Trong khuôn khổ Diễn đàn Phát triển bền vững đô thị Việt Nam 2023, ngày 8/11/2023, hội thảo chuyên đề “Chuyển đổi số trong phát triển đô thị” đã được tổ chức.
Toàn cảnh hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cho biết, hội thảo chuyên đề “Chuyển đổi số trong phát triển đô thị” sẽ góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số vào hoạt động quản lý, kiểm soát phát triển đô thị hiện nay, qua đó góp phần giải quyết hiệu quả những vấn đề của các đô thị Việt Nam hiện nay.
Phát biểu tại hội thảo, ông Park Jae Huyn từ Viện Kỹ thuật công nghệ xây dựng Hàn Quốc, đồng Giám đốc Dự án Thành lập Trung tâm hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng (Dự án VKC) cho biết, hiện nay cùng với sự phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, nhiều nước trên thế giới đã thành công khi xây dựng mô hình đô thị thông minh góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố, giảm tiêu thụ năng lượng, tăng cường quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Ở Việt Nam, phát triển đô thị thông minh chính là một trong những động lực quan trọng để thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập cao vào năm 2045. Để đẩy mạnh phát triển đô thị thông minh, Việt Nam cần tập trung vào vấn đề quy hoạch đô thị và công nghệ số và cần có kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ.
Ông Park Jae Huyn nhận định quá trình chuyển đổi số liên tục có những đổi mới. Do đó, cơ quan quản lý cần tìm cách nâng cao hiệu quả chuyển đổi số trong phát triển đô thị, đặc biệt là thúc đẩy ứng dụng công nghệ số. Quy hoạch đô thị cần được lập, thẩm định trên nền tảng hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị được số hóa và được hỗ trợ bởi các công cụ phân tích dữ liệu đa chỉ tiêu, công cụ dự báo, các phần mềm hỗ trợ ra quyết định quy hoạch. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần học tập kinh nghiệm của các quốc gia phát triển để vận dụng vào thực tiễn trong nước. Mỗi ngành đều có ứng dụng chuyển đổi số theo trục riêng của ngành đó. Những dữ liệu dùng chung sẽ được chia sẻ. Để phát triển bền vững, các nghiệp vụ quản lý nhà nước phải gắn với chuyển đổi số qua các phân hệ đi theo từng lĩnh vực chuyên ngành. Theo ông Park Jae Huyn, để phát triển và hình thành những đô thị thông minh trước hết phải thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trong các lĩnh vực, trong đó cần chú trọng hàng đầu đến chuyển đổi số trong quản lý đô thị.
Trình bày tham luận “Chuyển đổi số quản lý quy hoạch và phát triển đô thị ngành xây dựng tại địa phương”, ông Lưu Đức Minh - Phó Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị, đồng Giám đốc Dự án VKC cho biết, về định hướng phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 1/8/2018 phê duyệt Đề án “Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 950) nhằm góp phần triển khai thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của quốc gia thông qua phát triển đô thị thông minh bền vững. Đề án 950 đã nêu rõ quan điểm và nguyên tắc về chuyển đổi số trong quản lý phát triển đô thị là một nội dung quan trọng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sử dụng các phương tiện hỗ trợ công nghệ thông tin truyền thông và các phương tiện khác nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, năng lượng và các nguồn lực phát triển, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống đô thị, kích thích tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội, lấy người dân làm trung tâm.
Tại hội thảo, các chuyên gia, đại biểu cũng tích cực trao đổi, thảo luận nhiều nội dung về kết hợp BIM và GIS: phương thức mới trong chuyển đổi số cho phát triển đô thị thông minh; các giải pháp kỹ thuật trong phát triển đô thị thông minh, hợp tác phát triển đô thị thông minh...