Hạ Long là một trong 4 thành phố và là thủ phủ, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, thương mại, dịch vụ của tỉnh Quảng Ninh với Vịnh Hạ Long, được UNESCO nhiều lần công nhận là di sản thiên nhiên của thế giới. TP Hạ Long có vị trí chiến lược quan trọng trong khu vực Đông Bắc Việt Nam, gần 2 đô thị lớn là Thủ đô Hà Nội, TP Hải Phòng và tương đối gần biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I từ năm 2013.
Ngày 9/10/2013, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Quyết định số 2725/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2030, tầm nhìn ngoài năm 2050. Sau gần 6 năm thực hiện, đến nay TP Hạ Long đã có những bước phát triển mạnh mẽ trên các mặt KT-XH với tốc độ đô thị hóa nhanh, bộ mặt đô thị, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và dịch vụ đã có sự thay đổi nhanh chóng, đồng bộ và hiện đại.
Trong khi đó Hoành Bồ là huyện có diện tích tự nhiên lớn (trên 850km2) nằm ở phía Tây của tỉnh, tiếp giáp với 3 thành phố lớn là Hạ Long, Cẩm Phả và Uông Bí; tiếp giáp với trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và du lịch của tỉnh. Theo định hướng quy hoạch vùng đã được UBND tỉnh phê duyệt, Hoành Bồ thuộc vùng đô thị trung tâm của Quảng Ninh kết nối với các địa phương miền Đông và miền Tây của tỉnh.
Ngoài vị trí địa lý thuận lợi, Hoành Bồ có hệ thống giao thông kết nối với các tuyến giao thông huyết mạch của cả nước, là khu vực giao cắt của tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái, gần hành lang kinh tế Đông - Tây, có QL279 đã được nâng cấp đi qua kết nối với tỉnh Bắc Giang đi Lạng Sơn.
Có thể thấy rõ, trong quá trình xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Ninh, việc mở rộng địa giới hành chính, không gian phát triển của TP Hạ Long đã được Đảng và Nhà nước, các thế hệ lãnh đạo Trung ương và tỉnh Quảng Ninh qua các thời kỳ đặc biệt quan tâm, nghiên cứu, đưa ra những chủ trương, quyết sách đúng đắn, với tầm nhìn xa, lộ trình bài bản, từng bước chắc chắn theo hướng phát triển nhanh, bền vững.
Nhìn lại hành trình phát triển, TP Hạ Long (trước đây là TX Hồng Gai) đã nhiều lần được điều chỉnh địa giới có liên quan đến huyện Hoành Bồ. Như năm 1958, đã sáp nhập xã Thành Công thuộc huyện Hoành Bồ vào thị xã Hồng Gai, đến năm 1991, tiến hành sáp nhập xã Thành Công vào phường Hà Khẩu. Năm 2001, tiếp tục sáp nhập xã Việt Hưng và Đại Yên của huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long.
Trong các quy hoạch chiến lược của tỉnh cũng đã đánh giá TP Hạ Long và huyện Hoành Bồ có mối liên hệ gắn bó đặc biệt trên hầu hết phương diện. Hai địa phương có nhiều điểm tương đồng, gắn kết khách quan với nhau từ lịch sử, văn hóa, địa giới, kết nối KT-XH. Cùng với đó, hai địa phương có nhiều điểm khác biệt, là thế mạnh của bên này đồng thời là nhu cầu bổ khuyết của bên kia; có khả năng tương hỗ lẫn nhau rất tốt, không chỉ một chiều mà là cả hai chiều, rất thuận lợi khi sáp nhập tổng thể.
Từ yêu cầu thực tiễn của sự phát triển, việc nhập địa giới hành chính huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long thời điểm này được cho là chín muồi và không thể chậm trễ. Điều này không chỉ thể hiện ở sự quyết liệt của hệ thống chính trị của tỉnh, các địa phương thời gian qua, mà còn thể hiện ở sự đồng thuận, nhất trí trong cán bộ, đảng viên, nhân dân toàn tỉnh, nhất là tại 2 địa phương Hoành Bồ và Hạ Long.
Với mục tiêu xây dựng Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, cần có hạt nhân khởi động đủ tầm sức mạnh. Do đó, việc sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long sẽ tạo cho TP Hạ Long mới có một không gian đủ lớn để phát triển không chỉ 20-30 năm, mà trong tương lai xa sẽ trở thành một thành phố với các ưu thế tiềm năng phát triển, đáp ứng mọi yêu cầu về đất đai, dân số và các cơ sở hạ tầng chủ yếu, có môi trường trong lành, cảnh quan đẹp... đồng thời cũng là giải pháp tối ưu phát huy tiềm năng, lợi thế vốn có của huyện Hoành Bồ vốn dĩ chưa được khơi dậy.
Định hướng này cũng hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Trung ương và định hướng phát triển đô thị, phát triển KT-XH của Quảng Ninh trong giai đoạn hiện nay nhằm đưa tỉnh Quảng Ninh phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là một trong những đầu tàu kinh tế của miền Bắc và cả nước. Không chỉ để bảo đảm tiêu chí diện tích, dân số của đô thị, mà quan trọng hơn là tạo được không gian cho sự phát triển xứng tầm của một đô thị du lịch biển đầu tiên trong cả nước và là mũi nhọn, là cực tăng trưởng về kinh tế, tạo bước đột phá mới của tỉnh; thúc đẩy KT-XH của đơn vị hành chính phụ cận cùng phát triển, có cơ hội được hưởng thụ mức sống cao hơn, chất lượng hơn.
Theo Quangninh.gov.vn