Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Khó khăn chưa có tiền lệ
Tại Hội nghị, báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh, Tổng giám đốc VICEM Lê Nam Khánh cho biết: Năm 2023, toàn VICEM sản xuất 16,54 triệu tấn clinker, trên 20,5 triệu tấn xi măng. Sản lượng tiêu thụ gần 22,6 triệu tấn, trong đó tiêu thụ nội địa 19,68 triệu tấn, xuất khẩu 2,85 triệu tấn. Tổng doanh thu 30.169 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước 1.378 tỷ đồng; thu nhập bình quân toàn VICEM đạt 18,01 triệu đồng/người/tháng.
Theo đánh giá của Tổng giám đốc VICEM, doanh thu, lợi nhuận năm 2023 của VICEM không đạt kế hoạch, giảm so với thực hiện năm 2022. Nguyên nhân do VICEM và các đơn vị thành viên xây dựng kế hoạch năm 2023 với các chỉ tiêu khả quan nhưng diễn biến thực tế cho thấy, nhu cầu tiêu thụ xi măng thấp, sản lượng tiêu thụ của toàn VICEM sụt giảm, làm tăng chi phí cố định trên tấn sản phẩm; giá thu về giảm.
Năm 2023 là năm khó khăn chưa từng có trong tiền lệ, ảnh hưởng tình hình thế giới, thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi, nguồn cung xi măng vượt xa so với cầu; giá nguyên, nhiên liệu cho đầu vào cho sản xuất xi măng vẫn ở mức cao. Tiêu thụ xi măng trong nước và xuất khẩu sụt giảm, tồn kho tăng cao, một số nhà máy phải giảm năng suất hoặc dừng lò để hạn chế đổ clinker ra bãi, làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh. Xu hướng dịch chuyển nhu cầu từ xi măng bao sang xi măng rời tăng, giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh của VICEM do giá trị thương hiệu gắn với xi măng bao…
Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, tiết giảm chi phí
Trước tình hình sản xuất, kinh doanh khó khăn, năm 2023, VICEM và các đơn vị thành viên đã thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp trong quản lý hoạt động; đoàn kết, vượt khó, nỗ lực trên tất cả các lĩnh vực, qua đó, duy trì việc làm và ổn định thu nhập cho người lao động. Các đơn vị thành viên tương thân, tương ái, hỗ trợ lẫn nhau.
“Trong quá trình quản lý điều hành, VICEM nhận định, dự báo trước khó khăn nên đã linh hoạt, chủ động trong huy động năng suất lò nung bám sát thực tế thị trường; phối hợp chặt giữa khối sản xuất và tiêu thụ để rà soát, xây dựng các kịch bản; linh hoạt lựa chọn phương án chạy lò hiệu quả nhất, tương ứng với cơ cấu, chủng loại than, tối ưu vận hành, hạn chế thấp nhất đổ clinker ra bãi”, Tổng giám đốc VICEM cho biết.
Nghi thức trao đuốc trang trạng, xúc động. Tổng giám đốc VICEM nhận đuốc từ VICEM Sông Thao và trao lại cho lãnh đạo VICEM Hải Phòng.
Trong bối cảnh khó khăn đó, giải pháp được VICEM triển khai hiệu quả, đó là tập trung nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo, tiết giảm chi phí. Đồng thời, nghiên cứu sản phẩm mới giảm phát thải ra môi trường, sản xuất chủng loại xi măng xuất khẩu đáp ứng yêu cầu chất lượng của đơn hàng...
Tăng cường sử dụng nguyên nhiên liệu thay thế như rác thải, bùn thải và sử dụng thạch cao nhân tạo trong sản xuất đạt con số đáng mừng. Tổng lượng rác thải sử dụng tại 4 đơn vị thành viên (VICEM Hà Tiên, VICEM Bút Sơn, VICEM Hạ Long và VICEM Sông Thao) là 258.943 tấn, tương ứng tỷ lệ bình quân thay thế nhiệt năng 19,97%. Tổng lượng bùn thải sử dụng tại 2 đơn vị thành viên (VICEM Bút Sơn và VICEM Hạ Long) là 60.972 tấn, đạt 107,3% kế hoạch năm, tương ứng thay thế sét 9,04% sét (kế hoạch năm 2023 tỷ lệ thay thế là 7,76%). Tổng lượng tro, xỉ sử dụng 2,045 triệu tấn, tương ứng tỷ lệ sử dụng bình quân là 10,66% tấn tro xỉ/tấn xi măng. Tổng lượng thạch cao nhân tạo sử dụng thực hiện năm 2023 là 306.485 tấn, tương ứng tỷ lệ bình quân thay thế thạch cao tự nhiên là 42%. Riêng VICEM Sông Thao đã sử dụng 100% thạch cao nhân tạo. Năm 2023, VICEM tiết kiệm được 106,04 tỷ đồng nhờ tăng cường sử dụng thạch cao nhân tạo; tiết kiệm 416,16 tỷ đồng khi tăng cường sử dụng rác thải thông thường thay thế một phần than cám; tiết kiệm 19,51 tỷ đồng nhờ sử dụng bùn thải thay thế sét.
Đồng tâm vượt khó, về đích năm 2024
Nhận định năm 2024 tiếp tục là năm khó khăn, tình hình thế giới dự báo diễn biến phức tạp, khó lường. Kinh tế Việt Nam vừa có những thuận lợi, vừa chịu “tác động tiêu cực kép” từ yếu tố bất lợi bên ngoài và hạn chế, bất cập bên trong. Nhu cầu xi măng trong nước khó tăng trưởng cao, nguồn cung xi măng vượt xa cầu, một số dây chuyền mới dự báo đi vào sản xuất như: Vissai Đại Dương 2, Xi măng Xuân Sơn, cạnh tranh thị trường xi măng ngày càng khốc liệt. Xuất khẩu xi măng, clinker tiếp tục gặp khó.
Nhận diện khó khăn, thách thức là tất yếu, nhưng với quyết tâm cao, nỗ lực không ngừng, đồng tâm vượt khó, VICEM đặt mục tiêu năm 2024, sản xuất 17,03 triệu tấn clinker, tăng 3 % so với năm 2023. Tổng sản lượng tiêu thụ 24,31 triệu tấn, tăng 7,7% so với năm 2023, trong đó, tiêu thụ xi măng nội địa 18,57 triệu tấn, tăng 5,3% so với năm 2023; tổng doanh thu 29.814 tỷ đồng.
Lãnh đạo VICEM và các đơn vị thành viên vinh danh các nhà phân phối xuất sắc năm 2023.
Về lợi nhuận, Tổng Giám đốc Lê Nam Khánh phân tích: Do khó đoán định về tình hình biến động giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào và nhu cầu xi măng chưa có dấu hiệu phục hồi nên VICEM và các đơn vị thành viên đang nỗ lực, cố gắng phân tích, đánh giá kỹ các thông tin và điều kiện thực tế hoạt động, rà soát tiết giảm tối đa chi phí, để xây dựng kế hoạch lợi nhuận năm 2024.
Đồng thời, Tổng Giám đốc VICEM Lê Nam Khánh đề nghị các đơn vị thực hiện triệt để, hiệu quả các giải pháp về sản xuất, tiêu thụ, đầu tư xây dựng, quản trị điều hành và tái cơ cấu doanh nghiệp.
Năm 2024, VICEM tiếp tục định hướng đầu tư xây dựng tập trung vào 4 nhóm lĩnh vực chủ yếu, trong đó trọng tâm là các dự án tận dụng nhiệt khí thải để phát điện và triển khai hoàn thiện dự án Trung tâm điều hành và giao dịch VICEM.
“Với truyền thống 124 năm ngày ra đời ngành Xi măng Việt Nam, 94 năm ngày truyền thống Ngành và 44 năm ngày thành lập VICEM, Tổng công ty kêu gọi các đơn vị thành viên, cùng toàn thể cán bộ công nhân viên VICEM tiếp tục nỗ lực, cố gắng, năng động, sáng tạo, nêu cao tinh thần đoàn kết, kỷ luật, kỷ cương nhằm hoàn thành xuất sắc mục tiêu, nhiệm vụ trong năm 2024”, Tổng Giám đốc VICEM Lê Nam Khánh nhấn mạnh.
Nâng cao hiệu quả quản lý, quản trị doanh nghiệp
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng khẳng định: Trong bối cảnh khó khăn, thị trường cung vượt cầu, giá nguyên nhiên liệu đầu vào cho sản xuất xi măng, đặc biệt giá than, dầu xăng luôn ở mức cao, tình hình thế giới và trong nước dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; Ban lãnh đạo VICEM đã triển khai đồng bộ các giải pháp, tập thể cán bộ công nhân viên lao động đoàn kết, vượt khó. Kết quả khiêm tốn nhưng VICEM có bước phát triển vững chắc và tiến bộ trong năm 2023, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, giữ vững vai trò dẫn dắt, định hướng, bình ổn thị trường xi măng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô của đất nước.
Nhận định năm 2024 là năm khó khăn không chỉ riêng với ngành Xi măng; Thứ trưởng đề nghị tập thể cán bộ, công nhân viên lao động toàn VICEM tiếp tục đoàn kết, nỗ lực thực hiện các Nghị quyết Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương và Bộ Xây dựng giao; đảm bảo phát huy tốt nhất vai trò, nhiệm vụ của doanh nghiệp Nhà nước trong sản xuất kinh doanh, tham gia bình ổn, điều tiết thị trường xi măng.
“Cần đặt ra các kịch bản cụ thể trình các cấp ngành có thẩm quyền phê duyệt. Đầu tư, tập trung quyết liệt lập, khởi công dự án tận dụng nhiệt thừa phát điện, phấn đấu đến năm 2025, 10 nhà máy hoàn thành tận dụng nhiệt thừa phát điện. Để mở rộng thị trường tiêu thụ, ngoài các đại lý phân phối, VICEM tập trung các dự án lớn, vốn đầu tư công; đưa xi măng vào dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại, các dự án hạ tầng”, Thứ trưởng định hướng.
Theo Thứ trưởng, VICEM cần nâng cao năng lực phân tích, dự báo thị trường để xây dựng kịch bản sản xuất và chạy lò hiệu quả nhất. Triển khai hiệu quả Đề án sắp xếp, tái cơ cấu Tổng công ty giai đoạn 2021 - 2025, chú ý xác định cơ cấu phù hợp thực lực của Tổng công ty và thị trường. Trong đầu tư xây dựng, tập trung vào 4 nhóm lĩnh vực chủ yếu, gồm nhóm dự án đầu tư mỏ nguyên liệu; dự án đầu tư chiều sâu, cải tạo tăng năng lực sản xuất; dự án tận dụng nhiệt khí thải để phát điện và tiếp tục rà soát, xử lý tồn tại của các dự án đầu tư xây dựng tại Công ty mẹ - VICEM và các công ty thành viên.
Đặc biệt, Thứ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị VICEM phát huy truyền thống 94 năm ngành Xi măng Việt Nam; đoàn kết, đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, nâng cao hiệu quả quản lý, quản trị doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu mới. Tăng năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh. Quản lý, sử dụng hiệu quả vốn, tài sản Nhà nước; minh bạch, chặt chẽ trong các khâu, các giai đoạn sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng, đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật.
Phát huy tinh thần tương thân, tương ái, VICEM tặng Quỹ vì người nghèo tỉnh Phú Thọ 200 triệu đồng.
Tại Hội nghị, Phó bí thư phụ trách Đảng bộ, Chủ tịch Công đoàn VICEM Phạm Minh Đức đọc diễn văn kỷ niệm 94 năm ngày truyền thống ngành Xi măng. Đồng thời, phát động thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh năm 2024. Tổng Giám đốc VICEM Lê Nam Khánh cùng Tổng giám đốc 10 đơn vị thành viên đã ký cam kết thực hiện thắng lợi kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2024. Lãnh đạo VICEM trao quà tri ân và vinh danh các nhà phân phối xuất sắc năm 2023.
Nghi thức trao đuốc giữa VICEM Sông Thao và VICEM Hải Phòng diễn ra trang nghiêm, xúc động, tự hào. Ngọn lửa truyền thống 94 năm ngành Xi măng tiếp tục rực cháy, thể hiện quyết tâm của toàn VICEM, nỗ lực vượt khó, cán đích thành công kế hoạch năm 2024.
Tổng Công ty Xi măng Việt Nam ủng hộ Quỹ vì người nghèo tỉnh Phú Thọ 200 triệu đồng, mang Tết đầm ấm, sẻ chia đến những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.