồng thời cũng giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân.