Theo đó, Bộ Xây dựng xác định các quan điểm, mục tiêu trong Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 66/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025, cụ thể như sau:
Về quan điểm:
Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ về cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), điều kiện đầu tư kinh doanh (ĐKĐTKD), tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng; thúc đẩy đổi mới, sáng tạo; đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần bảo đảm mục tiêu tăng trưởng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, động lực, mục tiêu của sự phát triển; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; bảo đảm 05 rõ: “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả, rõ trách nhiệm” để đánh giá, đo lường, kiểm tra, giám sát; tăng cường vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ cắt giảm, đơn giản hóa TTHC.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong thực hiện TTHC, gắn với phân bổ nguồn lực, đề cao trách nhiệm thực thi theo hướng giảm việc giải quyết thủ tục của cơ quan trung ương, “cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất thì giao cấp đó giải quyết, không để tình trạng nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, tiêu cực”; gắn kết chặt chẽ với ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.
Tiếp tục đổi mới toàn diện, nâng cao hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông; bảo đảm công khai, minh bạch, tối ưu hóa quy trình, thực hiện TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính; cắt giảm, đơn giản hóa TTHC nội bộ, nâng cao năng suất lao động, hiệu lực, hiệu quả quản lý, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản trị hành chính của Bộ.
Thực hiện đồng bộ, thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện thực tiễn; kế thừa, phát huy những thành tựu đã đạt được, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế để vận dụng hiệu quả; huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, sự tham gia của các chuyên gia, doanh nghiệp, tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân.
Về mục tiêu năm 2025:
Kế thừa các kết quả đạt được của Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025, tiếp tục tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, ĐKĐTKD và đạt mục tiêu cụ thể như sau:
Cắt giảm, đơn giản hoá ngay TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh bảo đảm bãi bỏ ít nhất 30% ĐKĐTKD không cần thiết; giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết của các TTHC, 30% chi phí tuân thủ TTHC.
100% TTHC liên quan đến doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến, thông suốt, liền mạch, hiệu quả, bảo đảm minh bạch, giảm tối đa giấy tờ.
100% TTHC được thực hiện không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh.
Hoàn thành việc thực thi 100% phương án về phân cấp thẩm quyền giải quyết TTHC đã được phê duyệt tại Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
100% TTHC nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước và trong từng cơ quan hành chính nhà nước được rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, thời gian giải quyết, chi phí thực hiện và sửa đổi, hoàn thiện để phù hợp với việc thực hiện tinh gọn, sắp xếp bộ máy, đồng thời bảo đảm thông suốt, hiệu quả.
Về tổ chức thực hiện:
Văn phòng Bộ, các Vụ, Cục thuộc Bộ, Trung tâm Công nghệ thông tin xác định việc thực hiện Kế hoạch là nhiệm vụ trọng tâm năm 2025. Chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng và đạt được mục tiêu của Kế hoạch. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về kết quả thực hiện Kế hoạch.
Đồng thời gửi phương án cắt giảm, đơn giản hóa TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh để lấy ý kiến Bộ Tài chính, bộ, cơ quan, địa phương liên quan và Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Chủ động đề xuất sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các quy định, TTHC tại các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), áp dụng hình thức một văn bản sửa đổi nhiều văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định pháp luật về xây dựng, ban hành VBQPPL để thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Định kỳ tháng, quý, năm, các đơn vị báo cáo tình hình, kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao (là một nội dung riêng trong báo cáo kiểm soát TTHC, báo cáo cải cách TTHC) gửi Văn phòng Bộ để tổng hợp, tham mưu cho Bộ trưởng gửi Văn phòng Chính phủ tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.