Trong độ tuổi đến trường, nhu cầu đọc của trẻ em là rất lớn. Văn hóa đọc vì thế ảnh hưởng sâu rộng tới quá trình nhận biết thế giới và hình thành nhân cách của trẻ. Để lan tỏa và phát triển văn hóa đọc cho lứa tuổi học sinh là một hành trình bền bỉ, đòi hỏi sự kiên nhẫn, sáng tạo trong mỗi trang sách. Có như vậy thì văn hóa đọc và niềm đam mê đọc sách ở trẻ mới được nhân rộng.
Các bạn nhỏ đọc và mua sách tại Phố sách 19/12. Ảnh: Diệu Anh
Sách có vai trò quan trọng trong sự phát triển của mỗi con người, ở mỗi lứa tuổi, lợi ích từ việc đọc sách mang lại có những điểm khác biệt. Ở lứa tuổi học sinh, hình thành thói quen đọc sách, làm bạn với những trang sách bổ ích, lý thú sẽ giúp phát triển tốt hơn về sự hiểu biết, vốn sống, cách ứng xử, chia sẻ với mọi người, trau dồi khả năng diễn đạt bằng ngôn ngữ nói và viết. Ở tuổi trưởng thành, mỗi người cần đọc sách để cập nhật kiến thức, thông tin để trau dồi kỹ năng, nghề nghiệp tránh bị lạc hậu trong thời đại hiện nay.
Em Nguyễn Thị Hoa (học sinh tại một trường THCS quận Hoàn Kiếm) chia sẻ, trước đây em là người khá nhút nhát, nhưng được bố mẹ thường xuyên cho đi nhà sách chơi và tìm hiểu về sách, đọc sách thường xuyên nên em đã dần mạnh dạn hơn trong giao tiếp. Vừa qua, trong những ngày ở nhà vì dịch COVID-19, thay vì đến thư viện đọc sách, em lựa chọn đọc sách trực tuyến để cập nhật kiến thức. Với kho dữ liệu lớn, dễ tìm kiếm, em có thể thoải mái chọn những cuốn sách muốn đọc.
Có thể thấy, để văn hóa đọc phát triển bền vững, lan tỏa trong cộng đồng thì từ lứa tuổi nhỏ, các em phải được làm quen với sách, được cha mẹ, thầy cô giáo hướng dẫn cách chọn sách và phương pháp đọc sách hiệu quả. Các thư viện thân thiện, thư viện góc lớp tại các trường học giúp tiếp cận với sách, từ đó khuyến khích học sinh tích cực đọc sách, qua đó hỗ trợ học tập, trau dồi kiến thức, khơi dậy niềm đam mê đọc sách.
Nắm bắt nhu cầu đọc sách của trẻ em trong dịp hè gia tăng, thời gian qua, các tác giả, nhà xuất bản, công ty phát hành sách đã tích cực chuẩn bị giới thiệu, cho ra mắt nhiều đầu sách hay, hấp dẫn. Sự chủ động này cho thấy thị trường sách thiếu nhi đã được chú trọng, đồng thời phản ánh nhu cầu đọc sách của trẻ em ngày càng lớn. Đây là tín hiệu đáng mừng, khẳng định văn hóa đọc đang lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.
Mùa hè được coi là mùa sách mới, bởi thế các nhà xuất bản đồng loạt giới thiệu, ra mắt đến đông đảo bạn đọc trên cả nước hàng trăm tựa sách phong phú về thể loại, hấp dẫn về nội dung và hình thức, mở rộng theo biên độ lứa tuổi, mới mẻ và thú vị dành cho các độc giả nhí. Sách kỹ năng cho bé mẫu giáo đồng hành cùng bố mẹ trong việc hướng dẫn, phát triển các kỹ năng cho trẻ theo đúng độ tuổi như các cuốn sách cẩm nang, giáo dục trẻ, truyện cổ tích Việt Nam và thế giới vô cùng đa dạng... hay sách về đề tài tình cảm gia đình được làm sâu sắc và phù hợp với nhận thức của các em lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học...
Đọc sách trong mùa hè là một sinh hoạt lành mạnh, bổ ích của trẻ em. Song, ở thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, văn hóa nghe - nhìn đang lấn át văn hóa đọc... thì việc làm thế nào để nuôi dưỡng ham mê đọc sách ở trẻ là một thách thức không nhỏ đặt ra cho không chỉ người viết, nhà xuất bản, mà cả các bậc làm cha, làm mẹ.
Để làm được điều này, kinh nghiệm thời gian qua cho thấy, các đơn vị xuất bản, phát hành sách vẫn phải đặc biệt quan tâm đến nội dung, hình thức của xuất bản phẩm. Theo đó, phải thường xuyên đổi mới, bắt kịp và đón đầu xu thế thị hiếu của trẻ nhỏ nhưng đồng thời vẫn phải bảo đảm các yếu tố gần gũi, có tính giáo dục, khơi gợi sự sáng tạo để nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ trong sáng, có ý chí, nghị lực ngay từ khi còn nhỏ...
Bên cạnh đó, các nhà xuất bản, công ty phát hành cần quan tâm đến công tác truyền thông, quảng bá xuất bản phẩm để tiếp cận với độc giả nhí một cách nhanh nhất. Việc này cần triển khai bằng nhiều kênh hoặc có thể gắn với tổ chức các hoạt động, sự kiện, giới thiệu sách trên mạng xã hội, phương tiện thông tin đại chúng...
Nhìn chung, để xây dựng một nền văn hóa đọc lành mạnh, bổ ích cho thiếu nhi cần sự tham gia có nhiệt huyết từ nhiều phía các bậc phụ huynh, các nhà quản lý văn hóa, thầy cô giáo và quan trọng nhất là đội ngũ những người sáng tác.